Trước tình hình ngân sách gặp nhiều khó khăn, chưa cân đối được nguồn để tăng lương, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ phải mạnh tay cắt giảm các khoản chi cho tiếp khách, hội họp, đi nước ngoài, bởi vì bộ máy vẫn phình ra và chi quá nhiều.
Ông Lịch lưu ý, hàng chục năm qua, thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn đầu tư phải đi vay, cho đến giờ dù tình hình rất khó khăn nhưng dứt khoát không thể vay để tăng lương.
Ông Lịch nói thẳng: “Chúng ta đừng biến những chuyện đi nghiên cứu nước ngoài để đi du lịch cá nhân nhưng nhà nước trả tiền. Chừng nào bộ máy hành chính không có những khoản dự toán để chi tiếp khách, hội họp như nước ngoài đã làm thì mới tăng lương được”.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch. ảnh: Ngọc Quang. |
Về vấn đề này, đã nhiều lần các Đại biểu Quốc hội lên tiếng yêu cầu phải chấn chỉnh, nhằm tránh thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước, bởi suy cho cùng khi ngân sách nhà nước thiếu hụt, gánh nặng sẽ đặt lên vai người dân nhiều hơn.
Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu các bộ ngành, địa phương hạn chế công tác nước ngoài, nhằm tiết kiệm ngân sách cho các hoạt động thiết thực với đời sống của nhân dân. Thậm chí vào tháng 11/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các bộ ngành, địa phương quản lý chặt chương trình đi công tác nước ngoài theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả và không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các nhiệm vụ trong nước.
Còn nhớ, trong một buổi họp của Chính phủ vào chiều 24/12/2013, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, việc quá nhiều đoàn của các bộ, ngành, địa phương liên tiếp đi công tác nước ngoài dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết.
"Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự", Phó Thủ tướng cho biết.
Năm 2012 tổng số có 3.780 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài. Như vậy, tính trung bình một ngày có tới 6 đoàn đi công tác nước ngoài. Sang năm 2013 tuy có giảm nhưng số lượng còn lớn, tới 3.200 đoàn.
Phó Thủ tướng nhận định: “Vấn đề ở chỗ, các đoàn đi về cơ bản thúc đẩy tăng cường quan hệ có hiệu quả, nhưng có những đoàn đi lại không mang lại hiệu quả, bị trùng lặp nội dung tham quan, nghiên cứu. Số đoàn này chủ yếu là các đoàn đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước”.
Qua báo cáo trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, địa phương hết sức chú ý, tăng cường quản lý chặt chẽ vấn đề này: “Tôi nghe báo cáo có nước bạn thấy đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Các đồng chí phải xem lại cái này, đi quá trời thế này, dù có giảm nhưng còn tới 3.200 đoàn thế này là rất lớn”.
Cùng chung tâm trạng lo lắng cho ngân sách quốc gia, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ rõ, cải cách chính sách tiền lương có liên quan đến bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chưa rõ, năng lực của từng vị cán bộ hạn chế. Các giải pháp đổi mới chưa đủ mạnh nên chưa thu được kết quả như mong muốn.
Theo bà Tâm: “Muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy, còn bộ máy như hiện nay thì không có người dân nào nuôi nổi”.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Văn Minh cho biết, khi tiếp xúc cử tri vào năm 2014 có nói rằng cố gắng chờ 2015 sẽ tăng lương, nhưng chuẩn bị sang năm 2016 rồi mà Chính phủ vẫn chưa cân đối được nguồn để tăng lương nên không biết phải trả lời cử tri thế nào?
“Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường sẽ tăng lên, lương không tăng người dân biết trông vào đâu? Vì vạy, dù kinh tế khó khăn thì năm 2016 cũng phải cố gắng tăng lương một mức hợp lý”, Đại biểu Minh đề nghị.
Cách đây hai kỳ họp, Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã cảnh báo: "Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng Chính phủ đã thông qua lộ trình và hiện nghị quyết của Trung ương đã thông qua.
Nhưng bây giờ chúng ta lại đặt ra vấn đề kinh tế khó khăn quá, không thực hiện theo lộ trình này thì hỏi những người lao động hưởng lương thấp, cán bộ công chức hưởng lương thấp như hiện nay thì làm sao họ đủ sống. Mà không đủ sống thì cán bộ công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, lại vui vẻ nhận phong bì bôi trơn, gây khó khăn cho người dân. Chính nguy cơ này còn lớn hơn nữa".
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nên có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương. Cương quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người mắc sai phạm phải mạnh mẽ hơn trước. Thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài.
Phải công khai danh tính dự án nào, công trình nào lãng phí, dở dang để quy trách nhiệm xử lý, chứ cứ để thế này nói gì thì nói thì chỉ là sự rung động trong không khí.