Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết: Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Kết quả trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Một số bộ, ngành có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông Vận tải tiết kiệm được 480 triệu đồng; Bộ Quốc phòng tiết kiệm được 291 triệu đồng; Bộ Tư pháp tiết kiệm được 86 triệu đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết kiệm được 50 triệu đồng...
Năm 2013, hai cầu đi bộ tại đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Khát Chân làm xong chưa lâu đã phải di chuyển, lãng phí hàng tỷ đồng. ảnh: plvn. |
Trước kết quả này, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, vẫn còn 6 tồn tại, hạn chế mà các bộ, ngành và địa phương phải hết sức lưu tâm:
Thứ nhất, việc ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật còn chậm. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm rà soát các cơ chế, chính sách, hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Một số địa phương còn thực hiện chưa tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thực sự gắn với các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Hiển chỉ rõ.
Thứ hai, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy có nhiều cố
gắng, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Qua báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cho thấy, vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều.
Tình trạng giao dự toán chậm so với thời gian quy định, giao nhiều lần, phải điều chỉnh nhiều lần trong năm diễn ra phổ biến ở các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Không ít các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
Theo ông Hiển: "Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí".
Cụ thể, năm 2014, hệ thống Kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng; từ chối thanh toán 90 tỷ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 188 cuộc kiểm toán với tổng số tiền kiến nghị xử lý về tài chính là 23.425 tỷ đồng, trong đó: số tăng thu là 4.474 tỷ đồng; giảm chi là 7.461 tỷ đồng.
Thứ ba, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán năm 2014 và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra khá nhiều và trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.
Một số dự án được phê duyệt khi chưa xác định nguồn vốn, việc bố trí vốn cho các dự án còn tình trạng quá thời hạn quy định, nghiệm thu chưa đúng khối lượng, đơn giá, một số dự án suất đầu tư cao, đầu tư thiếu đồng bộ. Tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn vẫn chưa được xử lý triệt để.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước đến 30/6/2014 lên tới 40.590 tỷ đồng, nợ đọng xây dựng nguồn trái phiếu Chính phủ 4.004 tỷ đồng.
Thứ tư, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả, chống lãng phí.
Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất tại một số địa phương còn hạn chế, sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, đặc biệt là lãng phí, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh. Tỷ lệ hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước chưa cao.
Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản của một số doanh nghiệp tại một số địa phương vẫn còn sai phạm dẫn đến lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng khai thác trái phép nhất là khai thác gỗ, vàng và sa khoáng, đá, cát... ở một số địa phương chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ năm, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp còn thấp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp vẫn chậm, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ khó đòi lớn, để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, hiệu quả sử dụng vốn thấp.
Thứ sáu, việc tổ chức quá nhiều lễ hội đã gây lãng phí các nguồn lực. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tại một số lễ hội vẫn còn diễn ra các hoạt động chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, một số hiện tượng mê tín dị đoan trong khu vực lễ hội chưa được xử lý đúng mức...