LTS: Viết tiếp bài: “Giáo dục Lịch sử có phải là khoa học không?”, ở bài viết thứ hai này, PGS. TS Vũ Quang Hiển chỉ ra những sai lầm về tư duy trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dẫn đến phủ nhận vai trò của môn Lịch sử.
Toà soạn trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc.
Hiểu sai “tích hợp” và mâu thuẫn trong tư duy
Trong Dự thảo chương trình tổng thể có những cách hiểu khác nhau về khái niệm “tích hợp”.
Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định “Nếu Lịch sử đặt ra là một môn học riêng sẽ có nội dung trùng với An ninh Quốc phòng, Giáo dục Công dân. Hơn nữa, nếu tách riêng sẽ không thực hiện được định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn”.
Như vậy, “tích hợp” được hiểu là ghép gộp những môn học hiện tại có những nội dung kiến thức trùng nhau thành một môn chung, thực hiện một phép cộng cơ học, mà không thấy rằng những nội dung trùng nhau đó vốn thuộc về môn lịch sử mà các môn khác không nên lặp lại, nhưng có thể dựa vào đó để giúp học sinh đạt mục tiêu môn học.
Ngược lại với quan điểm trên, một cán bộ khác có trách nhiệm cao hơn lại cho rằng: “Giáo dục Lịch sử không phải chỉ có ở môn Lịch sử mà còn có trong môn Ngữ văn, Địa lý, Đạo đức, Công dân, Âm nhạc... Môn nào cũng đều có ý nghĩa giáo dục Lịch sử. Hình thức giáo dục Lịch sử của chúng ta nên đổi mới, hướng học sinh trở về với cội nguồn, đi thăm di tích lịch sử. Chúng ta không thể đánh đồng giáo dục Lịch sử chỉ là dạy Sử”.
Điều đó có nghĩa là “tích hợp” theo kiểu dùng các môn khác để giáo dục lịch sử, mà không sợ sự trùng lặp nội dung kiến thức của nhiều môn.
Cùng một Dự thảo chương trình tổng thể lại có hai quan điểm trái ngược nhau về “tích hợp” như trên là điều bất cập rất lớn, thể hiện sự lúng túng trong xây dựng chương trình. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phủ nhận vai trò của môn lịch sử và giáo dục lịch sử.
PGS. TS Vũ Quang Hiển. Ảnh tác giả cung cấp |
Nhiều môn học dựa trên cơ sở những tri thức lịch sử để đạt mục tiêu dạy học . Nhưng dựa vào những kiến thức lịch sử hoàn toàn khác với giáo dục lịch sử. Một số môn có thể góp phần giáo dục tinh thần của lịch sử, nhưng không thể trang bị tri thức lịch sử bằng cách cung cấp những tư liệu lịch sử gốc có hệ thống và toàn diện.
Nếu như các môn khác đảm nhiệm được vai trò của môn Lịch sử, thì các nước tiên tiến duy trì dạy học bắt buộc và riêng biệt môn Lịch sử để làm gì? Cách hiểu chưa đúng và thiếu nhất quán về khái niệm “tích hợp” dẫn đến việc xác định sai lệch vị trí của môn lịch sử.
Cần thấy rằng, bản thân môn lịch sử là một môn tích hợp rất rộng (khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, tôn giáo… ; rộng hơn nữa là lịch sử của các khoa học tự nhiên và và khoa học xã hội như Toán học , Lý học, Hoá học, Sinh vật học, Tiếng Việt, Chữ Việt…). Chính vì thế mà C. Mác nói: “Chỉ có một khoa học chân chính nhất là khoa học lịch sử”.
Giáo dục Lịch sử có phải là giáo dục tri thức khoa học không? - Bài 1 (GDVN) - Việc giáo dục lịch sử thiếu hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước những hiểm hoạ mà những người có lương tâm hôm nay phải có trách nhiệm. |
Vì thế, cần trả những đơn vị kiến thức vốn thuộc về khoa học lịch sử đang nằm trong các môn học khác về cho môn lịch sử, để bớt đi thời lượng và tạo điều kiện cho các môn khác hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó, ví dụ như:
Phần văn học sử trong chương trình văn học có thể giải quyết trong môn lịch sử. Môn Lịch sử không chỉ làm sáng tỏ bối cảnh ra đời của các trào lưu hoặc dòng văn học, mà còn có thể cung cấp bức tranh chung về lịch sử văn hoá trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Tất nhiên làm như vậy không phải là coi nhẹ môn Văn học, mà trái lại, môn Văn học sẽ có thêm thời gian để tập trung khai thác sâu hơn những giá trị của các tác phẩm văn học.
Tương tự như vậy, truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, tri thức khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, những kinh nghiệm giữ nước của dân tộc, cùng tinh hoa quân sự thế giới… là những nội dung mà chỉ có môn Lịch sử mới có thể giải quyết tốt nhất, tạo điều kiện để môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh tập trung vào những vấn đề hiện tại.
Trong môn lịch sử có thể tích hợp những nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói riêng, ý thức công dân nói chung và cả ý thức của con người đối với nhân loại…
Bản thân môn Lịch sử với tư cách một khoa học không thể bị tích hợp vào bất cứ môn học nào, mà bắt buộc phải đứng độc lập.
Đưa môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là không đúng nghĩa về “tích hợp liên môn”, mà chỉ là một phép cộng cơ học, là sự “khai tử” môn lịch sử một cách cố ý, là sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử.
Nói tóm lại, cần lấy môn Lịch sử làm trụ cột để giải quyết các vấn đề lịch sử, trong đó có những nội dung mà các môn học khác cần tới, chứ không thể chia các nội dung lịch sử ra để giải quyết trong các môn học khác và giải thích một cách tuỳ tiện rằng “giáo dục lịch sử được tích hợp trong nhiều môn học khác nhau”.
Lập luận khó chấp nhận trong Dự thảo chương trình tổng thể của Bộ GD&ĐT
Những người xây dựng Dự thảo chương trình của Bộ lấy lý do “định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn” để gộp, ghép các môn học lại là tư duy bất ổn. Vấn đề không phải là số lượng môn bắt buộc, mà là những đơn vị kiến thức bắt buộc. Gộp 3 môn thành 1 môn bắt buộc, thì chẳng khác gì bắt buộc cả 3 môn, không hề có sự đổi mới về chất.
Ảnh minh họa. VOV |
Cần phải tìm giải pháp khác thoả đáng hơn, ngay trong một môn học cũng có thể có những phần bắt buộc và tự chọn khi có chủ đích đào tạo phân hoá thật sự. Ví như môn lịch sử, phần lịch sử Việt Nam có thể bắt buộc (cho mọi đối tượng), nhưng phần lịch sử thế giới có thể tự chọn (cho phân ban khoa học xã hội và nhân văn).
Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục không minh bạch" (GDVN) - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển "nói lấy được" và "không thiện chí" trước các ý kiến tâm huyết của chuyên gia về môn Sử. |
Dựa vào lập luận: “trong tự nhiên cũng như trong xã hội các sự vật, các quá trình liên quan với nhau rất chặt chẽ, thống nhất”, một vị lãnh đạo của Bộ Giáo dục cho rằng: “để giải quyết tốt các vấn đề trong học tập cũng như trong thực tế thì kiến thức phải được hiểu và vận dụng rất biện chứng.
Một môn học, vì vậy, phải phản ánh được nhiều lĩnh vực kiến thức, ngược lại mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thể hiện trong nhiều môn học để tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh vận dụng tổng hợp được dễ dàng và hiệu quả. Nếu cứ muốn giữ lại những môn học như cũ thì chúng ta không thể đổi mới được chính môn học đó và gây khó khăn cho các môn học khác”.
Cách luận giải như thế có vẻ “uyên bác” về lý luận, nhưng chỉ là không tưởng. Nếu “mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thể hiện trong nhiều môn học” thì chỉ có thể tạo ra sự trùng lặp, chồng chéo kiến thức nhiều hơn giữa các môn khác nhau mà thôi.
Trong khi đặt vấn đề một môn học phải thể hiện những kiến thức của nhiều môn học khác, vị lãnh đạo này lại mâu thuẫn với chính mình khi viết: “việc đặt thành môn riêng biệt rất chặt chẽ về hình thức thì kiến thức sẽ chồng chéo giữa các môn học, gây quá tải mà chưa hẳn môn nào cũng dạy được nhiều”. Vậy phải làm thể nào để tránh chống chéo? Thật khó hiểu.
Một cán bộ cấp Vụ của Bộ khẳng định: “Ở nhiều quốc gia khác, học sinh sẽ hoàn toàn học theo môn học tự chọn”. Phải chăng viết như thế là có sự nhầm lẫn? Chúng ta sẽ trả lời thể nào trước câu hỏi: Tại sao ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thì môn Lịch sử lại là môn học độc lập và bắt buộc, còn Việt Nam thì không? Chắc chắn Ban Dự thảo chương trình của Bộ chưa nghĩ đến câu hỏi này.
Dù giải thích thế nào đi nữa, những ý tưởng “hoà trộn môn lịch sử trong nhiều môn học khác” thực chất là coi nhẹ môn học này. Nếu không chỉnh sửa Dự thảo chương trình tổng thể sẽ là sự “khai tử” môn Lịch sử. Một chương trình tổng thể đòi hỏi một tư duy tổng thể, chứ không phải là một tư duy chắp vá, duy ý chí chủ quan.
Hãy để môn Lịch sử làm chức năng, nhiệm vụ của nó để cùng các môn khác hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực tư duy cho học sinh bằng phương pháp đặc trưng riêng.
Cách giải thích về việc ghép môn lịch sử với một số môn khác, cũng như cách lập luận những môn khác nhau đều có thể giáo dục lịch sử, thực chất chỉ là những lời biện hộ cho việc xoá bỏ môn lịch sử, không hề có cơ sở khoa học.