Tiếp tục trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ: Với tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, ngay từ những ngày đầu Quốc hội được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nhân tài, tạo cảm hứng cho các Đại biểu Quốc hội và coi trọng vai trò của báo chí trong hoạt động của Quốc hội.
Hội tụ nhân tài để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Cuộc Tổng tuyển cử đã hội tụ toàn dân để bầu ra các đại biểu của cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Họ là những đại diện cho tất cả những người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau. Bên cạnh những nhà cách mạng lão thành đã từng bôn ba nơi hải ngoại, thử thách trong nhiều nhà tù đế quốc là những nhân sĩ, những nhà hoạt động văn hóa, doanh nhân – những nhân tài của đất nước. Có thể nêu một vài ví dụ.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà là người rất nổi tiếng. Năm 1939, ông vào miền Nam và tới thăm cụ Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Lần gặp gỡ nhà yêu nước ở Huế đã tác động sâu sắc đến ông.
Sau đó, ông có những việc làm tích cực như quyết định ra tranh cử hội đồng thành phố Hải phòng, tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá quốc ngữ.
Ông từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói; đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. Trong "Tuần lễ vàng”, ông và gia đình đã hiến toàn bộ nữ trang khoảng 10,5 kg cho cách mạng.
Sau khi người con trai cả tên Nguyễn Sơn Lâm - Đội trưởng Tự vệ Hải Phòng hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Đông Khê (Hải Phòng), Nguyễn Sơn Hà đã quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của,... đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ kháng chiến.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Từ đây, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng thông qua những sáng kiến của mình như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, chế tạo lương khô, thuốc ho.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa II, III, IV, V.
- Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô là người đóng góp rất nhiều cho cách mạng. Trước tình thế quá khó khăn của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và “Tuần lễ vàng” nhằm thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ.
"Tuần lễ vàng" được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương. Không những thế, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng. Ông được động viên ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, được tổ chức vào ngày 2 tháng 3 năm 1946. Tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc).
Việc này thể hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là cách xử lý khôn ngoan của Bác Hồ.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu ra Ban Thường vụ Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, hai Phó Trưởng ban là ông Phạm văn Đồng và ông Cung Đình Qùy.
Việc cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường vụ Quốc hội thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc trọng dụng các nhà trí thức tài ba.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng người tài để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. ảnh tư liệu. |
Đánh giá về Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I được tiến hành vào ngày 28/10/1946 có 291 đại biểu tham gia (khi đó Quốc hội mở rộng 444 đại biểu) bao gồm: không đảng phái 90 ghế (do ông Hoàng Minh Châu lãnh đạo), Đảng Dân chủ Việt Nam có 45 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương 15 ghế, Việt Minh 80 ghế, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội 17 ghế, Việt Nam Quốc dân Đảng 20 ghế.
Như vậy, số đại biểu đối lập tại phiên họp này còn 37 trên 70 ghế, số đại biểu ủng hộ Chính phủ là 240. Phiên họp này biểu quyết thông qua Hiến pháp.
Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Lào... tuy xa Tổ quốc nhưng cũng tổ chức mít tinh, hội họp, gửi thư, điện… hướng về quê hương theo dõi, hoan nghênh Tổng tuyển cử và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, hứa kiên quyết phụng sự Tổ quốc.
Những bài học về đại đoàn kết toàn dân trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được các thế hệ người Việt Nam liên tục phát huy.
Một trong những nguyên nhân sâu xa của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước là đoàn kết toàn dân Việt trong và ngoài nước, đoàn kết bạn bè quốc tế.
Trong hoàn cảnh mới, đất nước được thống nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết để đoàn kết toàn dân. Hiện nay có trên 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài mà hoàn cảnh ra đi của bà con có nhiều uẩn khúc trong lòng.
Tuy vậy, bà con vẫn một lòng một dạ hướng về đất nước với tấm lòng thương yêu của những người con xa xứ dù có những muộn phiền do quá khứ để lại. Rồi còn có hàng triệu người đang sống trong nước, một thời ở phía bên kia, vẫn còn mang theo những tâm trạng sâu kín.
