Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm!

30/11/2015 07:07
Xuân Dương
(GDVN) - Quan điểm “nhìn việc cán bộ làm, đừng nghe cán bộ nói” đã đến lúc phải thay đổi thành hãy khuyến khích “cán bộ nói” để từ đó đánh giá “khả năng cán bộ làm”.

Tuân Tử (313 – 238 TCN) là một nhà  tư tưởng Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc, tên tục của ông là Tuân Khanh. Quan điểm trị quốc của Tuân Tử khác Khổng Tử, Tuân Tử dùng “lễ” để trị quốc, Khổng Tử dùng “nhân” để trị quốc. 

Vì “lễ” cũng giống như “luật” ngày nay nên tư tưởng trị quốc của Tuân Tử và các học trò sau này (Hàn Phi, Lý Tư,…)  đều hướng tới một quốc gia pháp trị.

Câu nói của Tuân Tử: “Người khen đúng chỉ là bạn ta, người chê đúng mới là thầy ta, còn những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy” được xem là nét đặc trưng cho triết lý Tuân Tử.

Giữa “kẻ thù của ta”, “bạn ta” và “thầy ta” mỗi cá nhân, tập thể có thể có cách nhìn nhận khác nhau, song trên bình diện quốc gia, dân tộc, lực lượng lãnh đạo đất nước không thể có tiêu chuẩn kép trong nhìn nhận, đánh giá giữa bạn – thù và thầy.

Với một vài lời “chê” không có gì là quá nặng nề: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”… mà có tới 16 cơ quan đoàn thể, chính quyền tỉnh này bỏ công sức nghiên cứu, họp hành để ra được cái quyết định xử phạt ba cán bộ tỉnh này, quả thật đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Dù An Giang đã rút quyết định xử phạt, song nhiều câu hỏi vẫn phải đặt ra sau câu chuyện này.

Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm! ảnh 1
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 11, Đảng đã đề cập đến “bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” tham nhũng, thoái hóa, biến chất (Ảnh: vneconomy.vn)

Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn ý kiến Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng “phạt công dân vì “chê” chủ tịch tỉnh trên Facebook là vi hiến”. 

Thực tế vài năm qua cho thấy hành vi xử phạt “vì “chê” chủ tịch tỉnh” đã từng xảy không chỉ một lần, mức phạt cũng không dừng ở mức 5 triệu. Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Việc xử lý quá nặng cũng là vi phạm pháp luật, cũng là vi hiến vì cản trở quyền được nói của công dân”. [1]

Khi một hành vi được xác định là “vi hiến”, là “vi phạm pháp luật”, là “cản trở quyền được nói của công dân” thì không thể không xử lý hình sự. Vấn đề là liệu có xảy ra tình trạng “bên trọng, bên khinh”, dân thì xử lý còn người có chức có quyền thì “rút kinh nghiệm”, cùng lắm xin lỗi là xong?

Nếu quả những lời nhận xét của công dân với cán bộ là nặng nề cần phải xử phạt vi phạm hành chính thì sao không thấy các cơ quan, đoàn thể TP.Hồ Chí Minh vào cuộc khi một Đại biểu Quốc hội là công dân thành phố này nhận xét trên Facebook một Đại biểu Quốc hội khác là “tứ đại ngu”, thậm chí còn xúc phạm, bôi nhọ một vị Đại biểu Quốc hội khác từng là thầy dạy mình cũng ở thành phố này? 

Những câu nói đã được hàng trăm bài báo mổ xẻ như “dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số”; “không cần hỏi dân, vì dân có biết đâu mà lấy (ý kiến)” rõ ràng là xúc phạm dân, vi phạm các quy định của pháp luật nhưng cũng chẳng thấy ban ngành nào vào cuộc xem xét kỷ luật người phát ra những câu nói đó?

Người Việt, đặc biệt là người lãnh đạo, khi phát biểu ý kiến trước một sự kiện nào đó điều đầu tiên là ca ngợi thành tích, điều cuối cùng là cảm ơn gia chủ, chỉ có khúc giữa là đề cập đến hạn chế, yếu kém của chủ nhà một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm! ảnh 2

Chúng ta đang nói về … chúng ta

(GDVN) - Chừng nào “chúng ta” chỉ hùng biện về “chúng ta” thì những vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc sẽ vẫn chỉ là những “dự án” chờ phê duyệt kinh phí.

Thích nói rườm rà, thích nghe lời khen đã trở thành điều mà không ít người gọi là “phong cách công chức Việt”.

Sau lưng, người ta chê mình như thế nào không quan trọng miễn là trước hội nghị, nơi đông người được khen là yên tâm, được ca ngợi là vui vẻ?

Không muốn đón nhận lời “chê” cũng có nghĩa là không muốn có ai đó làm “thầy” mình, không dám “chê” cũng có nghĩa là không dám làm “thầy” người khác. Hậu quả là đất nước không có “thầy”, chỉ còn lại “thợ”. 

Trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo Vương nói: “Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Ði thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa.

Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?”.

Lời văn của Hưng Đạo Vương chính là lời của người thầy, của người đứng đầu, cả về nhân phẩm lẫn tài trí đều hơn người khác, đều khiến người khác thán phục mà tuân lệnh. 

Ngày nay, bao nhiêu người có đủ trí tuệ, nhân cách và dũng khí để nhận mình làm “thầy” mà không sợ bị người khác cho là “kênh kiệu”?

GS.TS Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trong bài  “Xây dựng Đảng về đạo đức” đăng trên tạp chí Cộng Sản ngày 20/11/2015 viết: “Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ tác động nguy hại tới chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng và cũng dẫn đến suy đồi đạo đức trong xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm về điều đó”. 

Ông cũng cho rằng “muốn cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, Đảng phải nỗ lực vượt bậc để phát triển tiềm lực trí tuệ, tư tưởng của mình”. [2]

Có thể thấy bài viết đã động chạm đến hai vấn đề mang tính sống còn của Đảng là “Đạo đức” và “Trí tuệ”. Ý kiến của GS Bảo dù rất đúng song vẫn ngập ngừng khi sử dụng cụm từ mang tính giả thuyết “Một khi”. “Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém”  thì  mới “dẫn đến suy đồi đạo đức trong xã hội”. 

Thực ra ngay trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 11, Đảng đã đề cập đến “bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” tham nhũng, thoái hóa, biến chất… Vấn đề không còn là “một khi” mà là một thực tế đã được Trung ương kết luận rõ ràng.

Từ thực trạng văn hóa xã hội, rất nhiều chính trị gia, học giả và truyền thông đều cho rằng xã hội Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng “văn hóa suy thoái, đạo đức xuống cấp” (vtc.vn 15/10/2015);  “Đạo đức suy đồi nên cần có biện pháp cấp bách” (Tuoitre.vn 29/10/2013); “Đạo đức lớp trẻ đang suy thoái - vì sao?” (Laodong.com.vn 5/7/2012); “Suy đồi đạo đức” (Nld.com.vn 14/09/2015)… Vậy có thể thay đổi thứ tự các mệnh đề trong phát biểu của GS Hoàng Chí Bảo?  

Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm! ảnh 3

Thế nào là “khôn”, thế nào là “mống”, thế nào là “hiu hiu”?

(GDVN) - “Khôn” hay “mống” cũng không tránh khỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chỉ có người “biết”, người “khôn ngoan” mới có được thiên hạ, là "sống" sau khi đã chết.

Hai vấn đề mà GS. Hoàng Chí Bảo nêu lên: “đạo đức trong Đảng” và “trí tuệ, tư tưởng” của cán bộ, đảng viên là những vấn đề mang tính sống còn. 

Về vấn đề “đạo đức”, Bác Hồ đã nói nhiều, các vị lãnh đạo cũng nói nhiều, nên không đề cập ở đây, xin bàn thêm về “Phát triển tiềm lực trí tuệ”  đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Dân bình luận nhiều Bộ trưởng trả lời như học sinh tiểu học" là ý kiến được báo Infonet.vn đăng tải ngày 19/11/2015, khi bình luận về trả lời chất vấn của các Bộ trưởng tại Quốc hội.

Nếu “tiềm lực trí tuệ” của “nhiều bộ trưởng” mới ở mức như “học sinh tiểu học" thì cán bộ cấp thấp hơn như phường, xã có lẽ phải ở mức dưới “tiểu học”, mức “xóa nạn mù chữ”. 

Dùng chữ “có lẽ” là do thói quen thận trọng khi viết, còn thực tế thì “có lẽ” phải bỏ chữ “có lẽ” này đi. Người viết được một ông chủ quán game cho xem thông báo của Ủy ban nhân dân xã sở tại, sau mục “Về việc”… là dòng chữ: 

Kính gửi: Hộ gia đình Ông (Bà) In tơ nét Hùng” (chữ “In tơ nét Hùng” viết tay). Chắc chắn đi tìm khắp nước Việt sẽ không có ông Hùng nào họ “In” với tên đệm là “tơ nét”. Thế nhưng văn bản vẫn được ký và đóng dấu đỏ nghiêm chỉnh, xin nói thêm đây là một địa phương thuộc Thủ đô, chỉ cách Tháp Rùa – Hồ Gươm chưa đến 10 km đường chim bay.

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ cơ sở, cụ thể là cấp phường, xã. Bao nhiêu Bí thư, Chủ tịch trong số 12.000 phường xã cả nước tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy hay chủ yếu là bằng hình thức tại chức? 

Do hạn chế về năng lực nên quá trình “nhất thể hóa” hai chức danh này sau nhiều năm vẫn không tiến triển hay còn một lý do khác là để giải quyết “chế độ” cho khoảng 24.000 cán bộ cơ sở này?  

