Sáu băn khoăn về nội dung tiểu học trong chương trình mới

19/08/2015 07:02
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào
(GDVN) - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) đưa ra một vài suy nghĩ băn khoăn khi áp dụng chương trình phổ thông mới.

LTS: Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ xã hội. Cũng trong ngày 17/8 vừa qua, Bộ cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT sắp xếp tổ chức hội thảo góp ý về những nội dung trong chương trình mới.

Trong bài viết cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào hoan nghênh bước đổi mới này. Cách tiếp cận, quan điểm xây dựng chương trình khá mới mẻ, hiện đại, tiếp thu được giá trị của chương trình cũ và chương trình của một số nước tiên tiến.

Trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung bài viết này.

Về quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, trong "Dự thảo" nêu "1. Trên cơ sở giáo dục toàn diện và hài hòa đức, trí, thể mỹ, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông xác định được  yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh ở từng cấp học; mục tiêu chương trình môn học xác định những yêu cầu  về kiến thức, kỹ năng, thái độ ..." (trang 7). 

Nêu như thế này chưa rõ và dễ hiểu sai lệch, vì lấy đâu ra "giáo dục toàn diện và hài hòa" để làm cơ sở?  

Về mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông có ghi: "Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa ..." (trang 8-9). 

Theo tôi, giáo dục không chỉ nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, mà cần giúp học sinh tao ra khả năng mới.

PGS. Nguyễn Kế Hào. Ảnh Xuân Trung
PGS. Nguyễn Kế Hào. Ảnh Xuân Trung

Chương trình giáo dục cấp tiểu học, Dự thảo có nêu: "Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ...; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt ..."( trang 9). 

Định hướng này hình như còn thiếu và còn có vấn đề không rõ, ví dụ như "dòng tộc", theo tôi, dòng tộc nào cũng quý, cũng có giá trị cả tích cực và tiêu cực, như một dòng tộc có nhiều anh hùng danh nhân và người dân thường, nhưng cũng có cả những kẻ hại dân hại nước ... Câu hỏi đặt ra là  làm thế nào để học sinh nhỏ hiểu được giá trị đích thực?

Yêu cầu cần cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh, Dự thảo có 3 phẩm chất chủ yếu và 8 năng lực chung (trang 8-9). Theo tôi, cũng nên xem xét, gia công hoàn thiện. 

Ba phẩm chất chủ yếu, như phẩm chất "Sống yêu thương", trong phụ lục 1: "Biểu hiện phẩm chất chủ yếu của học sinh phổ thông" chỉ ra 6 biểu hiện được sắp xếp theo trình tự phát triển của từng cấp học. 

Những biểu hiện này nên được cân nhắc kỹ hơn; ví dụ như biểu hiện đầu tiên là "a) Yêu Tổ quốc, dành cho cấp tiểu học nêu: "Yêu quý, không xâm hại các cảnh vật, công trình của quê hương, đất nước; quan tâm đến những sự kiện thời sự nổi bật ở địa phương". 

Lĩnh vực tình cảm người biểu hiện ở phẩm chất "Sống yêu thương" (yêu), nhưng cũng cần biết "Căm giận" (ghét), phẩm chất sống yêu thương cần thể hiện qua thái độ được cụ thể hơn qua nhận thức, xúc cảm, hành động. Sống yêu thương là đời sống tình cảm cần được giáo dục, hình thành trong suốt cuộc đời  chứ không như lý trí. 

Những biểu hiện của phẩm chất "Sống yêu thương", "Sống tự chủ", "Sống trách nhiệm" nên được xem xét thêm, và cũng có thể còn những phẩm chất phẩm chất khác nữa. 

Nhìn chung, Chương trình tổng thể có một số ưu điểm nổi bật, đó là: Cách tiếp cận, quan điểm xây dựng chương trình khá mới mẻ, hiện đại, tiếp thu được giá trị của chương trình cũ và chương trình của một số nước tiên tiến.

Chương trình hướng tới đảm bảo giáo dục toàn diện, hướng tới tính đồng loạt (phổ thông, phổ cập) và tính cá thể (phân hóa tạo cho mỗi học sinh diều kiện phát triển tối ưu). Chương trình hướng tới sự tinh giản, hợp lý và hướng tới trình độ phát triển cao của giai đoạn mới. 

Chương trình tổng thể cũng còn một số diểm bất cập, đó là:  Định hướng xây dựng chương trình các môn học còn thiếu chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào qúa trình học tập tiếp và vào cuộc sống hằng ngày; 

Chương trình các hoạt động giáo dục khác chưa có yêu cầu cụ thể học sinh cần đạt được. Điều kiện thực hiện chương trình được nêu khái quát, khá đầy đủ, nhưng chưa có điều kiện đảm bảo cho những điều kiện đó có được khi triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.  

Về phát triển chương trình giáo dục phổ thông là điểm mới, tiến bộ nhưng cũng ẩn chứa trong đó cả mặt tích cực và tiêu cức nên cần được nêu rõ ràng, cụ thể hơn. Cần có văn bản hướng dẫn xây dựng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cùng với việc triển khai viết sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo tôi, thể hiện được tầm nhìn, tính khoa học và tính thực tiễn (tính khả thi và lợi ích) nhưng chưa đạt độ hoàn thiện, hy vọng sẽ có được chương trình tổng thể và chương trình cụ thể các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.   

PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào