Phí tăng theo lộ trình
Với lý do ảnh hưởng đến quá trình hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, ngay từ 1/1/2016 được Bộ Tài chính "bật đèn xanh", hàng loạt trạm thu phí BOT đã thực hiện điều chỉnh tăng phí kịch trần.
Cụ thể, trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An) đã chính thức tăng giá vé. Theo đó, giá vé thấp nhất được điều chỉnh tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Giá vé cao nhất dành cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet được điều chỉnh tăng từ 160.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt.
Từ 1/1/2016, mức thu phí đường bộ BOT thực hiện điều chỉnh tăng phí theo biểu giá trên. |
Tương tự bắt đầu từ 1/1/2016, Trạm thu phí Quán Hàu trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cũng điều chỉnh mức thu tăng từ 15.000 đồng/lượt (mức thấp nhất) lên 35.000 đồng/lượt và tăng từ 180.000 đồng/lượt (mức cao nhất) lên 200.000 đồng/lượt.
Trạm thu phí mới tại xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) sau 1/1/2016 cũng điều chỉnh tăng vọt từ 15.000 đồng/lượt mức thấp nhất lên 35.000 đồng/lượt, mức tăng cao nhất tăng từ 180.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt.
Trước đó trên tuyến QL5 Hà Nội - Hải Phòng, mức phí đường bộ cũng đã tăng vọt kể từ ngày 1/12/2015, thấp nhất là 30.000 đồng/lượt và cao nhất là 160.000 đồng/lượt. Mức tăng này trên QL5 sẽ tiếp tục được điều chỉnh sau ngày 30/3/2016, khi đó mức phí thấp nhất là 45.000 đồng/lượt, cao nhất là 200.000 đồng/lượt.
Chính việc các trạm thu phí đồng loạt tăng gây bức xúc với doanh nghiệp vận tải.
Theo đó, sáng ngày 4/1/2016 tại Trạm thu phí Quán Hàu (trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một số doanh nghiệp đã đưa xe vào đậu, đỗ tại hai làn thu phí phía Nam của trạm để phản đối mức phí tăng quá cao gây ách tắc giao thông cục bộ.
Không bằng lòng với mức thu phí mới, hàng loạt tài xế xe tải đã dừng xe quây trạm thu phí gây ách tắc giao thông cục bộ (ảnh: Tr.Trung - Báo Lao Động). |
Trước đó người dân Lương Sơn, Hòa Bình đã vây kín Trạm thu phí Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình của Cty TNHH BOT QL6 không cho xe cộ qua lại.
Nguyên nhân do người dân địa phương bức xúc vì mức thu quá cao của trạm thu phí ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thị trấn.
Việc tăng phí cũng dẫn đến việc lái xe tìm đường tránh trạm thu phí. Báo Lao Động đưa tin, cách trạm thu phí tại xã Điện Thắng Bắc (Quảng Nam) 100m hướng đi Đà Nẵng – Quảng Nam có con đường nhỏ để xe ô tô nhỏ né trạm thu phí.
Việc các phương tiện ô tô vì né trạm thu phí đi vào tuyến đường liên thôn, liên xã gây khói bụi, hư hỏng mặt đường và gây tai nạn khiến người dân lo lắng, bức xúc.
"Cứ như bị móc túi"
Không chỉ người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí và doanh nghiệp vận tải mà dư luận xã hội cũng bày tỏ những bức xúc trên trang mạng xã hội, diễn đàn trước việc tăng phí đường tại các cung đường BOT.
Trên Otofun (diễn đàn ô tô hiện có 278.053 thành viên tham gia), bình luận dưới thông tin một số doanh nghiệp vận tải cho xe vây quanh Trạm thu phí Quán Hàu gây ách tắc giao thông, thành viên nickname anhtt10 viết: "Quan điểm của em, đường BOT triển khai làm mới từ đầu thì thu phí là đúng. Nhưng các đoạn có sẵn rồi nâng cấp thảm lại mặt đường rồi thu như cao tốc thì là ăn cướp".
Tương tự, thành viên nct3004 bình luận: Em hay đi ô tô về Thái Bình, đi mà cảm giác như bị móc túi, đoạn đầu Pháp Vân trải thảm lại mỗi lại mặt đường mà bị thu tới 45.000 đồng/lượt, quá vô lý.
Cũng trên diễn đàn Otofun, thành viên czechonline so sánh chỉ ra mức phí đường bộ Việt Nam quá cao: "Em ở CH Séc, một năm chỉ phải nộp bảo hiểm bắt buộc cho xe ô tô dưới 2.0 khoảng 2 triệu tiền VND và cũng là phí đường bộ luôn, đăng kiểm xe cũ 2 năm/lần, ngoài ra không một phí nào nữa.
Nếu sử dụng cao tốc thì tùy theo mình, vé tuần có, vé tháng có, vé năm có, mua cả năm chỉ 1 triệu đồng VND. Như vậy vị chi phí cho xe cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/năm.
Nếu như ở Việt Nam, 1 triệu đồng nhiều thì đi được khoảng 700 km xa lộ, nếu mà đi quanh năm sẽ gấp cả trăm lần con số 1 triệu đồng. Như vậy mới thấy mức phí lớn thế nào. Với mức thuế này... người dân chịu sao nổi”.
Cùng chung bức xúc trên, độc giả Thái Tuấn gửi email đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ: “Đường BOT mới xây dựng, thu phí không sao, đằng này đường cũ, làm bằng tiền thuế của dân, dân vẫn đang đi lại bình thường, nay chỉ trải lớp nhựa mới mà thu phí cao như đường mới, hóa bằng móc túi người dân. Doanh nghiệp có tiền thì làm hẳn đường mới rồi thu phí, để người dân lựa chọn: Ai có tiền đi đường mới, tốt còn không cứ chấp nhận đường cũ mà đi”.