Không “nhất thể hóa” là để sau hai nhiệm kỳ, Bí thư sẽ chuyển sang làm Chủ tịch, còn Chủ tịch sẽ làm Bí thư, thế là được 20 năm công tác, có đủ tiêu chuẩn để hưởng lương hưu?

Nếu việc ông Phó Giám đốc sở thuộc TP Đà Nẵng trả lời rằng, mình không quan tâm đến giàn khoan “Hải dương hải diếc” của Trung Quốc ngoài khơi Đà Nẵng mới chỉ là chuyện một cá nhân, vụ 16 đơn vị ban ngành, đoàn thể An Giang vào cuộc với mục đích duy nhất là tìm cách xử phạt công dân không còn là chuyện của một người mà là của hệ thống chính trị cấp tỉnh.

Câu chuyện từng ấy đơn vị chỉ cắm cúi tìm cách phê bình, kỷ luật, xử phạt mà không ai nêu vấn đề liệu việc đó có vi hiến không, phạt thế có nặng quá không cho thấy bên cạnh cái tâm của người lãnh đạo còn có vấn đề về hiểu biết pháp luật, nếu nói như GS. Hoàng Chí Bảo thì đây chính là “tiềm lực trí tuệ” của cán bộ tỉnh An Giang.

Góp ý cho cán bộ, chỉ rõ cái sai, cái đúng của cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu chính là vì dân vẫn vẫn còn muốn những lãnh đạo này phát huy ưu điểm, nhận rõ khuyết điểm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Khi không còn tiếng nói phản biện nào nữa mới là điều đáng lo ngại.

Vấn đề tồn tại không chỉ ở cấp xã, huyện, tỉnh mà còn có thể thấy qua trả lời chất vấn tại Quốc hội, qua chỉ đạo điều hành của người đứng đầu một số bộ, ngành.

Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm! ảnh 4

Lời khuyên của ông Vũ Quốc Hùng dành cho các tân lãnh đạo cấp tỉnh trẻ tuổi

(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng: “Chúng ta có thể chết đi, nhưng lịch sử không bao giờ chết. Lịch sử sẽ xem xét một cách công bằng tất cả những ai thật sự vì nước, vì dân”.

Rõ ràng là bên cạnh đạo đức, cần rà soát một cách toàn diện năng lực thực sự của cán bộ, nói là năng lực thực sự bởi vì dư luận xã hội vốn không cho rằng bằng cấp trong hồ sơ phản ánh trung thực trình độ, kiến thức của người sở hữu chúng.

Trong nhận định của GS. Hoàng Chí Bảo: “Không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi cơ sở xã hội (nhân dân) suy yếu, mất lòng dân, khi suy đồi về đạo đức, lối sống diễn ra trong đảng, nhất là ở những cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo” có một điều cần làm rõ, nguyên nhân nào dẫn tới hình thành một “cơ sở xã hội (nhân dân) suy yếu”? Đất nước có phải đang có một “cơ sở xã hội” như vậy hay đây mới chỉ là báo động về một nguy cơ?

Bảo vệ cán bộ không có nghĩa là biến họ thành viên thuốc bọc đường nhìn đẹp nhưng không có tác dụng chữa bệnh.

Một cán bộ vào lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” như ông Nguyễn Thành Rum ký một lúc 21 quyết định tuyển dụng công chức mà hình thức xử lý là “phê bình rút kinh nghiệm” thì thật kỳ lạ bởi ông đã nghỉ hưu, đã không còn quyền để “ký” nữa thì ông còn phải “rút kinh nghiệm” để làm gì?

Giữa hai đối tượng, một đạo đức tốt nhưng năng lực yếu kém, một đạo đức chỉ ở mức bình thường, thậm chí có đôi chút khuyết điểm nhưng năng lực nổi trội, đặt họ vào vị trí lãnh đạo như nhau, chắc chắn hiệu quả công việc của người thứ hai sẽ hơn người thứ nhất. 

Vấn đề là kiểm soát quyền lực để tránh cho người được ủy quyền có điều kiện tham nhũng chứ không phải là chọn người không tham nhũng để tất cả cùng… nghèo như nhau.

Sự suy đồi đạo đức dễ nhận thấy, sự suy đồi về “tiềm lực trí tuệ” khó nhận diện bởi đến cấp bậc nào đó luôn có đội ngũ trợ lý, văn thư hùng hậu bên cạnh. Chỉ khi phát biểu trực tiếp như trả lời chất vấn tại nghị trường hay hay trả lời phỏng vấn mới bộc lộ khả năng thực sự. 

Quan điểm “nhìn việc cán bộ làm, đừng nghe cán bộ nói” đã đến lúc phải thay đổi thành hãy khuyến khích “cán bộ nói” để từ đó đánh giá “khả năng cán bộ làm”. 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vov.vn/tin-24h/bo-tttt-phat-cong-dan-vi-che-chu-tich-tinh-tren-facebook-la-vi-hien-453280.vov

[2] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/36250/Xay-dung-Dang-ve-dao-duc.aspx

Xuân Dương