Đây là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Vinh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khi trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan tới nội dung tờ trình Hoàn thiện Khung cơ cấu giáo dục quốc dân.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Dư luận cho rằng khung cơ cấu này chưa thoát ra được những gì mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang có.
Mục tiêu là phân luồng sau THCS
PV: Tờ trình Chính phủ về Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Để hoàn thiện đề án này, Bộ GD&ĐT đã căn cứ vào những lý luận thực tiễn nào?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Để có dự thảo cơ cấu hệ thống giáo duc quốc dân, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu từ nhiều năm nay.
Ví dụ, năm 2002 Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề tài: “Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đề xuất nguyên tắc, mục tiêu đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục và đào tạo có sự tham khảo tài liệu của UNESCO (ISCED 1997).
Năm 2007, Bộ GD&ĐT triển khai tiếp đề tài “Cơ sở khoa học của việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế” nghiên cứu lịch sử quá trình phát triển và thay đổi của hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt xác định rõ những hạn chế, bất cập của Giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2008 triển khai đề tài: “Đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam” đã nghiên cứu xu thế và kinh nghiệm của một số quốc gia về cơ cấu hệ thống và quản lý hệ thống giáo dục quốc dân.
Tóm lại, để có được dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã nghiên cứu thực tiễn cơ cấu hệ thống giáo dục của khá nhiều quốc gia trên thế giới, phân tích hệ thống giáo dục của ta (thiết kế và vận hành hệ thống).
Chỉ ra những hạn chế của hệ thống hiện tại đặt trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước để có đề xuất như dự thảo.
Đó là một quá trình nghiên cứu khá lâu, cẩn thận với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung |
Thực tế, sau khi tờ trình về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được công bố, nhiều ý kiến bày tỏ khung cơ cấu mới chưa thuyết phục được về việc định hướng phân luồng sau giáo dục cơ bản (sau THCS)– đây được xem là công việc quan trọng trong nhiều năm qua chúng ta chưa làm tới nơi, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Trở lại lịch sử vấn đề về phân luồng trước năm 1998 trước khi có Luật giáo dục ra đời, lúc đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp chúng ta có các trường dạy nghề, trường trung học nghề, trung học chuyên nghiệp với sức hút học sinh tốt nghiệp THCS khá tốt.
Phía bên sử dụng lao động khí đó tồn tại các bậc thợ từ bậc 2 đến bậc 7 tùy theo nghề và kỹ thuật viên tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi Luật giáo dục ra đời tên gọi trung học nghề biến mất, chỉ còn trường dạy nghề và trường trung học chuyên nghiệp (nhận cả học sinh tốt nghiệp THCS và THPT).
Đến Luật giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2005, và tiếp nối Luật dạy nghề 2007 thì xuất hiện thêm trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước, còn trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng do Bộ GD&ĐT quản lý về mặt nhà nước.
Như vậy, đã xuất hiện ở mỗi cấp trình độ (trung cấp hoặc cao đẳng) có hai loại trình độ đã gây ra sự thiếu thống nhất, thiếu chuẩn hóa về trình độ và gây khó khăn trong quản lý phát triển nhân lực cũng như hội nhập quốc tế.
Nếu nói khung cơ cấu mới chưa thuyết phục về việc định hướng phân luồng thì không phải như vậy. Cơ cấu hệ thống như dự thảo thể hiện tính mở, linh hoạt và mềm dẻo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Sau khi tốt nghiệp THCS người học có thể theo học các con đường khác nhau tùy thuộc vào sự quan tâm, năng lực, điều kiện gia đình và bản thân để có thể học ở các trường THPT với các định hướng chương trình khác nhau.
Có thể đi vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trung cấp, cao đẳng).
Các con đường học tập (learning pathways) như trên để tạo điều kiện định hướng phân luồng khá rõ ràng.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn ở các “con đường học tập” ấy và sự thành công của người học đi theo các con đường ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về văn hóa, mong muốn của gia đình và học sinh, điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn lực cho giáo dục, chất lượng và đầu ra ở thị trường lao động…
Được biết, tại Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu lên mục tiêu cụ thể là: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở”.
Vậy việc phân luồng được thực hiện như thế nào trong khung cơ cấu giáo dục quốc dân theo đánh giá chủ yếu là phân luồng ở cấp THPT. Vậy có đi lệch với tinh thần Nghị quyết 29 không?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Dự thảo đã thể hiện rất rõ mục tiêu phân luồng sau THCS tức là học sinh có được kiến thức phổ thông nền tảng để có thể đi theo các con đường học tập khác nhau như trên tôi đã trình bầy.
Bậc trung học phổ thông nói có ba luồng là nhầm lẫn lớn(GDVN) - Nhận định của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định về Khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ. |
Điều này cũng đã thể hiện rất rõ ở Luật Giáo dục nghề nghiệp và quán triệt sâu sắc tinh thầnh của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo Việt Nam.
Tính mở ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng được thể hiện như thế nào ở khung cơ cấu lần này. Vì Nghị quyết 29 có nói “phải xây dựng hệ thống giáo dục mở”, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người học có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời.
Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Hệ thống giáo dục mở thể hiện ở tính liên thông, chương trình linh hoạt, với hình thức giáo dục khác nhau, tạo điều kiện cho người học có nhiều điểm vào và điểm ra hệ thống giáo dục và thị trường lao động trong cuộc đời và có thể thích ứng nhanh chóng với những thay đổi bên trong và bên ngoài hệ thống giáo dục.
Tính mở còn thể hiện ở sự tương thích về cấp học, trình độ của chúng ta với hệ thống giáo dục phổ biến trên thế giới để tạo điều kiện công nhận văn bằng chứng chỉ của người học trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Phân luồng tốt sẽ giảm lãng phí nguồn lực
Như ông đã từng đề cập, phải chăng chúng ta biết cần phải phân luồng sau giáo dục cơ bản (sau THCS), nhưng còn vướng mắc và chịu ràng buộc ở điều kiện văn hóa, tài chính cho giáo dục?.
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Phân luồng học sinh sau THCS là vấn đề hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo, giúp cho người học đi theo các con đường học tập khác nhau để đạt được các trình độ nghề nghiệp ra thị trường lao động hoặc tiếp tục học lên cao.
Phân luồng học sinh tốt sẽ giảm thiểu sự lãng phí nguồn nhân lực, giảm bớt rủi ro cho những học sinh vốn năng lực học tập còn hạn chế nhưng cố theo đuổi các chương trình thuộc THPT để rồi thất bại ở kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc trượt đại học.
Ngoài ra, đối với hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm không vào học các trường THPT hoặc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì các em sẽ làm gì nếu không vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Lớn lên chút nữa gia nhập thị trường lao động không có chút kỹ năng nghề nghiệp thì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội…
Tuy nhiên, những rào cản về văn hóa coi nhẹ học nghề, coi trọng bằng cấp, ít quan tâm đến nhu cầu thị trường lao động của gia định và học sinh đang cản trở dòng chảy vào giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn tuyển lao động tốt nghiệp THPT và tự đào tạo kỹ năng cho họ hơn là tuyển dụng học sinh tốt nghiệp trường nghề có đầu vào tốt nghiệp THCS…ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nữa về chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, chế độ tuyển dụng, trả lương, đãi ngộ…
Cũng phải nói thêm rằng giáo dục nghề nghiệp chi phí trên đầu học sinh học nghề thường cao hơn từ 2-4 lần so với chi phí cho một học sinh THPT.
Sự hạn chế về ngân sách ở Trung ương và địa phương nên những năm qua xu hướng mở rộng các trường THPT đã tăng lên rất nhiều để đáp ứng nhu cầu học của người dân.
Trình xét cơ cấu Hệ thống Giáo dục mới, Bộ Giáo dục rất...cẩn trọng(GDVN) - Phương án Bộ GD&ĐT đưa ra cũng cẩn trọng khi chưa cho học sinh học xong trung học cơ sở có thể vào học cao đẳng ngay như khuyến nghị của một số chuyên gia. |
Đã có ý kiến nên định ra tỷ lệ phân luồng mang tính hành chính, áp đặt nhưng điều này là khó khả thi và Nhà nước cần dùng cơ chế về tài chính giáo dục để điều tiết các dòng chảy của người học.
Cũng như thực hiện các giải pháp thị trường lao động ở đầu ra cho các trường nghề cùng với sự vào cuộc của cả xã hội thì mới mong chủ trương phân luồng thành hiện thực.
Dư luận và ý kiến chuyên gia cho rằng, việc xác định ở bậc THPT được chia thành 3 hướng khác nhau, đó chỉ là phân loại theo khối đào tạo của đại học chứ không phải phân luồng, ông nghĩ gì về quan điểm này?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Thiết kế hệ thống giáo dục cũng tương tự thiết kế các dòng chảy hay thiết kế mạng lưới giao thông nghĩa là người ta cần thiết kế các tuyến trục chính trước hết sau đó các tuyến đường ngang sẽ được ưu tiên sau đó.
Như vậy, các tuyến dòng chảy sẽ có các tuyến trục chính hướng tới giáo dục bậc cao trong đó có cả giáo dục nghề nghiệp cũng có thể vào học ở các chương trình giáo dục bậc cao.
Như vậy có thể hiểu hệ thống có cả luồng chạy theo chiều đứng (một chiều) và chạy theo chiều ngang (một chiều hoặc hai chiều) tùy theo bậc học và chương trình giáo dục tương ứng với bậc học.
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân nên xem là tiền đề cho việc xây dựng quy hoạch giáo dục, tạo điều kiện liên thông, phân luồng, giúp cải thiện nhu cầu học tập suốt đời.
Ngoài ra còn giúp cho hệ thống giáo dục dễ hiểu hơn để hội nhập và không nên coi nó là chìa khóa vạn năng giải quyết bài toán phân luồng trong giáo dục vốn hết sức phức tạp chịu chi phối nhiều yếu tố đặc biệt phân luồng sau THCS để chảy vào dòng chảy giáo dục nghề nghiệp.
Nói cách khác, sự “khơi luồng” đã thể hiện trên khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vẫn đề các dòng chảy đi theo hướng nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố (thuận lợi hay cản trở) cả bên trong lòng hệ thống giáo dục và bên ngoài hệ thống giáo dục nữa.
Trân trọng cảm ơn ông.