Tháng 7 năm 2014, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert thăm Trung Quốc |
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 30 tháng 4 đưa tin, Ủy viên Quân ủy Trung ương kiêm Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi ngày 29 tháng 4 đã tiến hành "trò chuyện video" với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như giao lưu, hợp tác thiết thực giữa hải quân hai nước, tàu chiến và máy bay Mỹ đến gần do thám, xây dựng (bất hợp pháp) đảo đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Theo bài báo, ông Ngô Thắng Lợi đã nhìn lại tiến triển mang tính thực chất trên các lĩnh vực trong “quan hệ hải quân nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ” trong những năm gần đây.
Đồng thời bày tỏ mong muốn, dưới sự chỉ đạo của đồng thuận quan trọng "xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ" của các nhà lãnh đạo hai nước, hải quân hai nước đi sâu triển khai giao lưu và hợp tác, tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao giữa hải quân hai nước, đi sâu giao lưu lực lượng "tuyến 1", gia tăng mức độ diễn tập chung đa phương.
Ngô Thắng Lợi cho rằng, hoạt động đến gần do thám Trung Quốc của tàu chiến và máy bay Mỹ rất không phù hợp với không khí tích cực cùng tập trung cho “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, quan hệ hải quân nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ” (loại quan hệ này do Trung Quốc đưa ra).
Ngô Thắng Lợi muốn hai bên tiếp tục thực hiện quan điểm "hợp tác thiết thực, hài hòa, cùng tiến", thiết thực bảo vệ “đại cục” quan hệ hai quân đội, hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter vừa lên án Trung Quốc: Đừng có ỷ vào xác to mà ăn hiếp nước khác |
Giở luận điệu xấu liên quan đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông hiện nay, Ngô Thắng Lợi nói rằng: “Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) ở đảo đáo đồn trú Trường Sa sẽ không đe dọa tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông, trái lại sẽ nâng cao năng lực dịch vụ sản phẩm công ở vùng biển này trên các phương diện như tiến hành dự báo khí tượng, cứu hộ hàng hải, thực hiện nghĩa vụ quốc tế bảo vệ an ninh vùng biển quốc tế”.
“Hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước liên quan sử dụng những cơ sở này khi điều kiện chín muồi trong tương lai, triển khai các hoạt động nhân đạo quốc tế trên biển như chống cướp biển”.
Báo Trung Quốc dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert cho rằng, quan hệ hải quân hai nước Trung-Mỹ ngày càng hoàn thiện, ổn định, hợp tác song phương tiến triển thuận lợi, hy vọng hai bên trong tương lai tiếp tục tăng cường thực hiện "Quy tắc gặp nhau ngoài ý muốn trên biển", ngăn chặn xảy ra hiểu nhầm, phán đoán nhầm và sự kiện ngoài ý muốn trên biển, trên không.
Theo báo Trung Quốc, ông Jonathan Greenert còn hy vọng Trung Quốc có thể “kịp thời nói rõ mục đích xây dựng đảo đá ngầm Trường Sa cho các nước xung quanh”, làm nhiều công việc, đồng thời cho biết “nếu có thể sử dụng cơ sở do Trung Quốc xây dựng, cùng phát triển hợp tác trên lĩnh vực chống cướp biển và cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, có lợi cho an toàn đi lại ở khu vực Biển Đông, có lợi cho bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, có ý nghĩa lịch sử quan trọng”.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc biến thành một tiền đồn quân sự |
Trên đây là toàn bộ bài viết trên báo chí Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa quan chức cấp cao hải quân hai nước xung quanh quan hệ hải quân của hai nước này.
Trong khi đó, hãng tin Reuters Anh ngày 1 tháng 5 cho biết, trong điện đàm, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert đã nói là: Hy vọng Trung Quốc có thể giải thích kịp thời mục đích xây dựng (bất hợp pháp) cho các nước trong khu vực. Các cơ sở (do Trung Quốc xây dựng) sẽ có lợi cho duy trì sự ổn định và tự do hàng hải “nếu các nước khác có thể sử dụng các cơ sở đó cho hoạt động nhân đạo chung”.
Đây là sự khác biệt về ngôn ngữ do Trung Quốc tuyên truyền với những phản ánh trên báo chí phương Tây về phát biểu của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert. Như vậy, ngôn ngữ sử dụng trên báo chí Trung Quốc dễ gây hiểu nhầm là Mỹ đồng ý sử dụng cơ sở do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền 90% Biển Đông (yêu sách phi pháp, hết sức lố bịch) – vùng biển giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, có sự chồng lấn tuyên bố chủ quyền giữa Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan.
Hình ảnh đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên báo chí Trung Quốc |
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) đường băng dùng cho mục đích quân sự và các kế hoạch khác với tốc độ cực nhanh ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Hành động (bất hợp pháp) này của Trung Quốc đã gây báo động cho khu vực và Washington, Hội nghị cấp cao ASEAN vừa ra tuyên bố không hài lòng với (các hành động bất hợp pháp của) Trung Quốc.
Hiện nay, mặc dù quân đội hai nước Trung-Mỹ nỗ lực cải thiện giao lưu và hợp tác, nhưng vẫn còn nghi ngờ sâu sắc lẫn nhau. Năm 2013, 1 tàu tuần dương tên lửa của Mỹ suýt va chạm với 1 tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Như vậy, trong cuộc điện đàm này, điều đáng chú ý là, Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền mục đích “cung cấp dịch vụ công” ở Biển Đông để dụ Mỹ, thậm chí tuyên bố “cho phép” Mỹ và các nước khác sử dụng trong tương lai. Rõ ràng, đây là một thủ đoạn tuyên bố và áp đặt chủ quyền lắt léo không thể chấp nhận được - PV.
Nếu Mỹ đồng ý sử dụng những cơ sở do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông theo danh nghĩa “Trung Quốc cho phép” sẽ chẳng khác nào thừa nhận chủ quyền đảo đá ở quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Đây là vấn đề của “tương lai gần” đối với Việt Nam và các nước ven Biển Đông - PV.
Philippines cho rằng, tàu cảnh sát biển Trung Quốc là "cướp có vũ trang" |
Philippines vừa tuyên bố, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc là “cướp có vũ trang”, do đó, khi có những “cơ sở quân sự” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, các lực lượng hải quân, cảnh sát biển của Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng các hoạt động hung hăng hơn trong việc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp - PV.
Trung Quốc ra sức tuyên truyền mục đích “cung cấp dịch vụ công” ra vẻ tốt đẹp như trên là nhằm lấp liếm cho tính chất bất hợp pháp, tính chất bành trướng xâm lược của Chính phủ Trung Quốc hiện nay khi tìm mọi cách áp đặt yêu sách “đường lười bò” (đường chín đoạn) bất hợp pháp và hết sức lố bịch - PV.