PGS-TS Ngô Trí Long: "Toyota Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường"

07/05/2015 13:58
Hồng Minh
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, sở dĩ Toyota đưa ra đề xuất "khủng" là do doanh nghiệp này đang đứng ở ngã ba đường.

Đề xuất ưu đãi khủng

Mới đây, Toyota đưa ra 2 kịch bản tính toán dự báo về viễn cảnh phát triển thị trường ô tô Việt Nam, đồng thời đưa ra hàng loạt đề xuất như một điều kiện hãng xe này tiếp tục sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.

Cụ thể, hãng đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD (CKD viết tắt của từ completely knock down - có nghĩa xe lắp ráp 100% từ linh kiện rời rạc) từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng.

Toyota cho rằng, Thái Lan và Indonesia đều đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách này và đây mới là cách tính thuế công bằng.

Đề xuất ưu đãi của Toyota là khó chấp nhận (ảnh minh họa)
Đề xuất ưu đãi của Toyota là khó chấp nhận (ảnh minh họa)

Điểm thứ hai, hãng đề xuất Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018.

Đề xuất tiếp theo của Toyota là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước. Hãng kiến nghị Chính phủ có thể chọn 2 giải pháp, hoặc là giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm mức thuế suất từ 45% xuống chỉ còn 35%.

Thứ tư là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.

PGS-TS Ngô Trí Long: "Toyota Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường" ảnh 2

>> Đòi ưu đãi khủng, đừng nghĩ Toyota thương người Việt Nam

Và cuối cùng, Toyota Việt Nam xin đề xuất hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. 

Thời gian xin hỗ trợ trên của Toyota lên đến 10 năm.

Trước đề xuất của Toyota, Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) nhận định: Sở dĩ Toyota đưa ra đề xuất như trên do doanh nghiệp này đang đứng ở ngã ba đường.

Theo đó, đến năm 2015 khi thuế nhập khẩu ô tô bằng 0, Toyota đứng giữa hai sự lựa chọn: Thứ nhất chuyên đi bán xe tức nhập khẩu về và bán; Thứ hai tiếp tục sản xuất xe trong nước.

Đề xuất của Toyota đưa ra trong lúc ngành sản xuất ô tô trong nước gần như phá sản khi chiến lược phát triển có sự mâu thuẫn.

“Trong khi Bộ Công thương muốn phát triển ngành ô tô, phương án đề xuất được Thủ tướng thông qua nhưng hạ tầng yếu kém cùng việc thuế, phí chồng lên vì vậy thị trường ô tô Việt Nam không thể phát triển được”, TS Ngô Trí Long nhận định. 

Đề xuất của Toyota là "khó chấp nhận"

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, với một thị trường lớn đến 90 triệu dân như Việt Nam, sản lượng sản xuất ô tô một năm chỉ 128.000 chiếc (năm 2014) và đặt mục tiêu 200.000 chiếc (năm 2015) là quá ít so với Thái Lan hàng triệu chiếc.

Mặc khác, khi Toyota vào Việt Nam năm 1995, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, tất cả chính sách ưu đãi đó được Việt Nam thực hiện theo đúng cam kết và lộ trình.

Không những thế, Việt Nam đã dành quá nhiều ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô. Do đó những đề xuất của Toyota là khó chấp nhận.

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính)
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính)

“Thuế là nguồn thư hết sức quan trọng với nền tài chính của một quốc gia. Bất cứ ưu đãi nào phải có lộ trình từ trước nhưng trường hợp của Toyota, khi đến ngã ba đường anh lại đặt vấn đề đòi ưu đãi nếu không sẽ rời sản xuất là khó chấp nhận”, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Cũng theo PGS-TS Ngô Trí Long, những đề xuất của Toyota lúc này là bài toán trả giá của Việt Nam khi chính sách phát triển ngành sản xuất ô tô chưa có lời giải.

“Vấn đề lúc này là Việt Nam cần có chiến lược như thế nào với ngành ô tô. Một quốc gia hơn 90 triệu dân, ngành sản xuất ô tô là cần thiết. Nhưng cũng không vì thế mà quá lo lắng nếu chỉ vì không nhận được ưu đãi Toyota sẽ ngừng sản xuất, rời khỏi Việt Nam. Bởi ngoài Toyota, Việt Nam còn nhiều hãng xe khác đang sản xuất. Thị trường luôn có sự cạnh tranh, có cầu sẽ có cung”, PGS - TS Long phân tích.

Liệu việc Toyota ngừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến người lao động, đến nguồn thuế? Cũng như khi Toyota không sản xuất, có nghĩa chúng ta phải nhập khẩu xe của hãng này dẫn đến vấn đề nhập siêu?… Giải đáp những lo lắng này, PGS-TS Ngô Trí Long khẳng định không đáng ngại, bởi không có doanh nghiệp sản xuất ô tô này đã có doanh nghiệp khác.

Việt Nam đã có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp ô tô nói riêng nên mọi vấn đề ưu đãi tiếp theo cần xem xét kỹ lưỡng.

Đề xuất của Toyota không có cơ sở

Trước để xuất của Toyota, trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, ý kiến của Toyota đưa ra với chính phủ Việt Nam là những kiến nghị về chính sách, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam.

“Không có cơ sở nào để nói Toyota sẽ dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu ô tô ở Việt Nam. Cũng chưa có cơ sở nào để Toyota yêu cầu Chính phủ Việt Nam bù lỗ hay trợ giá sản xuất ô tô. Đề xuất của các nhà sản xuất như Toyota là những kiến nghị để Chính phủ Việt Nam xem xét, tạo điều kiện ưu đãi khuyến khích các nhà sản xuất tại Việt Nam” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trong khi đó theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, Toyota không chơi xấu, không bỏ cuộc, mà vấn đề đơn giản ở đây chỉ là có nên làm hay không.

“Ở đây, thị trường sẽ quyết định tất cả. Với thị trường hơn 90 triệu dân, mà sắp tới có thể lên tới 100 triệu dân như Việt Nam thì tôi tin chắc, sẽ không nhà sản xuất nào bỏ cuộc” – ông Long nói.
                                                                                                                         Theo Vietnamnet

Hồng Minh