Những vấn đề nóng đang chờ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chiều nay

12/06/2015 13:51
Xuân Trung
(GDVN) - Chiều nay, trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ giải trình một số vấn đề liên quan đổi mới CT-SGK, đổi mới thi…

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo  khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015.

Một trong những nội dung này, Bộ GD&ĐT Tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Bộ đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Dự thảo chương trình tổng thể này đã được đưa ra xin ý kiến góp ý của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của một số hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7/2015.

Đồng thời, Bộ đang tích cực chuẩn bị để bắt đầu triển khai xây dựng các chương trình môn học dựa theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Những vấn đề nóng đang chờ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chiều nay ảnh 1

Các thi sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh minh họa Xuân Trung

Chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm lớn của cả nước, một số trường cao đẳng sư phạm tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn cho cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giáo viên cốt cán các trường sư phạm, trường phổ thông… trên cả nước để chuẩn bị nguồn lực xây dựng, thẩm định chương trình, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

Đổi mới trong thi phổ thông

Trong báo cáo Bộ GD&ĐT với Đại biểu Quốc hội, việc đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia sẽ mang hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Nếu trước đây, để dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, học sinh phải thi nhiều đợt (1 đợt thi tốt nghiệp và 3 đợt thi tuyển sinh); khi thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh phải về trường đại học, cao đẳng hoặc về 1 trong 4 cụm thi để dự thi và phần lớn phải di chuyển rất xa về các thành phố lớn (nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng), gây khó khăn, tốn kém cho gia đình và xã hội. 

Năm nay, với việc chỉ tham dự một kỳ thi và số cụm thi tăng (từ 4 cụm lên 38 cụm), khoảng cách đi lại cũng gần hơn và như vậy sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ăn ở, đi lại cho học sinh và gia đình.

Một trong những đổi mới khác là thí sinh dự thi trước, sau khi có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển sinh vào các trường phù hợp, do đó giảm được áp lực và rủi ro cho thí sinh, đồng thời giảm các trường hợp thí sinh thi có kết quả cao nhưng vẫn trượt đại học, cao đẳng như những năm trước…

Đánh gía học sinh tiểu học theo cách mới

Một trong những vấn đề nằm trong báo cáo mà Bộ GD&ĐT gửi Quốc hội là việc đổi mới trong cách đánh giá học sinh tiểu học. 

Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (viết tắt là Thông tư 30) là phương pháp tiên tiến, được áp dụng ở tất cả các nước có nền giáo dục phát triển. Phương pháp này giúp học sinh tiến bộ dần trong quá trình học, phát huy hết khả năng và đạt được mức độ cao nhất, đồng thời xác định được trình độ của học sinh khi hoàn thành lớp học, cấp học.

Nội dung

Những vấn đề nóng đang chờ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chiều nay ảnh 2

GS Ngô Bảo Châu đại diện nêu kiến nghị về đào tạo đại học

(GDVN) - Vừa qua, nhóm Đối thoại giáo dục do GS. Ngô Bảo Châu chủ trì đã có bản tổng kết nghiên cứu khoa học về một nền đại học Việt Nam lành mạnh và tiến bộ.

Phương pháp đánh giá mới coi trọng đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực học sinh: không chỉ đánh giá về kiến thức mà đặc biệt coi trọng khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống; đánh giá năng lực tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; một số phẩm chất (chăm học, chăm làm); tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Theo tổng hợp từ báo cáo của 63/63 Sở GD&ĐT tại Hội nghị sơ kết ngày 15/3/2015 và các hội nghị các sở giáo dục và đào tạo trong tháng 4 và tháng 5 năm 2015, việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực.

Đối với giáo viên: Trong quá trình thực hiện, quan điểm đánh giá học sinh của giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn…. 

Cách đánh giá mới đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy và học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học. 

Đối với học sinh: Do được giáo viên quan tâm, nhận xét, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, các em đã biết cách học, học được và có hứng thú học tập hơn. 

Đặc biệt, do không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. 

Các em được thầy cô quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nên bước đầu đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất như: Tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học. 

Đối với cán bộ quản lý: Cách đánh giá mới đã tác động tích cực tới đội ngũ cán bộ quản lý, bước đầu đã làm thay đổi tư duy và cách thức quản lý chỉ đạo công tác dạy học, quan tâm và tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá, lĩnh hội kiến thức, từng bước hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

Đối với cha mẹ học sinh: Trong đổi mới đánh giá học sinh có việc khuyến khích phụ huynh học sinh tham gia quá trình học tập của con em mình, được vào lớp học để hỗ trợ các em và cùng thầy cô, nhà trường đánh giá học sinh đã giúp phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học của các em và đồng tình với cách đánh giá mới. Từ đó, phụ huynh đã tích cực phối hợp với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.

Xuân Trung