Dự án xây dựng cầu Am được triển khai từ năm tháng 3/2009, đến tháng 1/2012 cầu được thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng.
Dự án này do Sở Giao thông và Vận tải TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thăng Long.
Sau 2 năm đưa vào sử dụng nhiều hạng mục của công trình vẫn còn dang dở. Lan can cầu chưa được lắp đặt. Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là mối quan tâm và lo lắng nhất của người dân nơi đây…
Bằng mắt thường cũng nhận ra nhiều vết nứt bề mặt bê tông dầm dưới. Ảnh: Duy Phong |
Hiện tượng nứt vỡ bề mặt bê tông dầm dưới chân cầu là điều người dân lo lắng. Cầu mới đưa vào sử dụng được 2 năm nhưng theo quan sát của người dân nơi đây thì vết nứt của khối bê tông đỡ mặt cầu đã dài hàng mét.
“Vết nứt sâu, tôi nhận thấy rõ sự tách rời nhau của khối bê tông này” một người dân cho biết.
Cầu Am đang bị lún, nghiêng, sai thiết kế đã ra nhiều nghi vấn về chất lượng công trình. Ảnh: Duy Phong |
Không chỉ có hiện tượng nứt, lún, cầu Am còn có hiện tượng nghiêng. Theo quan sát của phóng viên, có nhiều trụ cầu có hiện tượng bị nghiêng, vẹo.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban Quản lý Dự án giao thông 1 (Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội) thừa nhận có nhiều trụ cầu bị nghiêng và có ít nhất 01 cọc nhồi bị sai thiết kế.
Ông Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông 1 cho biết: “Khi thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2012, do sức ép tiến độ nên về mỹ quan thì không được đẹp lắm.
Gần đây khi khảo sát, chúng tôi phát hiện tại Trụ T3, bên trái có 3 cái nghiêng nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Chúng tôi có mời đơn vị độc lập vào kiểm định nhưng đến nay chưa có kết quả. Theo nhận định của chúng tôi, việc nghiêng này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Trụ cầu bị nghiêng khiến nhiều người dân lo lắng. Ảnh: Duy Phong |
Không chỉ bị nghiêng, một số hạng mục của cầu Am còn làm sai thiết kế ban đầu, giải thích về nguyên nhân này, ông Thành cho biết: “Khi khảo sát xây cầu, chúng tôi không tìm được hồ sơ thiết kế cầu cũ.
Việc khảo sát trước khi xây dựng cũng chỉ là khảo sát tầng địa chất, chứ không khảo sát được các dị vật.
Khi khoan 36 cọc nhồi thì có 01 cọc bị vướng vào cọc bê tông cầu cũ nên không khoan xuyên qua được. Nên chúng tôi sửa thiết kế thành 02 cọc nhỏ hơn nằm ở 2 bên, việc sửa này chúng tôi có báo cáo Sở.
Chúng tôi cho rằng, việc này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Được biết, Dự án cầu Am bắt đầu thi công từ tháng 3/2009 đến tháng 1/2012 thì thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục còn lại. Ban Quản lý dự án đang yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành trước tháng 4/2015.
Dự án đến nay đã được Hà Nội giải ngân nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng. Theo dự toán của Ban Quản lý, thì Hà Nội còn còn phải trả cho nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng nữa.
Đề nghị Thành phố Hà Nội sớm vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ dự án đang có nhiều nghi vấn này.