Là người công tác lâu năm ở Quốc hội, tôi luôn ghi nhớ lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa hợp dân tộc: Khi nước nhà thống nhất, chúng ta sẽ khoan dung, đại xá, cho tất cả những người ở phía bên kia.
Nhớ lời căn dặn ấy, tôi thực sự cảm động và viết bài thơ "Mở rộng vòng tay":
Lời Bác thiêng liêng mãi khắc ghi/ Dặn dò con cháu… lúc ra đi/ Cuộc đời gian khó từng bươn chải/ Thấu hiểu nhân tình khúc tráng bi/ Khoan dung, đại xá, người lầm lỡ/ Chuyện buồn quá khứ nhớ làm chi/ Vòng tay rộng mở, tâm cao thượng/ Dân tộc kết đoàn sáng sử thi.
Truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho các ứng cử viên
Có rất nhiều ứng cử viên hào hứng tranh cử trong ngày Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho nhiều người ứng cử và tranh cử quyết liệt để chọn nhân tài cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền |
Hà Nội có 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 đại biểu. Các địa phương khác cũng có nhiều người tự ứng cử. Những cuộc tiếp xúc rộng rãi diễn ra hết sức sôi nổi ở mọi nơi trong khung cảnh thực sự tự do và dân chủ giữa các cử tri và người ra ứng cử.
Tranh cử là phổ biến vì chỉ tranh cử mới có thể chọn lựa người tài đức, có khi là nhóm hai, ba ứng cử viên tổ chức riêng một cuộc tiếp xúc để trình bày chương trình hành động của mình, thậm chí có nơi chỉ một ứng cử viên cũng tự lực bố trí nơi họp đủ chỗ để tiếp xúc cử tri.
Lúc đầu, nhiều người rất ngại tham gia ứng cử. Nhưng được sự khích lệ của Bác Hồ và trong bầu không khí dân chủ mới, nhiều vị đã mạnh dạn ra tranh cử.
Những người ra ứng cử thuộc đủ mọi tầng lớp và thành phần giai cấp, như: Các nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô; những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát; những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao Đài Cao Triều Phát; có cả những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn...
Trong các nhân vật nêu trên, ngài Cao Triều Phát là người chúng ta ít biết. Ông là một tín đồ cao cấp của Cao Minh Chơn Đạo, Hội trưởng Cao Đài Cứu Quốc 12 phái hiệp nhất, Chưởng quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Cao Đài Duy Nhứt.
Năm 1920, ông lại trở sang Pháp, theo học ngành Canh nông, đồng thời tham gia sinh hoạt chính trị trong nhiều tổ chức xã hội Pháp. Ông cũng có nhiều tiếp xúc các thủ lãnh công đoàn, các chính khách cánh tả Pháp, tham gia diễn thuyết để dân Pháp biết đúng về tình hình Việt Nam. Cũng như cha mình, ông có nhiều liên hệ với các chí sĩ Việt Nam tại Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Văn Tường, Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 12/11/1926, ông quy tụ một số đồng chí, thành lập Đông Dương Lao động Đảng tại Sài Gòn, làm chánh đảng trưởng và cho xuất bản 2 báo là L’Ère Nouvelle (Kỷ nguyên mới) và Nhựt Tân Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng.
Do lập trường chống thực dân rất rõ nên vào giữa năm 1929, chính quyền Nam Kỳ ra lệnh đóng cửa 2 báo trên, giải tán Đông Dương Lao động Đảng. Bản thân ông bị trục xuất khỏi Sài Gòn và buộc quản thúc tại gia (Bạc Liêu) một thời gian vì tội "phá rối chính trị an".
Năm 1930, ông được bầu vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và nhiều lần đấu tranh đòi quyền lợi cho người bản xứ. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau ông rút khỏi Hội đồng vì nhận ra đấu tranh ở nghị trường không mang lại kết quả.
