Xét học bạ, chất lượng dạy học có chuyển biến tích cực

18/12/2014 08:26
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Thay đổi bước đầu về cách thi cử, xét tuyển đã góp phần làm tươi sáng, nâng cao chất lượng dạy học ở bậc học phổ thông.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc thêm một bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Lần này, ông khá tâm đắc với cách tuyển sinh mới vào các trường Đại học, Cao đẳng trong năm tới.

Căn cứ chủ trương, yêu cầu đổi mới công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về khâu tuyển sinh 2015 thì nhiều trường cũng có nhiều cải tiến, đổi mới, trong dùng đến phương thức, tiêu chí xét tuyển dựa vào học bạ THPT hoặc học bạ lớp 12 của học sinh. 7 trường đại học sư phạm trọng điểm trong cả nước có quy định mới, ngoài kết quả thi cụm do các trường ĐH tổ chức, các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm phải đạt hạnh kiểm ( bậc THPT) từ loại khá trở lên.

Trong thông báo của trường CĐ Cộng đồng Hà Nội thì thí sinh đỗ vào trường là những học sinh tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) có hạnh kiểm năm học lớp 12 được xếp loại từ khá trở lên, tổng điểm trung bình kết quả học tập trong 3 năm của 3 môn thuộc các môn xét tuyển theo từng ngành ≥ 16.5 điểm.

Xét học bạ, chất lượng dạy học có chuyển biến tích cực ảnh 1Kỳ thi quốc gia năm 2015: Chỉ đăng ký môn và mục đích dự thi

(GDVN) - Điểm khác biệt trong hồ sơ đăng ký dự thi năm nay là không đăng ký dự thi vào trường nào mà chỉ đăng ký môn thi nào, ghi rõ mục đích dự thi là gì...

Đại diện Trường ĐH Quốc tế miền Đông cho biết, trường dành khoảng 40% trong tổng chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT theo kết quả học tập trong học bạ bậc THPT. Điều kiện để xét vào bậc đại học là tốt nghiệp THPT; điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 đạt từ 6 điểm trở lên; tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn lớp 12 thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 trở lên; hạnh kiểm từ loại khá trở lên.

Điều kiện xét vào hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT, điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 đạt từ 5,5 điểm trở lên; tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn lớp 12 thuộc tổ hợp môn xin xét tuyển đạt từ 16,5 điểm trở lên; hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Còn các trường ĐH ở “ tốp trên” thì cho thêm những điều kiện khắt khe hơn. Ví dụ như ĐH Ngoại thương chỉ xét tuyển từ các thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm khá trở lên. Trường này xét tuyển theo từng khối thi. Điểm trúng tuyển của trường xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi.

Đại học Y Hà Nội căn cứ vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh cộng với việc giữ nguyên 3 môn xét tuyển khối B là toán, hóa học và sinh học. Tiêu chí sơ tuyển sẽ dựa vào tổng điểm trung bình của ba môn học này của năm học kỳ THPT, đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước là 6 học kỳ. Để vượt vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt yêu cầu điểm trung bình của mỗi môn toán, hóa học và sinh học trên 7 điểm đối với hệ bác sĩ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân.

Là một nhà quản lý giáo dục, thầy giáo đang dạy học ở bậc THPT, tôi nhận thấy, những đổi mới của Bộ GD & ĐT và các trường ĐH, CĐ về khâu xét tuyển đầu vào như vậy là phù hợp và cần thiết với điều kiện, tình hình giáo dục, đào tạo của đất nước hiện nay. Qua mấy môn thi, trong vài ba ngày thì chưa thể phản ánh, đánh giá  chính xác được năng lực, phẩm chất của người học, cần phải thêm những tiêu chí, thông số, kết quả cụ thể của một quá trình học tập, rèn luyện qua học bạ để việc lựa chọn, xét tuyển xác đáng, đầy đủ hơn.

Xét học bạ, chất lượng dạy học có chuyển biến tích cực ảnh 2Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức 2 đợt tuyển sinh năm 2015

(GDVN) - Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh đại học được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7.

Đáng mừng có một số trường, đặc biệt các trường sư phạm đào tạo giáo viên đã chú ý, quan tâm đến kết quả rèn luyện hạnh kiểm, đạo đức của thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển. Đúng, những ngành nghề đặc thù cần có thêm tiêu chí về đạo đức từ học phổ thông để việc đào tạo, làm việc sau này sẽ căn cơ, hoàn chỉnh, tốt đẹp hơn.

Năm ngoái, Bộ GD & ĐT lấy kết quả học tập lớp 12, cùng với điểm thi tốt nghiệp 4 môn để xét cộng nhận tốt nghiệp THPT và năm nay có thêm nhiều trường CĐ, ĐH tham chiếu từ kết quả văn hóa, hạnh kiểm lớp 12 và bậc THPT để sơ tuyển, xét tuyển, thực tế đã tạo luồng sinh khí mới, động lực tích cực cho hoạt động giáo dục tại nhà trường phổ thông. Các em học sinh có ý thức học tập nghiêm túc, toàn diện ngay từ đầu, những biểu hiện lệch lạc như chỉ học mấy môn thi, đến lúc thi cử mới học có chiều giảm xuống. Nhà trường, thầy cô giáo thì phấn khởi, có trách nhiệm hơn; những than thở, buồn phiền, thậm chí căng thẳng về diện học sinh chây lười, xem thường môn học, tiết dạy vơi bớt, nhất là các môn “ phụ” như: sử, địa, giáo dục công dân…Thay đổi bước đầu về cách thi cử, xét tuyển đã góp phần làm tươi sáng, nâng cao chất lượng dạy học ở bậc học phổ thông. 

Tuy nhiên, khi đem bàn thảo, chốt lại đề án tuyển sinh, vẫn  có không ít Hội đồng tuyển sinh, các giảng viên ĐH, CĐ còn tỏ ra nghi ngại, chưa thực sự tin vào kết quả đánh giá phổ thông, chất lượng dạy và học ở các vùng miền cũng khác nhau. Do đó, họ chưa dùng phương án xét tuyển bằng học bạ.

Xét về mặt khoa học và thực tế giáo dục phổ thông nước ta hiện nay, để có được sự đồng bộ, chính xác tuyệt đối trong đánh giá, xếp loại chất lượng dạy học là cực kỳ khó khăn. Mặc dù đã có chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, chuẩn về đề thi, ma trận, đáp án, nhiều lần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiểm tra, đánh giá nhưng ngay cả kết quả dạy học của một giáo viên đạt chuẩn trong một lớp học hoặc các lớp dạy của chính họ cũng đã có “ độ vênh” nhất định, huống chi cả trường, cả tỉnh, cả nước. Chúng ta cố gắng đạt đến sự đánh giá kết quả học sinh với độ chính xác, đồng đều mang tính tương đối mà thôi.

Cái mà chúng ta cần phê phán, đấu tranh, đẩy lùi chính là “bệnh thành tích, những biểu hiện tiêu cực, dễ dãi…vẫn còn trong một số nhà trường, giáo viên để có sự công bằng, khách quan trong tất cả học sinh, trong xét tuyển ĐH,CĐ. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò quản lý, giám sát của nhà trường, giáo dục địa phương và thái độ, trách nhiệm cùng với năng lực của đội ngũ giáo viên bậc THPT.

ĐỖ TẤN NGỌC