Ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra oan sai?
Báo cáo bổ sung trước Quốc hội chiều nay, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và xử lý điều tra các vụ án hình sự nói riêng, nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu, xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai nhưng nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật hình sự.
"Quan điểm, chủ trương nhất quán nêu trên được toàn ngành Công an luôn luôn quán triệt và thực hiện. Chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra phát hiện và khắc phục xử lý kịp thời những biểu hiện sai sót, vi phạm. Chính vì thế những sai sót, vi phạm trong hoạt động điều tra đã giảm rõ rệt, tuy nhiên cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị địa phương, thậm chí còn án oan sai gây bức xúc cho dư luận”, Bộ trưởng Quang nhấn mạnh.
Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an: Không để xảy ra oan sai, nhưng nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. |
Bộ trưởng Quang cho biết, với vụ án giết người xảy ra ở Thôn Me (xã Nghĩa Chung huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), sau khi Hội đồng thẩm phán TANDTC ra quyết định tái thẩm, Bộ Công an đã giao cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc này theo đúng thẩm quyền, thủ tục tổ tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định của pháp luật, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai. Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong CAND, Bộ Công an có trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả những sai sót trong hoạt động điều tra”, Bộ trưởng Quang chỉ rõ.
Về kiến nghị của đại biểu Quốc hội trong việc lắp đặt camera tại các phòng hỏi cung, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận định, đây cũng là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tăng cường quản lý giám sát các hoạt động hỏi cung của điều tra viên. Bộ Công an đã lựa chọn giải pháp này và đang từng bước trang bị, lắp đặt camera tại phòng hỏi cung. Tuy nhiên, trên thực tế đã lắp đặt ở một số địa bàn nhưng do khó khăn về kinh phí nên mới chỉ thực hiện được ở những nơi trọng điểm. Để triển khai toàn bộ kế hoạch này, sắp tới Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng thêm kinh phí trang thiết bị cho công tác điều tra hình sự.
Ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo bị điều tra viên bức cung. |
Giải pháp chống “bức cung, nhục hình”
Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đưa ra 5 giải pháp nhằm khắc phục tình trạng oan sai, tình trạng mớm cung, ép cung, nhục hình trong hoạt động điều tra:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra xử lý tội phạm, nhất là các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như tạo điều kiện trên thực tế để người bào chữa được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ cũng yêu cầu cơ quan điều tra và điều tra viên ngoài thu thập chứng cứ buộc tội phải chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội để có thể giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện đúng quy định của pháp luật.
Chánh án TANDTC nói gì về việc ông Chấn tố bị ép cung, nhục hình?
Vụ án oan Bắc Giang: “Không làm quyết liệt thì lại hòa cả làng”
Trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị, mới đây là Chỉ thị số 12 ngày 28/9/2011 về việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nhằm chấn chỉnh xử lý các sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng CAND.
Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 70 ngày 10/10/2011 về quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự, trong đó quy định rõ điều tra viên có trách nhiệm bảo đảm cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can được quyền bào chữa và tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư tham gia bào chữa theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyên môn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trong công tác điều tra phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của lực lượng CAND.
Bộ Công an đang thực hiện đề án đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng Cảnh sát điều tra Công an các cấp. Thông qua thực hiện 2 đề án này đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng lực lượng CAND.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo công tác điều tra xử lý tội phạm của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự.
Điển hình là vụ việc một số cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đánh người bị tạm giữ dẫn đến tử vong ngày 22/6/2012, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội tước danh hiệu CAND đối với 7 cán bộ, chiến sĩ và khởi tố vụ án hình sự, điều tra truy tố trước pháp luật. Điều đó chứng minh chúng tôi xử lý rất nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các bộ ngành có liên quan nghiên cứu soạn thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật tổ chức điều tra hình sự theo đúng tiến độ thời gian để nhằm hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự. Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong hoạt động điều tra hình sự.
Thứ năm, Bộ Công an đã có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, tâm lý, đạo đức cho đội ngũ điều tra viên để điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và của ngành Công an trong hoạt động điều tra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót vi phạm có thể xảy ra.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, những vụ án oan sai trên thực tế đã xảy ra, dẫu ít nhưng viện kiểm sát cũng có 5 việc cần phải làm: Thứ nhất phải kịp thời minh oan cho người bị oan; Thứ hai là tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, tìm ra thủ phạm; Thứ ba là triển khai trách nhiệm bồi thường theo quy định của luật; Thứ tư là xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, sai đến đâu xử tới đó; Thứ năm là tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành các kiến nghị để khắc phục, nếu luật yếu thì sửa luật, nếu cán bộ yếu hoặc quá trình điều hành chỉ đạo có sai sót ở đâu thì xử lý ở đâu.
“Đối với vụ án ở Bắc Giang thì cũng không nằm ngoài các hoạt động này và mỗi hoạt động đều có quy định chặt chẽ, có quy trình trong luật và phải được tiến hành tuần tự”, Bộ trưởng Quang cho biết.