Dự án đặc biệt quan trọng
Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ 11 – Khóa XI khai mạc tại Hà Nội ngày 4/5/2015 vừa qua. Một trong những nội dung chính tại Hội nghị Trung ương lần này là việc cho ý kiến báo cáo đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trước khi trình Quốc hội.
Về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, giới truyền thông dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu hôm khai mạc hội nghị cho biết, đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với toàn vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (ảnh: internet) |
Dự án có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tổng vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài, sử dụng một diện tích đất đai lớn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và môi trường sống của hàng chục vạn người dân.
Theo đề xuất, dự án Sân bay Long Thành sẽ được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi khoảng 2.700 ha (quy mô dự án trước đây là 5.000 ha đất thu hồi).
Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi.
Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050.
Vì vậy, mặc dù Trung ương đã cho chủ trương chung và ngay từ năm 2005, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo tiền khả thi, đến nay đã hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định nhà nước và được Chính phủ thông qua.
Nhưng tại hội nghị lần này, Trung ương vẫn cần cho ý kiến về các vấn đề nêu trong tờ trình và báo cáo đầu tư dự án của Ban cán sự đảng Chính phủ, có kết luận định hướng để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
"Trung ương cần tập trung cho ý kiến về sự cần thiết và tính khả thi của dự án; nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng; phương án tái định cư, bảo đảm việc làm và môi trường sống cho đồng bào vùng di dời; phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành; hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; cơ chế đặc thù cho dự án; các kiến nghị, đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ…", Tổng Bí thư lưu ý.
Còn nhiều băn khoăn
Hôm 6/5, thể hiện quan điểm trên Báo Giáo dục Việt Nam, giới phân tích trong nước đều đưa ra nhận định, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là một vấn đề lớn của quốc gia, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc lấy ý kiến về dự án trong hội nghị Trung ương lần này là việc làm hết sức cần thiết.
“Điều này thể hiện thái độ thận trọng của lãnh đạo Đảng, về việc cần thiết phải xem xét tính khả thi của dự án, để đưa ra quyết sách có lợi nhất để phát triển của đất nước”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành - nhà quan sát chính trị trong nước nhận định.
Tiến sĩ Dương Xuân Thành cho rằng, giới chức nên cân nhắc đến hiệu quả kinh tế và những tác động về mặt xã hội từ dự án này.
“Một số phân tích đã chỉ ra rằng, báo cáo từ phía đơn vị lập dự án chưa tính toán hết hiệu quả kinh tế, việc thu hồi vốn đầu tư của dự án, tính rủi ro của dự án... Do vậy cần phải tôn trọng, xem xét một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp, phản biện dự án”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành đề nghị.
Cũng theo tiến sĩ Dương Xuân Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thànhhay đường sắt cao tốc Bắc – Nam đều là những dự án cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên cần xem xét, tính toán thật kỹ thời điểm thực hiện.
“Bây giờ nói dùng nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng dự án. Thế nhưng nguồn vốn xã hội hóa thực chất là của cải của nhân dân, doanh nghiệp. Nếu việc đầu tư không mang lại hiệu quả dẫn đến phá sản, thì không ai khác, người dân là đối tượng phải gánh chịu”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành lưu ý.
Cũng theo Tiến sĩ Dương Xuân Thành: “Thực tế cho thấy, một số dự án cảng hàng không xây dựng xong, nhưng phát huy hiệu quả thấp (cảng hàng không Phú Quốc, Cần Thơ...). Mặt khác, trong điều kiện nợ công Việt Nam đang ở mức cao, thì việc đầu tư nguồn vốn quá lớn để làm dự án này cần phải được tính toán thật kỹ”.
Trong khi đó Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (HASCON) lại đưa ra những con số phân tích cụ thể cho thấy Báo cáo đầu tư Dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là những tính toán lợi ích kinh tế sơ sài không khoa học.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, trong hồ sơ “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành” mà Chính phủ trình trước Quốc hội cuối năm 2014, tại bản tóm tắt “Báo cáo đầu tư” dài 55 trang, nhưng phần tính toán lợi ích kinh tế lại chưa đầy 3 trang.
Từ những phân tích cụ thể và thận trọng của cá nhân cũng như của HASCON, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho rằng, lợi nhuận thu lại từ việc đầu tư sân bay Long Thành sẽ thấp. Thời gian hoàn vốn dự án có thể lên tới cả trăm năm.
Tại phiên họp thứ 35 ngày 26/2/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đủ điều kiện để trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư tổng thể và giai đoạn 1 của dự án.
Một trong những thay đổi đáng kể là việc giảm tổng mức đầu tư dự án.
Theo đó, vốn đầu tư dự án giảm còn 15,8 tỷ USD. Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD. Trước đó, vốn đầu tư dự án được tính toán là 18,7 tỷ USD và giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD.
Về nguồn vốn, ngân sách nhà nước chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng; Vốn ODA 26,5% vốn, chủ yếu cho khu bay; Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 62,4% cho các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao như: nhà ga, các công trình thương mại. Đồng thời, trước mắt, chỉ đầu tư trước một đường cất hạ cánh trong giai đoạn 1.