Đòi ưu đãi khủng, đừng nghĩ Toyota thương người Việt Nam

28/04/2015 14:42
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đừng nghĩ Toyota thương người Việt Nam. Còn ưu đãi, còn bảo hộ, còn lao động giá rẻ thì họ làm, không bảo hộ thì bỏ đi.

Đề xuất ưu đãi của Toyota là vô lý

Toyota vừa có một bản tính toán với các đề xuất chính sách, các kịch bản dự báo dựa trên số liệu sản xuất của hãng này để có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.

Theo đó để sản xuất tại Việt Nam, Toyota đề nghị 5 ưu đãi gồm chuyển giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng.

Đề nghị giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018.

Tiếp đến, Toyota đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước. Hãng kiến nghị Chính phủ có thể chọn 2 giải pháp, hoặc là giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm mức thuế suất từ 45% xuống chỉ còn 35%.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Việc Toyota Việt Nam có đưa ra đề xuất hỗ trợ cho sản xuất ô tô sau năm 2018 với giá trị lớn hàng tỷ USD là rất vô lý. Ảnh minh họa.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Việc Toyota Việt Nam có đưa ra đề xuất hỗ trợ cho sản xuất ô tô sau năm 2018 với giá trị lớn hàng tỷ USD là rất vô lý. Ảnh minh họa.

Thứ tư là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Và cuối cùng Toyota Việt Nam xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Mức chênh lệch chi phí này, theo tính toán của Toyota, lên tới 25% vào năm 2018, khi hàng rào thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN về 0%. 50% trong số này tương ứng 12,5% chi phí sản xuất xe khi đó.

Trước đề xuất ưu đãi này của Toyota, trả lời trên Vietnamnet, đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Việc Toyota Việt Nam có đưa ra đề xuất hỗ trợ cho sản xuất ô tô sau năm 2018 với giá trị lớn hàng tỷ USD là rất vô lý.

Bởi với mức chênh lệch là 20-25% theo cách tính của Toyota, 50% số này là khoảng 10-12,5% chi phí sản xuất xe. Theo giá tuyệt đối, giả sử trung bình mỗi xe là 100 triệu đồng thì với sản lượng 40.000 xe của Toyota năm 2014, con số hỗ trợ sẽ là 40.000 tỷ đồng, gần 2 tỷ USD. Đây là khoản tài chính quá lớn.

Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ như vậy không phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng trong WTO, các Chính phủ không được phép hỗ trợ trực tiếp về giá đối với sản phẩm của mình mà phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đừng nghĩ Toyota thương người Việt Nam

Liên quan đến đề xuất ưu đãi khủng của Toyota, nhiều lo lắng về việc nếu Chính phủ đồng ý sẽ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp FDI. Cùng với đó những đóng góp của Toyota cho kinh tế Việt Nam từ khi đặt chân vào dải đất hình chữ S là quá nhỏ bé.

Toyota Việt Nam được thành lập từ tháng 9/1995 và đi vào hoạt động tháng 10/1996 với tổng vốn đầu tư 89,6 triệu USD. Nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam, cũng là hãng đứng đầu về dòng xe PC, mới đây đã đưa ra tuyên bố có thể ngừng lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Theo Toyota Việt Nam, trong năm 2014, đơn vị đã đóng thuế vào ngân sách nhà nước 700 triệu USD, nâng tổng số thuế đã nộp từ ngày thành lập đến nay lên con số 4 tỷ USD, tạo 1.600 việc làm cho lao động Việt Nam.

Tuy nhiên đổi lại những ưu đãi doanh nghiệp FDI được hưởng thì quá lớn.

Trước đây khi doanh nghiệp Việt Nam chịu thuế suất 32% thì doanh nghiệp FDI cao nhất là 25%, lại còn kèm theo một loạt ưu đãi như miễn thuế trong mấy năm đầu, lại tiếp tục giảm 50% thuế trong một thời gian tiếp theo...

Trả lời trên Diễn đàn Đầu tư, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trước đây Toyota được hưởng ưu đãi thuế nên mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng bây giờ, hàng rào bảo hộ được gỡ bỏ theo cam kết trong khu vực. Theo tính toán của Toyota, còn ưu đãi, còn bảo hộ thì họ còn làm, không bảo hộ thì bỏ đi.

"Đừng nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài vào là để xây dựng cho nền công nghiệp của Việt Nam, đóng góp công nghiệp hóa cho Việt Nam. Hoàn toàn không phải thế! Đối với họ, lợi nhuận là số 1. Ở đâu có lợi thì họ làm. Chừng nào cơ chế còn có lợi cho họ thì họ làm. Đến lúc họ tính toán là 2018, thuế nhập khẩu không còn nữa, không cạnh tranh được, nhập khẩu về có lợi hơn, thì họ quay sang nhập khẩu", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Theo bà Lan, đừng nghĩ Toyota họ thương người Việt Nam, họ tạo công ăn việc làm cho mình. Lao động giá còn rẻ, trong ngành còn được bảo hộ cao, còn khi không còn thì họ tính đến việc rời đi.

Nói tóm lại, việc Toyota tính toán rời đi không có gì ảnh hưởng đến Việt Nam, cũng như nền kinh tế của chúng ta. Hơn nữa bản chất của doanh nghiệp như Toyota là lợi nhuận nên không khó để giải thích yêu sách trên của Toyota.

Trước đề xuất ưu đãi của Toyota, trả lời chính thức tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 27/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng: "Đó là thông tin trong một cuộc họp. Chưa có cơ sở nào để Toyota sẽ dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu ô tô ở Việt Nam. Cũng chưa có cơ sở nào để Chính phủ Việt Nam sẽ bù lỗ cho hãng hay trợ giá sản xuất xe ô tô".

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ailen (ESRI) và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia Việt Nam, "đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào ngân sách Nhà nước tăng từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào NSNN còn nhỏ so với những ưu đãi được hưởng" – trích báo cáo nghiên cứu “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến doanh nghiệp Việt Nam”.

Mai Anh (Tổng hợp)