LTS: Nhìn nhận thấy lỗ hổng tâm lý giáo dục trong các Nhà trường, thầy giáo Tạ Quang Sum (Cam Ranh – Khánh Hòa) mạnh dạn chỉ ra hạn chế của các nhà trường hiện nay và mạnh dạn đưa ra biện pháp lấp kín lỗ hổng đạt hiệu quả mà chính thầy trực tiếp chỉ đạo.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của thầy.
Tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng vào đầu năm 2010, lúc ấy cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực” đi vào giai đoạn cao trào.
Có giáo viên đến gặp tôi bày tỏ bức xúc: "Sao lại xây dựng…thầy! Phải tái lập chứ! Bản chất của trường học là thân thiện mà! Tích cực là thuộc tính của giới trẻ mà! Chính mình làm cho nó biến dị trở nên nơi giam hãm trẻ con tạo ra tiêu cực, rồi bây giờ vận động xây dựng, thì … là … làm sao !!!" .
Thật vậy, giáo dục là tập hợp những hành vi tâm lý nhằm chuyển tải những yếu tố vật lý vào các chủ thể sinh lý. Mọi chuyện liên quan đến giáo dục con người đều được định hướng dẫn nhập – dung nạp – chuyển hóa thành tri thức, văn hóa, đạo đức, năng lực tự thân cho mỗi con người từ nền tảng tâm lý, yếu tố mang tính tiên đề này đang bị xem nhẹ ở các môi trường giáo dục.
Do tác động nhiều mặt trong đó có cái mà nhiều người dễ dàng đổ lỗi cho là “mặt trái kinh tế thị trường”, thì trong các trường học hiện nay lỗ hổng tâm lý giáo dục đang tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Mặc dù đã qua nhiều lần cải cách, nhưng diện mạo của các nhà trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến theo mục đích và yêu cầu đề ra, lúng túng này chồng lấn vụng về kia làm cho học sinh rốt cuộc vẫn chỉ là một đám đông bị nhốt trong 4 bức tường.
Tư vấn tâm lý trong trường học giúp xử lý, giải quyết những vấn đề tâm, sinh lý (Ảnh: hocgioi.org) |
Những con người trẻ đang phải chủ động hoặc thụ động nhận chịu sự nhồi nhét kiến thức và những kiến văn khác để được công nhận lớn lên theo thời gian. Mỹ từ “tốt nghiệp” tạo ngộ nhận là nhiều thế hệ công dân đã được giáo dục đến nơi đến chốn.
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bị nhân danh và lạm dụng thô thiển để buộc học sinh phải khoanh tay ngồi nghe thầy cô rao giảng về những vấn đề, mà bản thân khá nhiều thầy cô chưa nắm vững hoặc lạc hậu về kiến thức.
Bất chấp những tiến bộ về công nghệ truyền thông ở thế kỷ 21 dẫn đến tâm lý giới trẻ có những biến động vượt ngưỡng, thì gia đình – nhà trường - xã hội vẫn muốn giữ mãi họ trong hình hài “con trẻ ăn chưa no lo chưa tới”.
Những áp đặt chủ quan từ phía nhà trường và thầy cô giáo buộc học sinh miễn cưỡng chấp nhận những quan niệm cổ điển về : Xã hội – tôn giáo – văn hóa – âm nhạc – hội họa - tình yêu – tình dục – kinh tế - cấu trúc gia đình….
Theo bản năng họ phải tự tìm cái mới với rất nhiều trăn trở ưu tư – cô đơn chọn con đường – vụng về nhập cuộc thiếu định hướng – và “tự sướng”….
Cả gia đình – nhà trường – xã hội không mấy ai dành thời gian chia sẻ với họ về những đổi thay trên cơ thể và tâm trạng diễn biến từng ngày, không ai giải thích với họ vì sao – hệ quả sẽ thế nào – thuận lợi hay trắc trở, về bao điều mới đến với họ.
Thử hỏi trong chương trình năm học ở mỗi nhà trường có được bao nhiêu tiết tư vấn tâm lý đáp ứng nhu cầu của giới trẻ học sinh!
Kết quả là ngày càng có nhiều học sinh không tìm được hứng thú học tập – rèn luyện, số học sinh bỏ học nghỉ học tăng nhanh không chỉ vì khó khăn kinh tế.
Hoạt động học đường chỉ tập trung vào học chính và học thêm, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp diễn ra chiếu lệ không có nhiều nội dung phù hợp cuốn hút mạnh mẽ giới trẻ tham gia.
Bởi vậy mới có nhiều vụ việc học sinh gây gỗ đánh nhau mà người đánh – và nhiều người đứng xem cuộc đánh nhau đều có chung một tâm lý hã hê là sẽ được post clip lên mạng, học sinh quan hệ tình dục sớm - nữ sinh có thai sớm dễ dàng vứt bỏ trẻ sơ sinh ở nhà vệ sinh, gầm cầu thang, cống rảnh !!!
