Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Cần cắt bỏ ngay phần chiều cao vi phạm

05/10/2015 16:18
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, cần cắt bỏ ngay phần chiều cao vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực nhằm đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo

Trước những sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình, TP.Hà Nội), nhằm xem xét, nghiên cứu để sớm có chỉ đạo xử lý nghiêm minh sai phạm, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến chính thức bằng văn bản, khẩn trương báo cáo về tòa nhà này.

Trước đó, liên quan đến về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực, UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết: Dự án tòa nhà 8B Lê Trực nằm ngoài ranh giới quy hoạch chi tiết trung tâm chính trị Ba Đình, không có quy định cụ thể khống chế chiều cao tối đa tại công trình tại địa điểm này.

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực.
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội xác nhận, có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thi công, xây dựng tòa nhà, cả trong giai đoạn chưa cấp phép lẫn khi công trình đã được cấp phép xây dựng.

Cụ thể theo giấy phép xây dựng dự án, tòa nhà 8B Lê Trực chỉ được xây 18 tầng nổi bao gồm tầng kỹ thuật, tum thang và 4 tầng hầm. Diện tích xây dựng 1.783m2, chiều cao từ cốt 00 đến đỉnh tum thang là 53m nhưng trên thực tế, tòa nhà 8B đã xây dựng tăng chiều cao các tầng, xây dựng tăng thêm 1 tầng, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Cần cắt bỏ ngay phần chiều cao vi phạm ảnh 2

Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Người ký quyết định cấp phép khẳng định không sai

Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Cần cắt bỏ ngay phần chiều cao vi phạm ảnh 3

TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng: Tòa nhà cao hơn Lăng Bác xây vượt 16m

Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông (phía phố Lê Trực), theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía tây song chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng; diện tích sàn xây dựng tăng khoảng 6.126 m2 so với giấy phép xây dựng (29.874 m2).

Cắt bỏ chiều cao vi phạm hay phạt cho tồn tại?

Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Hà Nội phát hiện việc tòa nhà 8B Lê Trực đang có chiều cao vượt 16m (tương đương khoảng gần 5 tầng) so với giấy phép xây dựng được cấp, hai vấn đề được đặt ra: Thứ nhất yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ phần chiều cao vượt phép hoặc cưỡng chế phá dỡ phần chiều cao vi phạm; Thứ hai phạt nặng để cho tồn tại.

Nêu quan điểm của mình, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc tòa nhà này được xây với chiều cao vượt phép 1m thì cần phải tháo dỡ ngay vì nó làm mất cân đối cảnh quan, an ninh ở khu vực này.

Đồng quan điểm trên, trả Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, với chiều cao và khoảng cách gần như vậy (khoảng 400m so với Lăng Bác theo đường chim bay), tòa nhà này ảnh hưởng tới không gian kiến trúc, không gian văn hóa, lịch sử tại khu vực Lăng Bác.

Điều đáng lo ngại hơn là tòa nhà này có nguy cơ ảnh hướng tới sự an toàn về an ninh, quốc phòng tại khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, cần cắt bỏ phần chiều cao vi phạm đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng.

Trước đó trả lời bên lề buổi tiếp xúc cử tri tại TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ quan điểm của Hà Nội: “Tinh thần của thành phố lâu nay là những công trình vi phạm trật tự xây dưng đều bị xử lý minh bạch, rất nghiêm túc, không loại trừ một dự án, công trình nào”.

Chênh lệch giá gốc gấp 3 lần

Tờ Vietnamnet dẫn nguồn Tờ trình liên ngành (Sở Tài chính- Tài Nguyên và môi trường- Cục Thuế Hà Nội - Xây dựng - Công ty CP may Lê Trực) số 820 ngày 21/2/2014 trình Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội về xác định giá trị quyền sử dụng đất, đơn giá bán chung cư tại dự án này được thống nhất là 26,545 triệu đồng (chưa VAT). Tờ trình này sau đó đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại QĐ số 1681/QĐ-UBND ngày 28/3/2014.

Đơn giá cho thuê khu văn phòng, thương mại là 289,191 nghìn đồng/m2 (khoảng 13,2 USD/m2). Và đơn giá cho bán căn hộ nhà vườn là 110,331 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giá bán đăng tải trên các trang web sàn phân phối bất động sản thì căn hộ tại số 8B Lê Trực đều có giá trên 60 triệu/m2. Có thể thấy, mức giá căn hộ mà chủ đầu tư tính toán và được Hà Nội phê duyệt để thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước chỉ bằng 33-43% so với giá thị trường được các nhà phân phối rao bán.

Theo quy định của pháp luật thì tiền thu sử đụng đất phải được tính trên cơ sở giá thị trường. Giả sử mức giá rao bán trên đây là thực chất của các giao dịch mua bán thì giá một căn hộ có giá thị trường từ gần 10 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ phải nộp tiền sử dụng đất chỉ với mức giá trên dưới 4 tỷ đồng/căn.

Cùng đó, căn hộ nhà vườn hiện nay cũng được rao giá trên thị trường đã là 370 triệu đồng/m2, gấp hơn 3 lần so với giá mà chủ đầu tư tính với Nhà nước.

Nói cách khác chủ đầu tư dự án hưởng chênh lệch lớn từ chênh lệch giá gốc và giá thị trường.

Mai Anh (Tổng hợp)