Sáng nay (12/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là bộ luật nền có liên quan trực tiếp tới đời sống của mọi người dân, vì vậy thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.
Băn khoăn về "lẽ công bằng"
Đáng chú ý tại Điều 6 dự thảo nói về "Áp dụng tương tự pháp luật như sau: "Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ và lẽ công bằng".
Cho ý kiến vào nội dung này, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội bày tỏ băn khoăn về "lẽ công bằng".
"Đưa lẽ công bằng vào rất hay, hệ thống pháp luật dân sự của các nước người ta cũng đưa lẽ công bằng vào. Tuy nhiên, về tính chất chuyên môn cũng rất khó. Thế nào là lẽ công bằng? Trong báo cáo giải trình có đề cập, nhưng tôi đề nghị cân nhắc làm rõ thêm. Anh Cường (Bộ trưởng Hà Hùng Cường – PV) có nói theo trái tim, nhưng trái tim có lúc đúng lúc sai, thì không biết có đúng với lẽ công bằng hay không.
Tôi hoàn toàn ủng hộ đưa nội dung này vào, nhưng phải có cơ chế và nguyên tắc như thế nào để tòa không xử được theo các quy định của luật thì áp dụng lẽ công bằng", bà Mai nêu quan điểm.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. ảnh: TTBC. |
Đối với điều 28 “Quyền thay đổi tên, chữ đệm” quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên,chữ đệm, nhưng rất đáng chú ý ở quy định lứa tuổi.
Cụ thể, đối với người dưới mười bốn tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế. Tuy nhiên, với người từ mười bốn tuổi trở lên thì việc thay đổi chỉ diễn ra khi tên, chữ đệm đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
Bà Trương Thị Mai đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật là không nên quy định cho trẻ dưới 14 tuổi được đổi tên, chữ đệm mà không bị hạn chế.
“ Thí dụ tôi là Trương Thị Mai dưới 14 tuổi mà tôi thích đổi tên là Hà Hùng Cường. Như vậy thì quá thoải mái. Tôi đề nghị phải quy định chung là thay đổi tên, chữ đệm chỉ khi gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Không có căn cứ gì mà lại cho người dưới 14 tuổi đổi tên thoải mái như vậy”, bà Mai bày tỏ.
Với quyền xác định lại giới tính, bà Trương Thị Mai cho rằng cần phải tách ra làm hai quyền “Quyền xác định lại giới tính” và “Quyền được chuyển đổi giới tính”. Nếu nói chung như hiện nay, xã hội đang nhầm lẫn “xác định lại giới tính” cũng là chuyển đổi giới tính.
Bà Mai phân tích: Hiện nay, xã hội có 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là Nam hoặc
"Nhiều Giám đốc sở, Vụ trưởng lơ mơ, làng màng"
Nữ, nhưng cơ thể không được bình thường nên phải đi xác định lại giới tính. Vấn đề này chúng ta cho phép rồi, nó rất nhân văn.
Chuyển đổi giới tính chỉ có 2 trường hợp thôi: Thế giới đã chứng minh, một là rối loạn định dạng giới. Tức là đàn ông nhưng cứ nghĩ là đàn bà; là đàn bà cứ nghĩ là đàn ông, và cuối cùng phải đi kiểm lại để sống đúng với suy nghĩ của mình.
Trường hợp đó phải đặt câu hỏi văn hóa Việt Nam đã đồng ý chưa?
Trường hợp thứ 2 là thích, tức là cơ thể thì đàn ông nhưng trong đầu cứ nghĩ mình là phụ nữ, rồi đi chuyển đổi cơ thể thành giống như trong suy nghĩ của mình. Có một số người thích trở thành phụ nữ vì người ta có một số nghề.
Như vậy, xác định lại giới tính thì tôi nghĩ là Quốc hội ủng hộ 100% vì nhân văn; còn chuyển đổi giới tính thì phải có thông tin để thảo luận. Cá nhân tôi thấy rằng với văn hóa của mình thì chỗ này cần phải cân nhắc”.
Đối với quy định đặt tên không quá 25 chữ cái, bà Trương Thị Mai cho rằng, quy định quá cụ thể như vậy cũng vượt qua cả Hiến pháp.
“Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp nói rằng chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do an ninh quốc phòng, trật tự an toàn an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Cái tên dài có ảnh gì tới sức khỏe cộng đồng đâu? Có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội đâu? Mình có thể khuyến khích người dân không nên đặt những cái tên phức tạp quá, nhưng không nên áp đặt lên người dân”, bà Mai nói.
Sử dụng hình ảnh tùy tiện sẽ bị kiện, phải đền bù
Dự thảo luật cũng quy định rõ "Quyền của cá nhân đối với hình ảnh". Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh của người đã chết phải được sự đồng ý của vợ (chồng), con, trường hợp không có những người này thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ của người đã chết.
Việc sử dụng hình ảnh của người bị tuyên bố mất tích, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người chưa thành niên thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại, nếu có.
Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia,lợi ích xã hội thì không phải trả tiền. ảnh: TTBC. |
Tuy nhiên, những nội dung trên không áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích xã hội;
Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng nói rõ về "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình".
Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Cả nước tiết kiệm được hơn 15 nghìn tỷ đồng, mừng hay lo?
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó, các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp việc thu thập, lưu giữ, sử dụng hoặc công bố công khai thông tin này là để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích xã hội hoặc thông tin đó đã được phổ biến trong công chúng hoặc đã được chính cá nhân đó tiết lộ.
Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật định.
Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trong trường hợp thông tin xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được thể hiện trong các văn bản, băng ghi hình hoặc trong các phương tiện truyền tin khác thì cá nhân, thành viên gia đình có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định cấm tiếp tục sử dụng thông tin đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết khác để loại bỏ thông tin đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu có.