Trường học vốn dĩ là một không gian thân thiện, nơi lập thành nguồn động lực tích cực cho mọi thế hệ công dân, nhưng chúng ta đang phải mất rất nhiều công sức để thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”, mà lẽ ra phải chỉ định đúng từ ngữ là “tái lập”.
Nhiều gia đình đầu hàng và tự phủi trách nhiệm dạy con(GDVN) - Có những bậc cha mẹ tự đánh mất vai trò ảnh hưởng của mình đối với trẻ, tự phủi trách nhiệm giáo dục, bỏ mặc trẻ theo kiểu: “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. |
Mâu thuẫn ngày càng mở rộng khi lý luận cố hữu của thầy cô giáo là học sinh phải ngoan, nghĩa là không chấp nhận tranh luận, không chấp nhận tính diễn đàn trong lớp học.
Rất nhiều giáo viên tốt nghiệp hạng Khá, Giỏi từ trường Đại học Sư phạm, nhưng ghi lời phê trong học bạ của học sinh lớp 12 rất kỳ cục: “Ngoan, có tiến bộ, vâng lời thầy cô”.
Lý luận đa diện hơn của cán bộ quản lý trường học là bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì, nghĩa là ở bên trong nhà trường luôn tìm cách ngăn chặn để không bùng nổ những nhu cầu của tuổi mới lớn, bên ngoài cổng trường là chuyện của xã hội nhà trường không chịu trách nhiệm với vụ việc xảy ra ngoài giờ lên lớp.
Ngoài xã hội lại cho rằng học sinh dính dáng đến những tiêu cực – tham gia những hành vi bạo lực – chạy theo mốt thời thượng – suy giảm đạo đức…. là do nhà trường lơ là giáo dục kỹ năng sống.
Chính quyền địa phương nào cũng có đủ ban này, bệ kia liên quan giáo dục nhưng có phối hợp với nhau đâu!
Kết quả là trẻ con tít mù vòng quanh trong cuộc chơi của người lớn: Gia đình giao hết công việc chăm trẻ cho nhà trường, nhà trường hụt hơi đợi chờ xã hội quan tâm, xã hội lại xem đó là chuyện của nhà trường, nhà trường quay lại bám vào gia đình hoặc đơn phương đối phó cho êm chuyện.
Chưa kể nhiều cơ quan quản lý khác của xã hội còn nhân danh bản sắc văn hóa dân tộc để níu thanh thiếu niên lại nhiều mặt ở thế kỷ 19 – 20….
Đó là nút thắt của giáo dục hiện nay, phải chăng sự vắng bóng tâm lý giáo dục đã làm cho nhà trường trở nên xưởng dạy, giáo viên là thợ dạy, và nhiều thế hệ học sinh chỉ là những sản phẩm công nghiệp được đẽo gọt tùy ý!
Hiện trạng cho thấy không thể gỡ một sớm một chiều, không thể quy hết trách nhiệm về ai, mà cả chính quyền và xã hội phải hỗ trợ tối đa cho mỗi nhà trường và mỗi thầy cô giáo với chức trách trồng người, tìm ra được lối thoát cho công việc của mình và đối tượng mà mình đang phục vụ.
Cổng cho lối thoát ấy là phát triển và ứng dụng Khoa học Tâm lý giáo dục, chính là nền tảng lý luận và hiện thực đang ngày càng trở nên bức thiết đối với mọi sinh hoạt học đường.
Ngày 26/12/2015 tại Hà Nội sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam “1990 – 2015”, và hội thảo khoa học với chủ đề : “Tâm lý học và giáo dục học với việc phát triển phẩm chất và năng lực người học”.
Báo động chuyện học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô(GDVN) - “Đáng buồn là trong nhà trường hiện nay, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi không còn là hiện tượng cá biệt”. |
Theo tôi nhân sự kiện này, Ban chấp hành Trung ương Hội nên có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ để kiến tạo hoàn cảnh thuận lợi hơn cho hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam phát huy chức năng - nâng cao hiệu lực hoạt động, cụ thể là :
1/ Vận động để hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam thực sự trở nên một tổ chức phản biện độc lập về giáo dục.
Định kỳ trong quý Bộ nên xếp lịch làm việc với Ban chấp hành Trung ương Hội, để Bộ tham vấn cho Hội và Hội tư vấn cho Bộ về những vấn đề liên quan đến Tâm lý Giáo dục Việt nam.
2/ Vận động để mỗi cơ sở trường học ở mỗi cấp học có tổ chức hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, làm điểm tựa cho thầy cô giáo và học sinh về những vấn đề liên quan đến tâm lý giáo dục.
