Lịch sử như “bó đuốc soi đường”

10/11/2015 07:25
Hoàng Văn Bằng
(GDVN) - Giáo dục Việt Nam đang lung túng trước sự phát triển to lớn của nhân loại, đất nước, đổi mới là yếu tố sống còn đối với giáo dục và tương lai của đất nước.

LTS: Thầy Hoàng Văn Bằng- Giáo viên Trường THPT Lương Đắc Bằng (Thanh Hóa) có tiếp bài viết nêu lên thực trạng và sự cần thiết của môn Lịch sử trong thời đại Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, trong bài này thầy Bằng nhấn mạnh tới tính gốc rễ của vấn đề - Lịch sử như một môn khoa học, là nền tảng để "soi rọi" cho các môn học, ngành học khác. Dù làm gì, đất nước có mạnh được lên hay không trước hết từng công dân phải biết về lịch sử, hiểu được lịch sử.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đổi mới về giáo dục hiện nay, mà hiệu quả của nó đem lại những yếu tố tích cực là không hề đơn giản. Vấn đề là phải đặt giáo dục nước ta ở vị trí nào của giáo dục thế giới? 

Đổi mới nó như thế nào? Bắt đầu và kết thúc ở đâu? Làm sao để hiện đại, bền vững, lại giữ được truyền thống? Đây là những câu hỏi mà lâu nay giáo dục nước ta đã đặt ra, Bộ Giáo dục đã có kế hoạch, những ý kiến của các chuyên gia đóng góp, tuy nhiên câu chuyện này vẫn còn hết sức mơ hồ.

Theo tôi nghĩ, đổi mới hay cải cách gì thì cũng phải bắt đầu từ cái “gốc”, trước hết phải đảm bảo và phát huy được những môn khoa học cơ bản: Toán, sử, địa lý…Những môn học khác tùy vào khung thời gian, chương trình để sắp xếp cho phù hợp. 

Ảnh minh họa Giáo dục thời đại.
Ảnh minh họa Giáo dục thời đại.

Bởi những môn khoa học này là những khoa học chân chính, nó trường tồn với thời gian, không ai có thể “phủ nhận” hoặc làm “méo mó” nó được. Từ cơ sở “gốc” ta có thể làm cho nó phù hợp với mọi thời đại, tương lai của đất nước hay nhân loại. 

Vấn đề đặt ra là, Bộ Giáo dục, các chuyên gia phải làm, biên soạn, đổi mới cho nó phù hợp…Những môn học khác cũng rất quan trọng, tuy nhiên chỉ là nhất thời, có thể lúc này cần nhưng lúc khác không cần, có thể nơi này là cần nhưng nơi khác không cần. 

Ví dụ, môn ngoại ngữ, được ca tụng là cần thiết cho đổi mới, như chúng tôi là những người làm trí thức, được học tương đối bài bản tiếng Anh, song cũng mấy khi sử dụng, huống hồ như các tầng lớp khác.

Giống như một số môn khoa học khác, lịch sử là khoa học chân chính, khoa học này trường tồn với thời gian, mọi thời đại, nó như “ Bó đuốc soi đường”, như “Bầu sữa mẹ luôn chảy, dạy dỗ, vun đắp, xây dựng tương lai”…

Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục đưa ra thì môn Lịch sử được tích hợp, lồng ghép một số môn khác. Rõ ràng môn Lịch sử được đặt vào môn phụ, học sinh tự chọn. 

Lịch sử như “bó đuốc soi đường” ảnh 2

Đổi mới, nhưng hãy tôn trọng, đối xử đúng mực với môn Lịch sử

(GDVN) - Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào môn học nào đó, với hệ thống kiến thức sử của bộ môn khoa học chính thống.

Lâu nay, ta đã nghe, xem, nhận xét rất nhiều những chủ đề nóng: Tham nhũng, tệ nạn ma túy, cờ bạc, nghiện ngập, vô tổ chức, vô kỷ luật, học sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, nguy hiểm hơn nó trở thành tổ chức, có hệ thống và phổ biến…

Vấn đề này càng phức tạp và nhức nhối, trở thành gánh nặng lớn, phá hoại sự phát triển, thậm chí là sự tồn vong tương lai đất nước, chúng ta chỉ phê phán, ra sức cấm đoán, đổ lỗi cho nhau (gia đình, nhà trường, xã hội). 

Hãy nhìn vào bản chất “gốc vấn đề”, đó không phải là lỗi của cá nhân hay tổ chức, mà đó là “tầm nhìn chiến lược”, chúng ta cố chạy theo hiện đại, tối tân, xu thế…mà quên đi những giá trị của truyền thống, giá trị bền vững, giá trị giống nòi, giá trị tồn vong, của tương lai đất nước. 

Ta chạy theo, tưởng như sẽ giúp ta hiện đại, song nó lại phá hoại, níu kéo khiến ta ngày càng lạc hậu hơn, hãy thực tế đi, ta chỉ hiện đại hơn so với năm 1945, song còn các nước trong khu vực và thế giới thì sao, họ hiện đại hơn ta gấp hàng thế kỉ.

Lịch sử là bộ môn khoa học, nó gắn liền với hình hài đất nước này, đó là dòng sông, bến nước, sân đình, cây đa, giếng nước, lũy tre làng, là gia đình, tổ tiên… Nuôi dưỡng thế hệ con người Việt Nam, nó góp phần hình thành cái tâm, tính, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, yêu thương đùm lẫn nhau, gắn tình yêu gia đình, làng xóm với quê hương đất nước…

Nếu Lịch sử dân tộc ngừng chảy, hoặc chảy không mạnh, nó sẽ đẻ ra một thế hệ con người Việt Nam mới “vô thức”, nó chỉ là những người máy, không có quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ, không có sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ, nó sẵn không có sự tôn trọng, thích thì làm, không có trên có dưới, xem thường các đạo lý mà trước hết là đạo làm người…

Đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu hiện đại, song những giá trị “Gốc”, giá trị “Lịch sử” mới đảm bảo sự phát triển và bền vững, trường tồn của dân tộc. Vì vậy, không thể “bỏ” Lịch sử hoặc xem Lịch sử một cách “méo mó”, Lịch sử phải được nhân dân Việt Nam biết như một khoa học chân chính, môn học chính thống bắt buộc ở nhà trường THPT.

Hoàng Văn Bằng