Tích hợp và phân hóa triệt để
Trao đổi thêm với sự quan tâm của xã hội về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khái quát, theo đó chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện được mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, định hướng về phương pháp và tổ chức giáo dục, cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.
Sẽ có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông cho các môn học. Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đó là những kế hoạch chung nhất của hoạt động giáo dục phổ thông từ Tiểu học tới THCS, THPT, trong đó quy định mục tiêu của từng cấp học, quy định các môn học, các lĩnh vực giáo dục, định hướng về nội dung, về phương pháp, cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Sau khi xây dựng xong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì đó là căn cứ để xây dựng chương trình các môn học và các hoạt động giáo dục khác.
Cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu đặt ra là mong muốn giáo dục sẽ giúp cho học sinh hình thành tính cách, năng lực của ngươi lao động mới, có năng lực tự học, có khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, hiệu quả trong hoạt động, dùng con người lao động trong môi trường mới để phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Xuân Trung |
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đề ra nội dung dạy học “tích hợp và phân hóa”, nhiều người chưa mường tượng ra khái niệm này, ông Nguyễn Vinh Hiển giải thích: “ Tích hợp là dạy học như thế nào để cho học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, như vậy khi dạy một nội dung thì sẽ đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
Phân hóa là hướng dạy học làm sao phù hợp với cá tính riêng của từng học sinh, để phát huy cao nhất tiềm năng riêng của từng em theo phù hợp với năng lực, sự hứng thú của từng em.
Như vậy, tích hợp và phân hóa sẽ chú trọng từ tiểu học tới THPT, kể cả trong đại học” ông Hiển nói.
Tuy nhiên,về nội dung giáo dục sẽ phải thiết kế như thế nào đó cho các kiến thức liên quan gần nhau, khi dạy học người thầy dễ vận dụng, tạo điều kiện cho việc học tích hợp.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng lưu ý trong việc dạy học phân hóa. Theo đó, phải chú trọng làm sao trong quá trình dạy giáo viên phải quan tâm tới từng học sinh, để dạy học phù hợp với nhận thức của từng em. Có thể thiết kế các nhóm nội dung khác nhau để dạy cho từng nhóm, nguyện vọng và sở trường của từng nhóm học sinh.
“Tích hợp và phân hóa nhìn tưởng là ngược nhau nhưng thực tế có quan hệ qua lại với nhau, thống nhất với nhau, vì khi dạy cho học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp thì chính là từng em học sinh biết phát huy được khả năng của mình, đó là phân hóa.
Khi dạy phân hóa cũng chính là việc giúp học sinh biết phát huy riêng khả năng của mình thì cũng là lúc các em vận dụng kiến thức các em có được, có nghĩa là vận dụng kiến thức tổng hợp” ông Hiển cho hay.
Trước băn khoăn, lo lắng của dư luận xã hội cho rằng trong nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì môn Lịch sử sẽ đưa vào là môn học tự chọn, điều này chẳng khác gì là “xem thường” môn học quan trọng? Học sinh một vài năm vừa qua thường ít chọn môn học này vì nhiều lí do, trong đó có lí do đó là môn tự chọn?
Vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng thực tế là có thực trạng đó, nhưng khi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử thì lại thu hút được nhiều học sinh tham gia. Điều đó theo ông Hiển lịch sử không phải bị thờ ơ. Tuy nhiên,việc chọn môn học này để thi tốt nghiệp, đại học ít, đó là việc lựa chọn nghề nghiệp cho các em sau này.
Vì sao nói lịch sử vừa là môn giáo dục bắt buộc, vừa là tự chọn ở phổ thông? Ông Hiển giải thích, có quan niệm trong mỗi lĩnh vực thì có nhiều môn học phục vụ cho lĩnh vực đó, với lịch sử thì không chỉ có lịch sử với giáo dục kiến thức lịch sử, trong chương trình sắp tới có thêm môn “Công dân với Tổ quốc”, quen gọi là môn tích hợp, có phần nội dung giáo dục công dân, phần nội dung về lịch sử.
Ông Hiển cũng nói tiếp, môn “Công dân với Tổ quốc” sẽ bắt buộc từ lớp dưới cho đến lớp trên, nghĩa là đã có kiến thức lịch sử. Ngoài ra trong kiến thức môn Văn bắt buộc với mọi người, trong đó cũng có nhiều kiến thức về lịch sử.
“Riêng phần tự chọn là để cho những em sau này tự chọn liên quan tới định hướng nghề nghiệp, có liên quan nhiều đến kiến thức, lĩnh vực lịch sử, chính các em này sẽ có điều kiện đi sâu hơn người khác để phục vụ nghề nghiệp tốt hơn” ông Hiển cho biết.
Đa số các trường sẽ thực hiện được
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, khi xây dựng chương trình này thì điều đầu tiên phải coi trọng đó là tính khả thi. Đặt mục tiêu phải đạt được những cái gì, nhưng mục tiêu đó phải khả thi.
“Có thể hình dung ra khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thì có khoảng 90-95% số trường thực hiện được ngay, còn khoảng 5-10% sẽ thiếu, ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào những trường còn thiếu này để các trường đạt được yêu cầu tối thiểu.
Lần này chúng ta thực hiện theo cách tiếp cận mới, nếu trước đây khi có chương trình thì đồng loạt các trường áp dụng, nhưng giờ thì vừa là thử nghiệm trên nền của chương trình cũ, vừa để các trường quen để khi chương trình mới áp dục sẽ thực hiện được tốt. Nội dung không nhất thiết các trường giống nhau, có thể khác nhau như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cách thức đổi mới kiểm tra đánh giá, tự chủ nhà trường…
Chương trình giáo dục phổ thông không phải là đưa ra là thực hiện tốt ngay, mình đặt vấn đề mới để băt tay vào làm chính quá trình đó cũng chính là quá trình xúc tiến, làm cho giáo viên, phụ huynh, ban giám hiệu quen với chương trình mới” ông Hiển nói.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, với chương trình phổ thông mới được xây dựng đã dựa vào chính tầng lớp giáo viên phổ thông hiện nay. Đội ngũ giáo viên này cũng đủ điều kiện thực hiện, tất nhiên sẽ có bồi dưỡng.
“Chúng ta đặt điều kiện giáo viên phải đổi sang môn khác ngay, mà tận dụng năng lực đã được đào tạo để dạy chính bộ môn đó. Ví như trong môn tích hợp khoa học xã hội phải xây dựng chính trên cơ sở môn Địa lí và môn Lịch sử hiện nay. Quan trọng là cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học để huy động kiến thức tổng hợp” ông Hiển nói về việc thay đổi phương pháp đối với giáo viên cho chương trình mới.
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến xã hội để áp dụng triển khai từ năm học 2018. Mọi ý kiến đóng góp độc giả có thể chia sẻ hoặc gửi bài viết tới Tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc xuantrung@giaoduc.net.vn