Dè dặt về tự chủ
Nhóm đối thoại giáo dục đã tập hợp một số nhà khoa học có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng chia sẻ các nguyên tắc nghiên cứu khoa học và ước vọng về một nền đại học Việt Nam lành mạnh và tiến bộ.
Nhóm đã tập trung làm việc từ năm 2013 theo những chuyên đề khác nhau trong một dự án cải cách toàn diện nền giáo dục đại học và đã tổ chức một Hội thảo trong hè 2014 để chia sẻ những suy nghĩ của mình và thảo luận với nhiều giảng viên, nhà khoa học cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục.
Từ đó đến nay, nhóm tiếp tục nghiên cứu những chuyên đề chưa được đề cập đến trong Hội thảo và để hoàn thành bản tổng kết này. Một số bài viết của nhóm đã được công bố, một số khác đã được gửi trực tiếp đến lãnh đạo có thẩm quyền.
Theo nhóm Đối thoại giáo dục, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức; không thể chỉ thay đổi một vài chi tiết. Cải cách cơ bản và sâu sắc là một quá trình lâu dài và liên tục, không phải là một đơn thuốc có tính công phạt.
Trước hết cần tạo ra những vận động tích cực của xã hội, phát huy triệt để các động lực tích cực của xã hội để khởi động, để rồi dựa vào những vận động, động lực đó mà tiếp tục cải cách sâu sắc hơn.
Mô hình dài hạn cần hướng tới là mô hình của các nước đã phát triển, nhưng cũng cần lưu ý tới những đặc thù của đại học Việt nam để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả. Tự chủ đại học là một động lực rất lớn của quá trình cải cách.
Vấn đề cần suy nghĩ là hình thành khung pháp lý, thiết kế qui tắc quản lý nhà nước và quản trị nội bộ, những thành tố làm nên nội dung của khái niệm “tự chủ đại học”.
Cải cách mô hình quản trị đại học Để nền đại học Việt nam có sức sống và sức phát triển, cần cải cách mô hình quản trị đại học. Cần phân biệt trách nhiệm điều tiết ở tầm quốc gia với trách nhiệm làm “chủ" từng trường đại học.
Định chế được uỷ thác trách nhiệm làm chủ một đại học phải hoạt động toàn tâm toàn ý vì sự phát triển, vì lợi ích riêng của trường mình, trong khi Bộ GD&ĐT có trách nhiệm điều tiết để đảm bảo sự phát triển chung. Theo một nghĩa nào đó, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt nam chưa có “chủ” thực sự.
Nhóm đối thoại giáo dục của GS. Ngô Bảo Châu có nhiều kiến nghị quan trọng liên quan tới phát triển giáo dục đại học. Ảnh Quý Hiên/ Tiền phong |
Cần nhấn mạnh hai thuộc tính cơ bản của sởhữu đại học: một là sở hữu đại học không sinh ra cổ tức, không trực tiếp sinh ra lợi nhuận; hai 3 là sở hữu đại học không có tính kế thừa theo huyết thống. Những người được uỷ thác làm “chủ” hay quản trị một đại học phải làm việc đó vì lợi ích của xã hội, hoặc vì lợi ích của địa phương, của ngành nghề mà mình đại diện.
Hiện tại, một số đại học Việt nam đã có hội đồng trường, nhưng số lượng ít và những hội đồng đang tồn tại chủ yếu chỉ có chức năng tham vấn.
Trên thực tế, ít người biết đến sự tồn tại của các hội đồng trường. Khuyến nghị của nhóm Đối thoại giáo dục cho rằng thay cho các hội đồng trường có vai trò tham vấn, các trường đại học cần có hội đồng uỷ thác (hay còn gọi hội đồng tín thác - board of trustees) với quyền lực tương tự như hội đồng quản trị của các doanh nghiệp.
Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm “chủ” của mình thông qua hội đồng uỷ thác. Mọi quyết định quan trọng trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu trường và đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng uỷ thác.
Việc thành lập hội đồng uỷ thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm “chủ” đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan.
Nhóm Đối thoại tin rằng chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học mới thực hiện tốt vai trò làm “chủ”. Việc phân quyền làm “chủ” đại học cho địa phương có các thuận lợi như tăng thêm tính lành mạnh trong cạnh tranh giữa các tỉnh thành phố; cũng như gia tăng tính thận trọng trong cân nhắc nhu cầu thực, tính khả thi của việc xây dựng đại học của địa phương mình.
