LTS: Chính vì xuất hiện trong sách giáo khoa, nên đã có tranh luận xem “Sách giáo khoa sai hay giáo viên sai?” khi sử dụng hai từ trên.
Câu chuyện này từng gây tranh cãi cả năm trời, song đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Liên quan, Báo Giáo dục điện tử Việt Nam tiếp tục nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Hưởng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Để trả lời bài báo “Sách giáo khoa sai hay giáo viên sai?”, đăng ngày 25/ 3/ 2014 trên báo Tuổi Trẻ Online, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 4, khẳng định đoạn văn Trái vải tiến vua được dẫn từ cuốn Thương nhớ mười hai, và nhà văn Vũ Bằng đã dùng từ ngọt sắt (chứ không phải ngọt sắc) trong nguyên bản.
Tuy nhiên, ngày hôm sau Giáo sư Nguyễn Đức Dân đã đưa ra ý kiến rằng nhà văn Vũ Bằng đã đặt ra từ mới ngọt sắc, còn nguyên bản ngọt sắt có thể là lỗi của anh đánh máy hoặc sắp chữ.
SGK Tiếng Việt lớp 4 - tập 2, trang 51 (NXB Giáo Dục - 2005) vẫn dùng từ “ngọt sắc” (Ảnh: Tuổi trẻ Online) |
Trước các ý kiến trái ngược của hai vị giáo sư ngôn ngữ học tiền bối, tôi xin có một vài suy nghĩ với hy vọng góp phần vào việc đi tìm và bảo tồn cái đẹp.
Theo Sir John Lyons, nhà ngữ nghĩa học danh tiếng của nước Anh - tác giả Linguistic Semantics: An introduction, “cho dù phần lớn cấu trúc các phát ngôn của ngôn ngữ tự nhiên là võ đoán, hoặc mang tính quy ước, thì cũng tồn tại nhiều nhân tố phi võ đoán trong chúng.
Một kiểu phi võ đoán hiện thường được viện dẫn là tính phỏng hình (iconicity). Nói nôm na thì tín hiệu có tính phỏng hình là tín hiệu mà hình thức của nó có thể được giải thích dựa trên sự tương đồng giữa hình thức của tín hiệu và nội dung mà nó biểu thị: các tín hiệu không mang đặc tính này đều là phi phỏng hình”. (Ngữ nghĩa học dẫn luận, trang 31, bản dịch của Nguyễn Văn Hiệp).
Theo cách nhìn này thì tính phỏng hình bao trùm nhiều hiện tượng khác nhau của ngôn ngữ, với các mức độ khác nhau (âm, từ ngữ, cú pháp cho đến văn bản, cả lời nói, chữ viết cũng như ký hiệu), miễn sao có sự tương đồng giữa hình thức và nội dung.
Với mục đích tập trung vào giải thích vấn đề cụ thể ở đây là âm, chúng tôi chỉ xin đề cập tính phỏng hình trong phạm vi âm - tiếng. Sau đây là vài ví dụ về tính phỏng hình:
Một ví dụ trong tiếng Anh, các từ bắt đầu bằng wr- như writhe (quằn quại), wriggle (ngo ngoe), wrist (lắc cổ tay), write (viết) có nét nghĩa liên quan đến “xoắn vặn”, và để “minh họa” cho nét nghĩa này cái lưỡi cũng “xoắn lại” khi phát âm /(w)r/.
Tiếng Việt cũng dễ dàng tìm ví dụ, các từ khít, sít, bịt, thít khi phát âm thì phần đầu lưỡi áp sát vào vòm cứng gần chân răng hàm trên và “bịt kín” không để luồng không khí thoát ra ngoài.
Còn đây là một “cuộc gặp gỡ” thú vị:
Trong khi các từ tiếng Anh gleam, glow, glint, glitter biểu thị nét nghĩa liên quan đến ánh sáng có cường độ thấp, thì các từ như lấp lánh, lung linh, lập lòe, le lói, long lanh, trong tiếng Việt cũng biểu thị nét nghĩa như thế và cũng có âm /l/ giữ vai trò quan trọng.
Phải chăng trong trường hợp này có sự cảm âm giống nhau giữa người Anh và người Việt?
Những ví dụ kiểu như trên có thể được tìm gặp khá nhiều, nhưng trong bài viết này chúng tôi chỉ đưa ra một vài trường hợp nhằm khẳng định có sự quan hệ giữa hình dáng của miệng (lưỡi) khi phát âm và ý nghĩa mà các âm đó thể hiện.
