Theo chương trình làm việc, sáng mai (4/6), Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ghi nhận của Báo Giáo dục Việt Nam, đa phần các Đại biểu Quốc hội đều ủng hộ chủ trương đầu tư, nhưng đồng thời đề nghị phải tính toán thật cụ thể, làm rõ được tính hiệu quả (báo cáo khả thi – PV), sau đó tiếp tục trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến rồi mới đi đến quyết định có đầu tư hay không?.
Chính phủ rút ra kinh nghiệm gì?
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) đánh giá, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải về không lưu, không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga bởi nhiều khi máy bay phải bay chờ đến vài chục phút mới có thể hạ cánh.
Sân bay này hoạt động quá gần khu dân cư, với việc khai thác như hiện nay người dân tại khu vực này sẽ không thể chịu đựng được hơn về tiếng ồn. Nếu cứ chắp vá để có một sân bay tầm cỡ khu vực là điều quá bất cập.
Từ lập luận trên, ông Lịch cho rằng: “Việc cần phải có một sân bay tầm cỡ như Long Thành là vấn đề không cần phải bàn cãi. Quan trọng nhất hiện nay là làm bằng cách nào, xây dựng bằng nguồn vốn ra sao và tính hiệu quả đến đâu để phân kỳ đầu tư cho phù hợp”.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch ủng hộ chủ trương xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. ảnh: Ngọc Quang. |
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng đánh giá cao sự chuẩn bị, rút kinh nghiệm trong báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội kỳ này.
Cụ thể, quy mô đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2018 - 2025 (đáp ứng 25 triệu hành khách) chỉ còn 5,2 tỷ USD (trong khi con số trong báo cáo ở kỳ họp trước của Quốc hội là 7,8 tỷ USD).
Về sự chênh lệch con số trên, trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT – ông Đinh La Thăng cho biết: “Báo cáo tiền khả thi đã trình ra từ năm trước là do JICA tài trợ, và những nghiên cứu đánh giá của họ dựa trên suất đầu tư bình quân của Nhật Bản thì đúng là giá hơi cao.
Qua ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thì lấy suất đầu tư bình quân của các nước trong khu vực áp vào. Nhưng đấy cũng chưa phải là con số cuối cùng, mà chỉ là tương đối thôi.
Con số cuối cùng là phải từ tính toán kỹ thuật, hạng mục này bao nhiêu tiền, hạng mục kia bao nhiêu tiền, cộng lại thì mới ra được con số chính xác".
Ngoài ra, ông Trần Du Lịch chỉ ra rằng, dù thực hiện giai đoạn 1 của dự án, nhưng Chính phủ vẫn chủ trương quy hoạch diện tích đất cho cả 3 giai đoạn.
Trong đó đã có sự tách bạch giữa dự án sử dụng quỹ đất quốc phòng và đất cho các công trình kinh tế không được tính vào chi phí sân bay (điều này sẽ góp phần tạo ra cái nhìn tổng thể về lợi ích khi đầu tư dự án).
Tính toán thận trọng để không lãng phí
Bộ trưởng Thăng: "Sân bay Long Thành có hiệu quả mới đầu tư, không thì bỏ"
Cùng quan điểm với ông Lịch, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, bà An đồng thời đề nghị làm rõ: “Sân bay Tân Sơn Nhất còn khả năng khai thác đến đâu? Sân bay Tân Sơn Nhất khi chưa khai thác hết công suất thì hệ quả ra sao và hiện sân bay này không đáp ứng được ở những điểm nào?”.
Bà An lưu ý, xây dựng dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại trong nước mà còn có mục tiêu là điểm trung chuyển quốc tế, vậy thì phải tính toán đầu tư ra sao để chức năng này phát huy được hiệu quả.
“Nếu chỉ dự kiến hay thiết kế xây dựng sân bay trong quy mô dạng tĩnh, dạng kín là rất gay go.
Trong bối cảnh kinh tế luôn ở dạng mở và vận động không ngừng, thị trường hàng không khu vực và thế giới liên tục phát triển, vấn đề đặt ra liệu sân bay có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cũng như đủ sức để cạnh tranh, điều này cần thiết phải tính đến nếu không việc xây dựng sân bay sẽ trở nên rất lãng phí”, bà An nói.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị phải làm rõ tính hiệu quả, chống lãng phí khi đầu tư vào dự án. ảnh: Ngọc Quang. |
Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết ông chưa có quyết định cuối cùng về việc có ủng hộ chủ trương xây dựng dự án này hay không, vì còn phải chờ Quốc hội thảo luận tổng thể.
Làm thế nào để chống lãng phí? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Đây là một quá trình lâu dài bền bỉ, quyết liệt nhưng không nóng vội. Khi thực hiện thì có Luật đầu tư công, rồi có sự giám sát của nhân dân, của cộng đồng, của các cơ quan chuyên môn. Mọi việc phải tiến hành theo các quy định của pháp luật".
Ông Nghĩa nói: “Trong thực tiễn nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến nhiều ý tưởng tốt được đưa ra, song thực tế lại không diễn ra như kế hoạch ban đầu.
Vì vậy, Quốc hội có quyết thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành hay không thì việc quan trọng là những công việc phải làm, điều kiện đặt ra và tiêu chí phải định rõ để chủ trương này trở thành hiện thực, đạt yêu cầu đề ra”.
Ông Trương Trọng Nghĩa nói thẳng rằng đang rất băn khoăn vì đã có nhiều bài học đầu tư cho các công trình, vốn rất lớn nhưng lại kéo dài quá thời gian dự kiến, đồng thời kinh phí dự tính ban đầu cũng đội lên gấp đôi thì không thể có hiệu quả được.
“Điều các đại biểu và ngay bản thân tôi băn khoăn là chúng ta làm như thế nào để thấy được hiệu quả của dự án, ngay cả khi nó mới trên đề án.
Cần lưu ý là kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi triển khai những ý tưởng lớn thì họ đã dừng lại, thậm chí hủy bỏ vì không xác định được chính xác mức độ hiệu quả dự án”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý không được để xảy ra tình trạng đội giá dự án và không chậm tiến độ thi công. ảnh: Ngọc Quang. |
Cuối cùng, ông Nghĩa đề nghị phải lưu tâm tới ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên môn trong lĩnh vực hàng không.
Trên thực tế, đã có những bài học rất đắt giá, như con đường đắt nhất hành tinh chẳng hạn, vốn vay và vốn đầu tư đội lên quá lớn, rồi rốt cuộc dân là người gánh hết.
“Chúng ta đổ tiền vào đầu tư rất tốn kém rồi hiệu quả đem lại không cao thì ai sẽ gánh hậu quả? Cuối cùng sẽ là người dân gánh thôi.
Rõ ràng, với một dự án lớn như Long Thành thì không thể hoàn toàn dựa hết vào vốn tư nhân, mà vốn Nhà nước thì ở đâu ra, chắc chắn chúng ta lại đi vay. Vay rồi thì ai trả, đương nhiên là người dân sẽ phải trả.
Theo tôi, ngay cả khi Quốc hội đã phê chuẩn về chủ trương rồi thì khi có báo cáo khả thi vẫn cần đưa ra Quốc hội quyết một lần nữa”, ông Nghĩa nêu quan điểm.