Không nhất thiết đánh trống ghi tên cho đông mà phải hoạt động với chất lượng thực sự về tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh, giáo viên.
Các tỉnh Hội hợp tác với Sở GD&ĐT để tổ chức các cuộc hội thảo khu vực về các chủ đề tâm lý giáo dục hiện thực với địa phương.
Mỗi cuộc hội thảo là diễn đàn mở để diễn giả được trao đổi thẳng thắn những vấn đề họ quan tâm, đó phải là kênh phản biện – hợp tác để đề ra được cách xử lý những tình huống và những hiện tượng mà các nhà trường và thầy cô giáo đứng lớp đang rất lúng túng.
3/ Mỗi năm có hai kỳ hội thảo Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam toàn quốc, kính mời lãnh đạo Bộ tham dự để tham gia chỉ đạo – để tiếp thu ý kiến của các nhà KH qua diễn đàn của Hội.
Tại mỗi địa phương đăng cai tổ chức hội thảo, ngoài các quan chức địa phương nên mời rộng rãi lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; các trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT dự đủ các hoạt động hội thảo.
Trong chương trình làm việc nên có các trung tâm chuyên đề phù hợp với yêu cầu riêng, tùy theo chủ đề mà mỗi đoàn sẽ đăng ký trước làm việc. Kết thúc hội thảo sẽ có đánh giá chung, nhận định chung và kiến nghị gửi đến các cấp quản lý liên quan.
Năm 2011 ở trường do tôi làm Hiệu trưởng có em nữ sinh lớp 12 mang thai, việc học sa sút. Thầy cô giáo và bạn bè nhìn em với ánh mắt biểu cảm không bình thường, cô giáo chủ nhiệm đề nghị tôi cho em nghỉ học vì lý do quan trọng nhất là gây giảm sút điểm thi đua của lớp.
Tôi đã giải thích với cô giáo rõ về trách nhiệm của trường – lớp – thầy cô giáo đối với mọi học sinh, đích thân tôi đến vận động gia đình em và em yên tâm tiếp tục học – dự thi tốt nghiệp, giữ gìn sức khỏe để sinh con.
Tôi đến lớp nói về chuyện của em và đề nghị toàn lớp góp tiền cùng thầy Hiệu trưởng mua tã lót chuẩn bị cho cháu bé, kết quả là thầy cô giáo và bạn bè cư xử với em trở nên rất thân thiện.
Những con số ngạc nhiên về mong muốn của cha mẹ học sinh(GDVN) -Vai trò của phụ huynh ở trường chủ yếu là quản lý tiền quỹ, tham gia hỗ trợ học tập chỉ là phụ; đa số không muốn cho con học thêm, ngược với ý giáo viên. |
Một tuần sau khi thi xong thì em sinh, ngày đầy tháng con em mời thầy cô và bạn bè đến dự. Tôi trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho em – em bế con đến đặt vào tay tôi và nói : “Cháu ngoại của ông đây”. Có lẽ không sự trưởng thành nào đầy nhân văn của một nữ sinh mà thông thường thì đã bị cho nghỉ học!
Có bạn đồng nghiệp trách tôi : “Ông làm chuyện tào lao, rồi đây nữ sinh sẽ chửa đẻ thoải mái trong trường ông”, nhưng 3 năm còn lại của nhiệm kỳ Hiệu trưởng ở trường tôi không có thêm trường hợp nào như vậy.
Có lẽ nhờ vào việc đầu năm học sau tôi lập phòng Tư vấn nữ khoa, giao cho các nữ giáo viên giảng dạy bộ môn Sinh học làm chuyên viên tư vấn về sức khỏe sinh sản và an toàn tình dục.
Hàng ngày có khá nhiều nữ sinh đến xem hình ảnh trưng bày và “tâm sự”… với cô giáo.
Cũng từ đó ở một vài trường khác Hiệu trưởng đã xử lý tình huống như cách làm của tôi, những nữ sinh có thai không còn bị nhà trường và gia đình ghẻ lạnh, các em được chăm sóc tốt hơn để vừa hoàn thành việc học tập đồng thời yên tâm làm mẹ - làm vợ.
Phải chăng trong diễn trình giáo dục có rất nhiều việc dễ dàng trở nên thông tỏ, nếu tâm lý giáo dục phát huy được vai trò chủ đạo giúp mọi người có điểm tựa tinh thần vượt qua những vách ngăn, dựng lên bởi sự gắn bó quá lâu với những quan niệm sống đầy câu nệ và cổ hủ, mà không nghĩ chính nó đang góp phần kìm hãm phát triển.
Tâm lý giáo dục thực sự là một chủ đề nóng bỏng – liệu pháp chính thống trùm tỏa mọi hoạt động của mọi nhà trường!