Xin được trở lại với cặp đôi ngọt sắc – ngọt sắt:
Hình 1 |
Ngọt sắc: Phụ âm đầu /s/ (đầu lưỡi cong + vòm cứng) kéo cong đầu lưỡi, kết hợp nguyên âm /ă/ (chính, hàng giữa) như tạo thành một vùng trủng xuống để giữ vị ngọt trên mặt lưỡi; nhưng phụ âm cuối /k/ (cuống lưỡi trong + vòm mềm) nói lên tất cả (Hình 1): thôi không nuốt nổi nữa, nó ‘ngọt đến khé cổ’ rồi (Từ điển tiếng Việt -NXB Khoa Học Xã Hội, 1977 - in lần 2 có chỉnh lý, bổ sung- trang 554, có từ ‘ngọt sắc’ với định nghĩa: “Ngọt đến khé cổ”; theo trích dẫn của nhà văn Nguyễn Khắc Phê trên Tuổi Trẻ Online).
Hình 2 |
Ngọt sắt: Rõ ràng sự khác biệt ở đây so với ngọt sắc là phụ âm cuối /t/ (đầu lưỡi + răng trên). Khi phát âm /ăt/, phụ âm cuối /t/ khiến đầu lưỡi ép vào chân răng trên như chặn vị ngọt lại không để rơi ra ngoài, và phía trong cuống họng vẫn mở, chứng tỏ vẫn còn muốn nuốt vào (Hình 2).
Qua những gì được tranh luận trên Tuổi Trẻ Online, tôi thấy rằng chúng ta đã mặc định chỉ có thể một trong hai từ ngọt sắc hay ngọt sắt được phép tồn tại, và tất nhiên đó phải là ngọt sắc vì nó đã có mặt trong từ điển.
Quyết định này sẽ đúng khi hai từ diễn tả một nghĩa duy nhất và như nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã đề nghị: “Tiêu chí hàng đầu chọn chữ trong trường hợp có nghi vấn, theo tôi (NKP), phải là dùng chữ đã thông dụng trong xã hội.”
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì chúng là hai từ mang hai sắc thái nghĩa khác xa nhau.
Một số lỗi tiếng Việt trên các báo điện tử hiện nay(GDVN) - Báo điện tử ngày càng phát huy được thế mạnh của nó tuy nhiên cũng mắc khá nhiều lỗi gây khó chịu với độc giả và làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín tờ báo đó. |
Chúng ta thấy trong trường hợp này cái nghĩa “ngọt đến khé cổ” không chính xác để tả Trái vải tiến vua được, vì ngọt như thế không thể gọi là ngon.
Đối với trái vải ngọt, chúng ta phải nghĩ ngay đến một chút vị chua của vitamin C (một chút thôi). Chính cái chút chua đó kích thích làm các cơ ở mặt và miệng hơi rúm lại (“sắt” lại), đôi lúc tạo cảm giác “nổi da gà” nhẹ.
Rõ ràng vị ngọt này khác xa với vị ngọt sắc của món chè lỡ bỏ quá nhiều đường, nuốt vào “khé cổ”. Chúng tôi nghĩ rằng ngọt sắc đã có mặt trong dân gian từ lâu, còn ngọt sắt là sáng tạo của nhà văn nổi tiếng Vũ Bằng.
Vì sự giàu đẹp của tiếng Việt, chúng ta nên dùng cả hai từ ấy.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Minh Thuyết, http://tuoitre.vn/Giao-duc/599647/ngo%CC%A3t-sa%CC%81t-hay-ngo%CC%A3t-sa%CC%81c.html (25/03/2014), “Ngọt sắt” hay “ngọt sắc”?
2. Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Khắc Phê, http://tuoitre.vn/Giao-duc/599917/toi-nghi-rang-tu-dung-la-ngot-sac.html (26/03/2014), Tôi nghĩ rằng từ đúng là “ngọt sắc”.
3. http://thebao.com.vn/cac-yeu-to-ngu-am-trong-tieng-viet.html (4/4/2014), Các yếu tố ngữ âm trong tiếng Việt.
4. John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận, Nhà xuất bản Giáo dục 2009, bản dịch của Nguyễn Văn Hiệp.
5. Pamela Perniss, Robin L. Thompson, Gabriella Vigliocco, Iconicity as a General Property of Language: Evidence from Spoken and Signed Languages, University College London, UK.
6. Irit Meir, Iconicity and metaphor: Constraints on metaphorical extension of iconic forms, Published by Linguistic Society of America, 2010.