Ngày toàn quốc kháng chiến, 19 tháng 12 năm 1946, ông tham gia kháng chiến trong cương vị một chức sắc chi phái Minh Chơn Đạo, đứng ra thành lập Thanh niên đạo đức đoàn, quy tụ các thanh niên theo đạo Cao Đài chi phái Minh Chơn Đạo làm công tác xã hội, văn hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1947, ông được bầu làm Hội trưởng Cao Đài Cứu quốc mười một phái hiệp nhất. Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Thời gian ở miền Bắc ông giữ chức Chưởng quản Cửu Trùng Đài (tương đương Giáo tông) của Hội Thánh Cao Đài Duy Nhứt.
Ông từng là đại biểu Quốc hội, cố vấn Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy viên Thường trực Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đánh giá:
Tôi tham gia cách mạng nếu có mất mát thì cũng chẳng mất mát thứ gì, còn những người như cụ Cao Triều Phát thì mất mát lớn lao. Họ đã đánh đổi cuộc sống giàu sang để vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Quan tâm các Đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất và trẻ tuổi nhất
Đại biểu Quốc hội khóa I cao tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ. Cụ là nhân sĩ Thiên Chúa giáo, là nhà tư sản dân tộc, ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Và được cử làm Chủ tịch kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đồng thời được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội.
Cụ Ngô Tử Hạ đã từng là Giám đốc tạp chí Đông Thanh, Hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội, làm chủ nhiều nhà in. Nhà in của cụ đã từng in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thường được gọi là "đồng bạc cụ Hồ"; và cũng đã ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Trong thời gian đầu xây dựng chính quyền, cụ Ngô Tử Hạ là cố vấn tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông chọn ngày làm lễ Tuyên ngôn Độc lập vào ngày nào thì ông đề nghị chọn ngày 2 tháng 9 vì đó là ngày chủ nhật.
Cụ Ngô Tử Hạ từng là cầu nối giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cựu hoàng Bảo Đại. Trong thời gian mở nhà in tại Huế, ông quen thân, giao hảo với một số quan lại triều đình và kết giao với hoàng đế Bảo Đại. Chính vì thế, khi chuẩn bị cho Bảo Đại thoái vị, Bác Hồ đã chọn ông làm nhà thương thuyết, kết quả là Bảo Đại đồng ý thoái vị.
Một hình ảnh không thể nào quên là cụ Ngô Tử Hạ - một đại biểu Quốc hội kéo chiếc xe quyên góp và phân phối gạo trong Ngày cứu đói. Để tăng thêm khí thế quyên góp còn có đội nhi đồng đánh trống, phất cờ, hô khẩu hiệu để vận động đồng bào cứu đói.
Cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe qua các con phố, nhà nào cũng có người chờ sẵn trước nhà, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng bờ hồ thì xe gạo đã đầy.
Về đến Nhà hát Lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác Hồ xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô, lại có nhà thêm mấy ống đỗ. Bác Hồ nói: Đấy mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất...
Một hình ảnh còn mãi đậm sâu trong lòng dân Việt nữa, đó là cụ Ngô Tử Hạ cùng với Hồ Chủ tịch làm lễ cầu siêu cho hơn hai triệu người chết đói tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, thật cảm động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tiềm năng của lớp trẻ. Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của những người trẻ tuổi. Những người tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng từ Trung ương đến các địa phương, từ Bắc chí Nam đều là những người trẻ từ 20 đến 30 tuổi. Tham gia điều khiển phiên họp và đọc các văn bản trước Quốc hội là cụ Ngô Tử Hạ cùng hai đại biểu Quốc hội ít tuổi nhất đó là ông Đào Thiện Thi và ông Nguyễn Đình Thi.
Sở dĩ Nguyễn Đình Thi trẻ tuổi nhưng đạt được sự tín nhiệm cao vì có những cống hiến to lớn cho cách mạng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và nổi bật là sáng tác những bài hát phục vụ kịp thời, động viên nhân dân vùng lên giành chính quyền, tiêu biểu là bài Diệt phát xít.
