Có nên cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam?

23/05/2015 15:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Văn Hiện: "Tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra...".

Cách đây ít phút, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Trần Đại Quang đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình Dự án luật Tạm giữ, tạm giam.

Điều khiến dư luận đang rất quan tâm hiện nay là luật này ra đời có chống được bức cung, nhục hình, chống làm chết nghi phạm ở các điểm tạm giữ, tạm giam không?

Thẩm tra dự án luật Tạm giữ, tạm giam, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật, do đó luật phải khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam (đây là vấn đề chưa được đề cập rõ trong Tờ trình cũng như trong dự án luật này).

"Mô hình đó phải đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã xảy ra trong thời gian qua", ông Hiện cho hay.

5 bị cáo từng là sĩ quan công an tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị khởi tố trong vụ làm chết Ngô Thanh Kiều. ảnh: LDO.
5 bị cáo từng là sĩ quan công an tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị khởi tố trong vụ làm chết Ngô Thanh Kiều. ảnh: LDO.

Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra.

Cần có sự kiểm soát lẫn nhau, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam có sự khác biệt với địa vị pháp lý của người đang chấp hành án phạt tù.

Do đó, việc thực hiện chung một chế độ về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, chữa bệnh của người bị tạm giữ, tạm giam giống như người đang chấp hành án phạt tù là không phù hợp.

“Vì vậy, cần thiết phải quy định cụ thể về chế độ của đối tượng này ngay trong dự án Luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định”, ông Hiện cho hay.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội: "Hiến pháp hiến định phải bảo đảm quyền con người. Vì vậy mục đích làm luật phải nói cho rõ. Làm luật này phục vụ mục đích là phòng chống tội phạm, làm sao khi hạn chế quyền con người phải phù hợp với Hiến pháp. Bức cung, nhục hình mớm cung qua giám sát bay báo cáo tại các kỳ Quốc hội thấy rất nhiều lần, đều xảy ra tại giai đoạn tạm giữ tạm giam. Chúng ta phải có biện pháp nào để hạn chế, ví dụ như phải có luật sư, chứ kêu khẩu hiệu chung chung thì không được, phải có quy định cụ thể thì mới đảm bảo được".

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, dự án luật quy định biện pháp kỷ luật

cùm chân đối với người vi phạm nội quy của cơ sở giam, giữ là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, vì người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là người có tội.

Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ như gây rối, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì áp dụng biện pháp kỷ luật khác, như cách ly ở buồng giam kỷ luật, không cho tiếp xúc với những người bị tạm giữ, tạm giam khác ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Có nên cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam? ảnh 2

Mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình là vì... thành tích?

Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định ngay trong dự án luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung; kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất.... Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.

Trước đó tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: "Đã oan, đã sai là nghiêm trọng. Nếu lấy công lý, nếu lấy quyền con người, nếu lấy trách nhiệm của nhà nước đối với dân, nhà nước phục vụ nhân dân thì đã oan, đã sai là nghiêm trọng. Còn oan, còn sai, còn nghiêm trọng. Dù 1 trường hợp, 5 trường hợp cũng như vậy.

Oan sai ở đâu? Bắt đầu từ đánh giá nghi người ta có tội, điều tra người ta, đến lúc tạm giam, tạm giữ, truy tố, buộc tội và xét xử người ta mà lại không làm nghiêm túc chứng minh theo trình tự của pháp luật, không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì mới oan sai. Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì không oan sai".

Từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Hiện tại, toàn quốc có 83 trại tạm giam (trong Công an nhân dân có 70 trại tạm giam, trong Quân đội nhân dân có 13 trại tạm giam), 734 nhà tạm giữ (trong Công an nhân dân có 700 nhà tạm giữ, trong Quân đội nhân dân có 34 nhà tạm giữ) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn biên phòng ở nơi biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện, đang trực tiếp quản lý giam giữ 47.827 người bị tạm giam, 1.010 người bị tạm giữ.

Ngọc Quang