Thiếu kinh phí
Cải cách tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam - một nền giáo dục đại học dù được thiết kế tốt đến đâu nhưng nếu không đủ nguồn lực tài chính hoặc nguồn lực không được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả thì sẽ không thể hoàn thành được những mục tiêu mà xã hội mong đợi.
Hiện trạng tài chính của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn: thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính. Trong phần này chúng tôi sẽ phân tích ba vấn đề nói trên, và đề xuất một mô hình dài hạn cùng với lộ trình thực hiện phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam.
Ba thách thức tài chính lớn trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là:
Thứ nhất, các trường đại học thiếu kinh phí một cách trầm trọng. Mức đầu tư của nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học là 0,9%.
Trong khi đó mức trung bình đầu tư công cho GDĐH của các nước OECD là là 1% GDP (cộng với 0,5% từ khu vực tư nhân thành 1,5%).
Thứ hai, mức học phí cho các trường công cũng rất thấp. Phần lớn các trường đại học công ở Việt Nam (trừ một số trường tự chủ tài chính) đang đặt mức học phí theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP trong đó học phí bị chặn trần ở mức quá thấp (từ 5.5 triệu - 8 triệu/sinh viên/năm cho năm học 2014-2015).
Nếu chiếu theo mức học phí trung bình của các trường đại học thuộc nhóm xếp hạng khá ở Mỹ xấp xỉ bằng GDP đầu người thì học phí ở Việt Nam sẽ cần tăng lên từ 2 đến 3 lần so với mức hiện nay.
Tương tự như vậy, nếu chiếu theo mức học phí của Đại học Bắc Kinh - một trường đại học hàng đầu Trung Quốc - là 26-30,000 NDT/năm, tương đương 60-70% GDP đầu người của Trung Quốc thì học phí của ĐH Việt Nam cũng cần tăng lên khoảng 25-30 triệu VND/năm theo thời giá hiện tại.
Thứ ba, các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ, nguồn thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các trường đại học Việt Nam.
Công khai thông tin chất lượng
Đảm bảo chất lượng Phân tích hiện trạng Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là khái niệm mới xuất hiện ở nước ta trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Việc hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng là bước đi hợp lý, phù hợp với xu thế chung của thế giới sau giai đoạn bùng nổ về số lượng.
Kinh nghiệm và thực tiễn thế giới cho thấy, có bốn công cụ đảm bảo chất lượng chính như sau: (1) Kiểm định chất lượng (quality accreditation), (2) công khai thông tin chất lượng (quality information disclosure), (3) xếp hạng (ranking) và (4) đối sánh (benchmarking).
Đối chiếu với hệ thống đảm bảo chất lượng ở nước ta hiện nay, có thể thấy mặc dù cả bốn công cụ trên đều đã được triển khai, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Kiểm định chất lượng Trong bốn công cụ đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng có lẽ là công cụ được biết đến rộng rãi và được sự quan tâm lớn nhất từ phía nhà nước.
Công khai thông tin chất lượng Công khai thông tin chất lượng là công cụ được rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Anh, Hàn Quốc áp dụng và phát huy hiệu quả trong việc tạo sức ép buộc các trường đại học phải vận động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thông tin chất lượng bao gồm các bộ chỉ số (indicator set) về đào tạo và nghiên cứu khoa học như: tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng, mức thu nhập bình quân của sinh viên tốt nghiệp, mức độ hài lòng của sinh viên, tỷ lệ công bố khoa học/giảng viên ….
Xếp hạng và đối sánh Xếp hạng và đối sánh là hai công cụ đảm bảo chất lượng còn ít được phổ biến ở Việt Nam, mặc dù đã có những nỗ lực đơn lẻ của một vài trường đại học có tầm nhìn và ước muốn hội nhập quốc tế. Trong năm 2014, Bộ GD&ĐT có ban hành một quy định tạm thời về việc phân tầng và xếp hạng đại học; nhưng cho đến nay, văn bản chính thức vẫn chưa được ban hành.
Theo quan điểm của nhóm Đối thoại giáo dục, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, áp dụng đồng bộ cả 4 công cụ của đảm bảo chất lượng kể trên là một điều cần làm. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, nhà nước nên tập trung vào hai công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng hơn vì tính khả thi, và tính phổ dụng (có thể cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học) cao hơn.
Bản kiến nghị chi tiết độc giả có thể xem tại đây.