Nguyễn Đình Thi là một nhân vật tiêu biểu, là tấm gương sáng của lớp thanh niên thời kỳ Cách mạng Tháng Tám.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Việt Nam năm 1946. ảnh tư liệu. |
Coi trọng vai trò báo chí trong hoạt động của Quốc hội
Bác Hồ quyết định ra tờ nhật báo Quốc hội trong thời gian Tổng tuyển cử Quốc hội nhằm 3 mục đích:
Thứ nhất, định rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước.
Thứ hai, giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho công dân Việt Nam hiểu quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong khi chọn và cử người đại biểu vào Quốc hội.
Thứ ba, giúp các cơ quan vận động bầu cử giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình.
Báo ra được 15 số. Số đầu tiên ra ngày 17 tháng 12 năm 1945 và số cuối – số đặc biệt ra ngày 6 tháng 1 năm 1946.
Bác coi trọng việc vận động trực tiếp. Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, các cán bộ Việt Minh ở cấp cơ sở còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những kiến thức cơ bản về Quốc hội, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân.
Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo, sáng tạo. Có nơi cán bộ phải ở cùng với dân cả khi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ..., cả ngày cũng như đêm, giải thích đi, giải thích lại một cách cụ thể và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử ... của công dân.
Cụ Nguyễn Văn Tố (nguyên là Chủ sự Trường Viễn đông Bác cổ, lúc đó đang là Bộ trưởng Chính phủ lâm thời), trả lời phỏng vấn báo Cứu quốc về cảm tưởng của cụ trước cuộc Tổng tuyển cử, cụ cho biết: “Tôi vừa có dịp đi thăm nhiều vùng quê, tôi ngạc nhiên nhận thấy dân trí của dân ta đã nâng cao thêm một bậc, trước chưa dám mong được thế”, “... ai cũng luôn nhắc đến chữ Độc lập và hiểu cái quyền của mình lắm và chắc hẳn là biết dùng cái quyền của mình một cách sáng suốt”.
Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 6 tháng 1 năm 1946, đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích lời kêu gọi của Người: "Khuyên đồng bào nam, nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta".
Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo Cứu Quốc, Sự Thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập.
Dấu ấn trong bản Hiến phán đầu tiên
Là người sáng lập Nhà nước dân chủ mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là tư tưởng về “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; tư tưởng về “nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”; tư tưởng về “Chính phủ là công bộc của dân”.
Nhà nước của nhân dân thì “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I được tổ chức vào ngày 2 tháng 3 năm 1946. Quốc hội đã cử ra Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 thành viên.
Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I được tiến hành vào ngày 28 tháng 10 năm 1946 đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một bản hiến văn ngắn, bao gồm Lời nói đầu và 7 Chương, 70 Điều.
Vai trò và quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 rất lớn: Chủ tịch nước không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, không thể bị khởi tố trừ tội phản quốc, có thể từ chối công bố các đạo luật do Quốc hội ban hành và yêu cầu Quốc hội thảo luận lại. Đặc điểm này gần với quy định về quyền lực của tổng thống trong Hiến pháp nước Mỹ.
Hiến pháp năm 1946 công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo... Bản Hiến pháp sửa đổi năm 1992 có nhiều điểm tương tự Hiến pháp năm 1946.
Bản Hiến pháp năm 1946 có những nội dung cơ bản sau:
- Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. Quốc hội không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp năm 1946).
- Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm như một sự ban ơn.
- Quyền năng giữa các cơ quan Nhà nước được phân chia rõ ràng và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.
- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được phân chia rạch ròi.
- Vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp năm 2013 đã cố gắng thể hiện được phần nào và một trong những việc đang làm là xây dựng Luật trưng cầu dân ý để đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân.
Pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền của Người không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi trong các văn bản pháp luật mà còn thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Vì thế, pháp quyền Hồ Chí Minh là pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.
Qua bản Hiến pháp năm 1946, chúng ta thấy rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Học tập tư tưởng của Người, trong bản Hiến pháp năm 2013, chúng ta đã cố gắng thể hiện được phần nào và một trong những việc đang làm là xây dựng Luật trưng cầu dân ý để đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân.