Trường VNEN ngỡ ngàng được nhận “quà” từ cấp trên

05/12/2015 10:17
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - "Đùng một cái, trưa nay có người gọi điện thoại là trường em có quà và 15 phút sau, em ngạc nhiên, xe ô tô đến trường trao quà tận tay".

LTS: Sau các bài viết về việc thí điểm mô hình trường học mới tại tỉnh Hà Tĩnh, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi cho các cấp quản lí, liệu mô hình có thực là tốt ở nước ta như lời giới thiệu của Dự án? Khi mà liên tiếp xuất hiện những bất cập trong quản lí, giảng dạy, triển khai mô hình này ở cấp cơ sở.

Bài viết hôm nay về chương trình VNEN một lần nữa gây nên những bất ngờ mà ngay cả người trong cuộc cũng không nghĩ ra.

Cụ thể, ngày 03, 04/12/ 2015 một số trường Tiểu học taị huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) bỗng dưng, bất ngờ được cấp thiết bị dạy học. 

Hiển nhiên là mỗi trường chỉ được cấp hỗ trợ 1 vài thiết bị, như máy phô tô (trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn, trường tiểu học Hương Trà, Hương Khê, trường tiểu học Thạch Tân, Thạch Hà); máy chiếu (trường Võ Liêm Sơn, Can Lộc); máy in (trường tiểu học Gia Phố, Hương Khê, trường  tiểu học Đức Thanh, Đức Thọ); ti vi, đầu đĩa (trường tiểu học Trường Sơn, Đức Thọ)…

Đây là những đơn vị nằm trong danh sách 11 trường tiểu học Hà Tĩnh nhân rộng mô hình trường học mới VNEN từ năm học 2013-2014.

Ngạc nhiên thứ nhất là đã 3 năm thực hiện mô hình trường học mới, nhưng bây giờ thiết bị mới “bò” về trường?

Điều ngạc nhiên thứ hai là trong “Biên bản bàn giao, nghiệm thu thiết bị” gồm 2 bên: Bên A: Dự án GPE-VNEN trường học mới Việt Nam, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học là Giám đốc; còn bên B là đơn vị trường sở tại.

Xe chở thiết bị giáo dục ngày 04/12/2015 mang biển số 30P-5350 Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hoàng Long. Ảnh Lê Văn Vỵ.
Xe chở thiết bị giáo dục ngày 04/12/2015 mang biển số 30P-5350 Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hoàng Long. Ảnh Lê Văn Vỵ.

Theo đó “bên A cung cấp cho bên B theo hợp đồng số VNEN /3.1/1CB 12/02/02 cung cấp, vận chuyển, lắp đặt cho các trường VNEN ký ngày 12/12/2013 giữa Ban quản lí Dự án GPE- VNEN và liên doanh các nhà thầu Công ty cổ phần Điện ảnh Truyền hình;

Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục Hải Hà và Công ty Cổ phần siêu thanh Hà Nội, và ý kiến đồng ý của lãnh đạo Bộ về việc phân phối thiết bị mua thêm 15% bổ sung thuộc gói thầu VNEN /3.1/1.CB 12/02/02”.

“Chúng em là bên B nhưng có biết gì đâu. Đùng một cái, trưa nay có người gọi điện thoại là trường em có quà và 15 phút sau, em ngạc nhiên, xe ô tô đến trường trao quà tận tay. 

Em phải ký vào 2 văn bản: Biên bản biên nhận vào ngày 04/12/2015 (Công ty TNHH thiết bị An Bình vận chuyển thiết bị cho các trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Điện Biên, Nam Định, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh) và Biên bản bàn giao thiết bị” thầy Nguyễn Lê  Hoàng cho biết.

Trường Tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn được cấp Máy phô tô hiệu KYOCERA. Ảnh Lê Văn Vỵ
Trường Tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn được cấp Máy phô tô hiệu KYOCERA. Ảnh Lê Văn Vỵ

Theo như văn bản thì ký ngày 12/12/2013, thiết bị đến hôm nay quá chậm. Theo nguồn tin từ Website: http://tieuhoc.moet.gov.vn, Dự án GPE- VNEN sẽ kết thúc vào năm 2016, cho đến nay đã giải ngân 70 triệu USD, còn 84 gói thầu còn lại trị giá 5,6 triệu USD. 

“Chậm quá, nhưng có còn hơn không”. Một thầy giáo ở Hương Khê cho biết. Mặc dầu chỉ nhận được thiết bị là một máy in, nhưng giáo viên trường Tiểu học Đức Thanh, Đức Thọ khấp khởi mừng vô hạn vì được quan tâm.

Ngạc nhiên thứ 3 là trong biên bản bàn giao có mục bảo hành, thiết bị được bảo hành cho đến khi kết thúc dự án. “Thời gian bàn giao thiết bị vào ngày 03, 04/12/2015, như vậy chẳng còn thời gian bao lâu nữa sẽ kết thúc Dự án, nên nếu thiết bị không tốt thì có cũng như không” một giáo viên (đề nghị giấu tên) trao đổi.

Ngạc nhiên nữa: Thiết bị được trao gấp rút, trao thẳng đến trường, các Phòng GD&ĐT không biết, ngay cả trường sở tại cũng bất ngờ.

Khi được hỏi nguồn gốc thiết bị, thì không được lý giải minh bạch. 

Văn bản bàn giao và Biên bản nghiệm thu thiết bị. Ảnh Lê Văn Vỵ
Văn bản bàn giao và Biên bản nghiệm thu thiết bị. Ảnh Lê Văn Vỵ

Chúng tôi ghi âm được lời của một vị trong nhóm trao thiết bị vào ngày 04/12/ 2015 : “Đây là quà trao cho những trường làm tốt VNEN”.

Ô hay, “từ quà, khiến chúng tôi thấy đại loại như quà tài trợ cho nhân dân bị bão lũ” thầy Hà nói.

“Còn bảo là thưởng do làm tốt VNEN, thì phải qua Tổng kết, qua ban thi đua khen thưởng trao giữa ba quân thiên hạ, có quyết định đàng hoàng chứ!” thầy Hà bức xúc.

Nhưng căn cứ vào văn bản “bàn giao, nghiệm thu thiết bị” thì đây là “thiết bị mua thêm 15% bổ sung thuộc gói thầu VNEN /3.1/1.CB 12/02/02”. 

Theo điều tra của phóng viên, hầu hết các trường tiểu học nhân rộng mô hình trường học mới VNEN ở Hà Tĩnh đều thiếu máy phô tô để làm phiếu học tập cho học sinh và các tư liệu học tập khác. 

Vì không có máy phô tô mà tại trường tiểu học Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, cô giáo Nguyễn Thị Thân, mỗi tháng phải bỏ tiền lương của mình hơn 400 ngàn để làm Phiếu học tập cho học sinh và nhiều thầy cô giáo khác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phải vất vả ra thị trấn phô tô tư liệu. 

Vì vậy, đề nghị Ban quản lí Dự án VNEN trước khi cấp thiết bị cần tham khảo ý kiến  từ cơ sở thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Lê Văn Vỵ