Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép dưới dòng sông Hồng “như chỗ không người” tại địa phận huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đang gây bức xúc trong nhân dân.
Tại đây, hình thức hoạt động của cát tặc có hai loại đó là những con tàu lớn thì chạy lượn lờ quanh khu vực, khi tàu tìm được chỗ hút cát thì dừng lại, thả vòi "bạch tuộc" xuống lòng sông để thăm dò cát. Khi đó, hai người đàn ông ngồi hai bên quay tời điều chỉnh mức để vòi rồng có thể hút cát thuận lợi.
Bất chấp “lệnh cấm” cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động, chính quyền bất lực?(GDVN) - Mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng dẹp bỏ "cát tặc" trên sông Hồng thuộc Hà Nội và Hưng Yên. Tuy nhiên chính quyền sở tại dường như đang bỏ ngoài tai? |
Sau đó, vòi rồng hút cát cùng đất lên, máy nước sẽ xối mạnh cho đất vỡ ra rồi đẩy về lòng sông, còn cát vào boong của tàu. Sau khi hút đầy boong, các tàu khai thác cát trái phép tấp vào bờ rồi bơm lên xe tải chờ sẵn ở những bãi cát trái phép.
Cách thứ hai tuy thô sơ nhưng hiệu quả hơn đó là nhóm đối tượng dùng những chiếc thùng phi kết thành bè, cho máy móc lên trên và cắm ống hút trực tiếp xuống dòng sông. Sau đó, cát được hút trực tiếp lên những bãi trái phép ven đê…Và, cách này đang hiệu quả nhất ở đây. Bởi đã có sự bật đèn xanh từ xã đến huyện.
Theo thống kê của chính quyền địa phương thì dọc sông Hồng tại địa phận huyện Khoái Châu có 17 bãi trung chuyển tập kết vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của nhóm phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì số lượng này là hơn rất nhiều và những bãi này thực chất là đang khai thác cát trái trái phép "núp bóng" những từ “mỹ miều” như cải tạo lò gạch cũ, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng…
Công ty Sáu Hằng dùng các tàu bè để hút cát trực tiếp lên các hồ chờ sẵn chân đê. Ảnh: Phan Thiên |
Sau gần 3 tháng theo dõi và phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương này. Tuy nhiên, đến nay mọi hoạt động khai thác cát núp bóng bãi vật liệu xây dựng vẫn “hoành hành” trắng trợn.
Trong khi đó, ông Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu đã cho phóng viên biết UBND huyện sẽ vào cuộc và chỉ đạo nhanh chóng dẹp bỏ vấn đề này.
Chính quyền huyện Khoái Châu đã “buông xuôi” trước nạn cát tặc(GDVN) - Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, địa phương để xảy ra "cát tặc" thì xử lý người đứng đầu. Và đây, là thực trạng ở Khoái Châu, Hưng Yên.. |
Thế nhưng, thực tế thì hoàn toàn khác. Ngày 30/12, nhóm phóng viên đã ghi lại toàn bộ cảnh khai thác “nhộn nhịp” như chảy hội tại bờ sông Hồng thuộc địa phận xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên).
Ai đứng trên phà Đông Ninh từ Hà Nội qua sông Hồng sang Hưng Yên thì cũng nghe tiếp máy nổ của các tàu hút cát cứ phình phịch, dồn dập đập vào tai, khói đen đặc kín cả một vùng…
Dọc 2 bên bờ sông thì những máy nhỏ cằm vòi trực tiếp hút cát lên những hố ven đê.
Mặc dù, Công ty TNHH Sáu Hằng (Công ty Sáu Hằng) chưa có đủ giấy phép thành lập bến bãi nhưng Công ty này đã đổ cát tràn lan, khoét sâu vào chân đê...Ngang nhiên vi phạm hành lang đê điều. Thế nhưng, dường như mọi vi phạm của đơn vị này đều được chính quyền nơi đây coi như không biết.
Bãi cát vàng của Công ty Sáu Hằng chỉ để tượng trưng, được tập kết cạnh chân đê. Ảnh: Phan Thiên |
Cát được hút lên những bái này sau đó sẽ được các xe tải vận chuyển đi trong đêm. Ảnh: Phan Thiên |
Đặc biệt, Công ty Sáu Hằng chỉ sử dụng bãi tập kết giả. Thực tế thì Công ty này dùng trực tiếp khoảng 4,5 tàu bè hút cát trái phép trực tiếp cát lên những hố chờ sẵn bên chân đê. Và, nguồn lợi từ nguồn cát này đang vô tận...
Theo anh Nguyễn Văn T. Người dân sống ngay sát chân đê Đông Ninh cho biết, Bọn chúng cứ hút trực tiếp lên các bãi cạt ven chân đê. Ban ngày là chúng hút cát lên để cho khô, ráo nước. Sau đó, đến 3 - 4 giờ đêm lúc ấy là giờ làm việc của những xe howo đi tiêu thụ cát. Từng đoàn xe chở cát tặc cứ nối đuôi nhau, ầm ầm đi trên đường dân sinh. Chú thấy đấy, vì vậy mà đường sá nát hết rồi”.
Trước đó, ngày 12/11 phóng viên đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo của UBND huyện Khoái Châu . Trong buổi làm việc Phóng viên đã cung cấp hình ảnh, video ghi lại hành vi khái thác cát trái phép “trắng trợn” của Công ty Sáu Hằng cho những vị lãnh đạo của huyện Khoái Châu xem xét. Tuy nhiên, những vị này cũng vòng vo và khó xử lý.
“Việc này không như Cảnh sát giao thông bắn tốc độ là có hình ảnh xử lý ngay còn vấn đề phóng viên nói (hình ảnh Công ty Sáu Hằng khai thác cát trái phép - pv) chưa có quy định rõ rằng, phải xem xét lại” ông Hoàng Văn Tựu - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND huyện Khoái Châu phân trần.
Vậy nhưng, không biết các vị lãnh đạo huyện Khoái Châu xem xét thế nào?
Một bãi cát vừa được hút đầy đang đợi khô sẽ được vận chuyển đi tiêu thu. Và, bãi cát này chỉ cách chân đê 3m. Ảnh: Phan Thiên |
Ngày 31/12 khi nhóm phóng viên xuống địa điểm này thì Công ty Sáu Hằng vẫn vô tư “hút cát”.
Ngay lập tập, phóng viên đã ghi lại hình ảnh này và gọi điện thoại cho Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu để báo cáo tình hình và đề nghị phối hợp. Tuy nhiên, phóng viên cũng chỉ nhận được câu trả lời là “đang họp và sẽ kiểm tra” từ ông Sơn.
Câu hỏi lúc này dư luận đang quan tâm là vì sao tình trạng khai thác cát tại đây chỉ bằng những ống hút trực tiếp lên các bãi cát ven đê mà lực lượng Công an địa phương không dẹp được? Lực lượng này đang làm gì?
Công ty Sáu Hằng có mỗi quan hệ với ai, như thế nào? mà huyện Khoái Châu vẫn chưa dám “trảm” hay một lý do tế nhị nào mà đến hiện tại Công ty Sáu Hằng vẫn "bình yên vô sự".
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc là thừa tại địa phương này?