Giáo dục Lịch sử có phải là giáo dục tri thức khoa học không? - Bài 1

13/11/2015 06:58
PGS. TS Vũ Quang Hiển
(GDVN) - Việc giáo dục lịch sử thiếu hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước những hiểm hoạ mà những người có lương tâm hôm nay phải có trách nhiệm.

LTS: Bàn về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vị trí của môn Lịch sử, nhiều nhà giáo và chuyên gia trong lĩnh vực sử học đã lên tiếng phản đối việc tích hợp lịch sử trong chương trình mới.

Liên quan tới chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của PGS. TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc.

Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ thế nào nếu giáo dục lịch sử không có hệ thống?
Tôi cho rằng, cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại.

Ngày càng có nhiều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách cắt ghép và xuyên tạc lịch sử theo một lôgic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” về lịch sử. Xin nêu một số ví dụ: 

Thứ nhất, người ta bỏ qua Hiệp định Muyních (Muenich) giữa Pháp, Anh với Đức, chỉ tập trung khai thác và nhấn mạnh Hiệp ước Xô - Đức để đi tới kết luận kẻ gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai không phải là chủ nghĩa phát xít, mà là Liên Xô (?)

Thứ hai, người ta cố tình lãng quên những tội ác của chủ nghĩa thực dân, cố tình bỏ qua những hành động xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng những chính quyền do họ dựng ra, bỏ qua những việc làm đầy thiện chí nhân đạo và hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, để tập trung bôi nhọ và vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc trong suốt 30 năm (1945-1975), đẩy nhân dân vào cảnh chết chóc, tang thương; “chỉ có nhân dân là chiến bại” (?)

Thứ ba, có không ít người xuất phát từ việc xuyên tạc rằng, Pháp và Việt Minh đã “tự ý” ký với nhau Hiệp định Giơnevơ 1954 để chia Việt Nam thành “hai quốc gia”, đẩy đất nước vào tình cảnh “Trịnh - Nguyễn phân tranh”, để rồi đi đến kết luận cộng sản Bắc Việt xâm lược Việt Nam Cộng hoà là một quốc gia độc lập có chủ quyền, và vì thế Việt Nam Cộng hoà phải yêu cầu Mỹ “giúp đỡ” chống “cộng sản hiếu chiến xâm lăng”, phủ nhận chính sách xâm lược thực dân mới của Mỹ (?)

PGS. TS Vũ Quang Hiển. Ảnh tác giả cung cấp.
PGS. TS Vũ Quang Hiển. Ảnh tác giả cung cấp.

Đó là những thủ đoạn mạo danh khoa học để xuyên tạc lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Phải chăng những cách trình bày và giải thích lịch sử như trên là khách quan và khoa học? 

Việc giáo dục lịch sử thiếu hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước những hiểm hoạ mà tất cả những người có lương tâm hôm nay phải có trách nhiệm nặng nề. 

Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng là không thể xem thường. Đây là bài toán mà Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đều phải quan tâm.

Liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”? Có còn phân biệt được đúng - sai, chính nghĩa - gian tà, xâm lược và chống xâm lược? 

Giáo dục Lịch sử có phải là giáo dục tri thức khoa học không? - Bài 1 ảnh 2

Có Lịch sử để tạo niềm tin cho học sinh qua những bằng chứng xác thực

(GDVN) - "Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện nay, Lịch sử là môn học tự chọn. Theo tôi, môn học này phải là bắt buộc".

Trong những biến đổi không ngừng của quan hệ quốc tế hiện đại, sự thay đổi của điều kiện sống và làm việc, liệu những công dân Việt Nam trong tương lai có tin vào những việc cha anh mình đã làm là phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử hay không?  

Ai sẽ là người phải chiụ trách nhiệm về hậu quả đối với thế hệ trẻ của đất nước, đang chịu ảnh hưởng từng phút, từng giờ của sự tuyên truyền xuyên tạc lịch sử trên các trang mạng xã hội mà họ không có đủ phẩm chất và năng lực để phân biệt đúng, sai?

Nếu không coi môn Lịch sử là một khoa học để giáo dục một cách có hệ thống và bắt buộc thì sẽ để lại những lỗ hổng rất lớn, mà những thế lực phản động dễ dàng lợi dụng để thực hiện thủ đoạn “diễn biến hoà bình”. 

Tôi khẳng định, câu trả lời vẫn còn ở phía trước, và tuỳ thuộc vào thái độ ứng xử của ngành giáo dục và đào tạo đối với môn lịch sử. 

Tư duy coi nhẹ môn Lịch sử sẽ dẫn đến điều gì?

Cho rằng “Môn lịch sử không thể biến thành khoa học lịch sử” – cũng là xuất phát điểm của tư duy coi nhẹ môn lịch sử trong chương trình tổng thể.

Lịch sử là một bộ môn khoa học. Giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học. Thế nhưng một cán bộ có trách nhiệm xây dựng Dự thảo chương trình cho rằng, “môn Lịch sử không thể biến thành khoa học Lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu)”. 

Quả là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Nếu như giáo dục lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì?

Môn lịch sử trước hết phải là một khoa học, được dạy học bằng những phương pháp đặc trưng của bộ môn, tạo nền tảng để phát triển phẩm chất và năng lực con người Việt Nam, công dân của một quốc gia, đồng thời là công dân toàn cầu. 

Những tri thức lịch sử phải được trang bị một cách khách quan, toàn diện và có hệ thống. Tri thức nền tảng là vấn đề căn cốt nhất mà con người Việt Nam cần có trước khi trở thành những người làm bất cứ việc gì. 

Giáo dục Lịch sử có phải là giáo dục tri thức khoa học không? - Bài 1 ảnh 3

Đổi mới, nhưng hãy tôn trọng, đối xử đúng mực với môn Lịch sử

(GDVN) - Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào môn học nào đó, với hệ thống kiến thức sử của bộ môn khoa học chính thống.

Điều đó chỉ có thể được giải quyết bởi chính môn Lịch sử với tư cách là một khoa học trong các nhà trường từ phổ thông đến đại học, với nội dung vừa sức và hấp dẫn đối với từng độ tuổi, bằng những phương pháp bộ môn phù hợp. 

Trên thực tế, chương trình và sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông có phần nặng tính hàn lâm; phương pháp dạy học lịch sử còn những bất cập, phương thức kiểm tra đánh giá chưa thật tốt. 

Đó là những vấn đề cần bàn kỹ sau khi môn lịch sử được đặt đúng vị trí của nó. Không thể dựa vào những khiếm khuyết của chương trình và sách giáo khoa, phương pháp dạy học, phương thức kiểm tra, đánh giá, hoặc những hạn chế của đội ngũ thầy, cô dạy môn lịch sử để biện minh cho việc coi nhẹ môn lịch sử. 

Coi môn lịch sử không phải là khoa học là sự phủ nhận trực tiếp vai trò của môn học này nói riêng và giáo dục lịch sử nói chung. Đó là sai lầm rất nghiêm trọng về phương pháp luận, khởi đầu cho một loạt những sai lầm khác.  

Bài tới: Sai lầm lớn về tư duy dẫn đến xem thường môn Lịch sử

PGS. TS Vũ Quang Hiển