Tăng phí BOT: Đã đồng thuận sao dân vẫn bức xúc?
Từ 1/1/2016, 23 trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư xây mới, nâng cấp theo hình thức đầu tư BOT (đầu tư xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) chính thức điều chỉnh tăng mức phí.
Mức tăng có thể lên kịch trần theo biểu khung mức phí được quy định tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.
Lý do tăng phí nhằm hoàn vốn cho các tuyến đường huy động đầu tư từ nguồn BOT.
Tuy nhiên, ngay những ngày đầu tiên áp dụng mức phí mới, các trạm thu phí BOT đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp vận tải.
Điển hình là trong sáng ngày 4/1/2016, tại Trạm thu phí Quán Hàu (trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một số doanh nghiệp vận tải đã đưa xe vào đậu, đỗ tại hai làn thu phí phía Nam của trạm để phản đối mức phí tăng quá cao gây ách tắc giao thông cục bộ.
Trước đó, bức xúc vì mức thu quá cao của trạm thu phí ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thị trấn, người dân Lương Sơn, Hòa Bình cũng vây kín Trạm thu phí Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình của Cty TNHH BOT QL6 không cho xe cộ qua lại.
Từ 1/1/2016, mức thu phí đường bộ BOT thực hiện điều chỉnh tăng phí theo biểu giá trên. |
Nhiều người cho rằng, việc vừa phải đóng phí sử dụng đường bộ lại vừa phải đóng phí khi đi qua các trạm thu phí BOT chẳng khác nào phí chồng phí. Không những thế, nhiều tuyến đường người dân đang sử dụng, cơ quan quản lý "gắn mác" BOT, cho nâng cấp, cải tạo lại rồi thu phí như đường mới là bất hợp lý.
Từng đăng đàn trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 28/6/2015, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông khẳng định: Trạm thu phí BOT đặt đúng luật, dựa trên sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương.
Và chính Bộ trưởng cũng có lần nhấn mạnh, làm đường BOT là phục vụ người dân.
Song mâu thuẫn ở đây là đã có sự thống nhất giữa các bộ ngành, chính quyền và dân thì tại sao người dân lại bức xúc?
Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông Đường BOT dân đang đi, chỉ trải nhựa mà thu phí như đường mới khác gì móc túi? |
Trong một cuộc trò chuyện với báo Giáo Dục Việt Nam về vấn đề này, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cũng đặt câu hỏi tương tự: Bộ trưởng Đinh La Thăng nói đã có sự đồng thuận của địa phương trong việc đặt trạm thu phí BOT thì phải làm rõ sự đồng thuận đó là của ai?
“Đồng thuận với ai, đồng thuận với người sử dụng phương tiện (người dân, doanh nghiệp – PV) hay đồng thuận với chính quyền. Nói đồng thuận với chính quyền là không có cơ sở, bởi việc tăng phí, đặt trạm thu phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, chính quyền không thể thay mặt để định đoạt quyền sở hữu của mọi người”, ông Trần Quốc Thuận nêu quan điểm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận thừa nhận, trong 5 năm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã làm rất nhiều việc có ích cho đất nước. Bằng sự quyết đoán, ông Thăng đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm về đích đúng tiến độ, nhận được ủng hộ của người dân.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ làm “Tư lệnh ngành giao thông”, ông Thăng đẩy mạnh kêu gọi nhiều nguồn đầu tư vào giao thông vận tải, trong đó có hình thức đầu tư BOT.
“Hình thức đầu tư BOT là giải pháp tốt trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, nguồn ngân sách eo hẹp, tôi ủng hộ phương án đó. Tuy nhiên, đầu tư BOT ở đâu, số vốn như thế nào, kế hoạch thu phí hoàn vốn ra sao thì cần phải tính toán khoa học, chi tiết, minh bạch”, ông Thuận nhấn mạnh.
