Dự án xây dựng cầu Am được triển khai từ tháng 3/2009, đến tháng 1/2012 cầu được thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng.
Dự án này do Sở Giao thông và Vận tải TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thăng Long.
Được biết, cây cầu này có tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, hiện UBND TP.Hà Nội đã giải ngân khoảng 30 tỷ đồng. Tuy thông xe kỹ thuật từ tháng 1/2012, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục quyết toán.
Bên trong phần bê tông của cầu xuất hiện lõi gỗ. Ảnh cắt từ clip của Hải Ninh |
Ngoài các hiện tượng nứt vỡ bề mặt bê tông dầm dưới chân cầu, nhiều trụ cầu bị nghiêng, thực hiện sai thiết kế ban đầu… cầu Am còn bị phát hiện “bê tông cốt… gỗ. Không những vậy, mỗi lần nước rút, một số trụ cầu lại có hiện tượng móng cầu chỉ toàn là đất bùn và tre…
Có hiện tượng nứt vỡ bề mặt bê tông dầm dưới chân cầu. Ảnh Hải Ninh |
Sau khi xem hình ảnh, clip quay về hiện tượng trên do phóng viên cung cấp, ngày 04/5/2015, ông Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông 1 (Sở GTVT Hà Nội) giải thích: Hiện tượng nứt bê tông đấy thực chất là khe hở giữa 2 hạng mục bê tông cốt thép và đá hộc xây. Nguyên nhân là do thời gian xây dựng 2 hạng mục cách nhau 3 năm, đồng thời giữa 2 thành phần này có kết cấu khác nhau.
Khi xuất hiện khe hở thì nhà thầu đã cho khắc phục bằng cách trát trét xi măng vào. Kết cấu này không chịu lực nên không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.
Mỗi lần nước rút lại xuất hiện tình trạng trụ cầu không móng. Ảnh Hải Ninh |
Về hình ảnh khi nước rút xuất hiện trụ cầu “không móng”, chỉ có đất bùn và tre, ông Thành cho biết: “Từ hôm có thông tin đến nay chưa có hôm nào nước rút, chờ hôm nào nước rút thì bọn mình kiểm tra lại xem vị trí nào? nguyên nhân vì sao?”.
Về hình ảnh có “bê tông cốt… gỗ”, ông Thành giải thích: “Trong quá trình đổ bê tông có ván khuôn, khi tháo dỡ ván khuôn thì nó còn sót lại, nó dính vào phần bê tông thừa ra nhưng sau đó (nhà thầu-PV) vệ sinh tẩy bỏ bê tông đó đi rồi…”.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, tuy mới đưa vào sử dụng nhưng cầu Am đã có hiện tượng nứt vỡ bề mặt bê tông dầm dưới chân cầu. Cầu mới đưa vào sử dụng được 2 năm nhưng theo quan sát của người dân nơi đây thì vết nứt của khối bê tông đỡ mặt cầu đã dài hàng mét.
“Vết nứt sâu, tôi nhận thấy rõ sự tách rời nhau của khối bê tông này” một người dân cho biết.
Không chỉ có hiện tượng nứt, lún, cầu Am còn có hiện tượng nghiêng. Theo quan sát của phóng viên, có nhiều trụ cầu có hiện tượng bị nghiêng, vẹo.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban Quản lý Dự án giao thông 1 (Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội) thừa nhận có nhiều trụ cầu bị nghiêng và có ít nhất 01 cọc nhồi bị sai thiết kế.
Cây cầu 40 tỷ đồng: Nghiêng, vẹo, nứt, sai thiết kế nhưng vẫn đạt… chuẩn
Ông Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông 1 cho biết: “Khi thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2012, do sức ép tiến độ nên về mỹ quan thì không được đẹp lắm.
Gần đây khi khảo sát, chúng tôi phát hiện tại Trụ T3, bên trái có 3 cái nghiêng nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Chúng tôi có mời đơn vị độc lập vào kiểm định nhưng đến nay chưa có kết quả. Theo nhận định của chúng tôi, việc nghiêng này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Không chỉ bị nghiêng, một số hạng mục của cầu Am còn làm sai thiết kế ban đầu, giải thích về nguyên nhân này, ông Thành cho biết: “Khi khảo sát xây cầu, chúng tôi không tìm được hồ sơ thiết kế cầu cũ.
Việc khảo sát trước khi xây dựng cũng chỉ là khảo sát tầng địa chất, chứ không khảo sát được các dị vật.
Khi khoan 36 cọc nhồi thì có 01 cọc bị vướng vào cọc bê tông cầu cũ nên không khoan xuyên qua được. Nên chúng tôi sửa thiết kế thành 02 cọc nhỏ hơn nằm ở 2 bên, việc sửa này chúng tôi có báo cáo Sở.
Chúng tôi cho rằng, việc này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.