Theo ông Thuận, hình thức đầu tư BOT chỉ nên kêu gọi khi thực hiện làm đường mới hoặc cải tạo con đường đã quá xuống cấp ảnh hưởng lớn giao thương, đi lại của người dân.
Tuy nhiên thực tế, không hiểu vì sao Bộ Giao thông vận tải kêu gọi đầu tư BOT để cải tạo ngay cả con đường vẫn đang được sử dụng khá tốt. Để rồi sau khi "chụp" lên con đường đó "mũ" BOT, các trạm thu phí mọc lên, người dân thêm gánh nặng.
Làm đường BOT, anh đã xin ý kiến dân chưa?
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, sau đầu tư BOT là phải thu phí để hoàn vốn. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống người dân do vậy phải công khai, minh bạch
“Điều có ý nghĩa quan trọng là phải tính toán phương án thực hiện các dự án BOT, quy trình xây dựng đường, thời gian thu phí bao nhiêu năm và việc thu phí, mức phí trên cơ sở khoa học nào… tất cả phải được công bố công khai, hỏi ý kiến nhân dân”, ông Thuận bày tỏ.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận - ảnh H.Lực. |
“Tất cả cái gì động chạm quyền chi tiêu của người dân phải hỏi người dân để người dân quyết định. Nhưng cách làm hiện nay của mình mang tính hình thức, nói có sự đồng thuận nhưng là đồng thuận với chính quyền, đưa ra hội đồng nhân dân nhưng hội đồng nhân dân hiện nay nghiêng về chính quyền. Vì vậy phải hỏi trực tiếp người dân, trưng cầu ý kiến người dân trực tiếp qua các kênh, trong đó có kênh truyền thông báo chí”, ông Thuận nhấn mạnh.
Nói đến các dự án đầu tư BOT hiện nay, ông Thuận cũng đặt câu hỏi: Hằng năm cơ quan quản lý đều thu phí bảo trì đường bộ thì tại sao với tuyến đường do nhà nước đầu tư trước đây không dùng tiền đó để tu sửa mà phải kêu gọi đầu tư BOT, sau đó thu phí ảnh hưởng đời sống người dân?
Mặt khác, việc đóng phí giống như mua hàng và trả tiền. Có nghĩa đi trên đường anh làm thì tôi trả tiền, nhưng đã mua bán phải có sự thỏa thuận, hài lòng của đôi bên. Trong khi thực tế việc cải tạo tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ hay Bắc Ninh – Bắc Giang bằng nguồn vốn BOT, sau đó thu phí với mức thu cao lại không có sự đồng thuận của “khách hàng”, chính là người dân.
“Bất hợp lý hiện nay là mức thu, cứ là dự án BOT rồi thì đâu đâu cũng thu như nhau theo kiểu cào bằng, đường nâng cấp cũng thu như đường mới, như thế là gian dối, không công khai với nhân dân”, ông Thuận nói.
Do đó, phải cần làm rõ nguồn đầu tư công khai, tính toán khoa học nguồn vốn bỏ ra, phương án thu, thời gian thu chứ không thể khai vống vốn dự án lên rồi thu thế nào cũng được.
“Thu tiền thế nào, không phải cứ chụp cho mũ BOT rồi tính phí tùy tiện, tính phí của mình hiện nay nặng tính hành chính, không dựa trên tính toán cụ thể. Cách tính lẩn quẩn như con gà quanh cối xay. Mỗi năm phải tính thu bao nhiêu, chi bao nhiêu đó là cách tính của gia đình không thể áp dụng cho quốc gia”, ông Thuận nêu bất cập.
“Thu hút nguồn vốn BOT là đúng đắn nhưng sau BOT, liên quan đến thu phí hoàn vốn, tác động đến đời sống người dân vì vậy phải được tính toán lại, không phải chỉ 2, 3 bộ trưởng ngồi lại bàn mà phải tầm cao hơn, trách nhiệm rộng hơn là Quốc hội, Chính phủ”, ông Thuận kết luận.