Nói thêm về vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, vì nó bao trùm lên toàn hệ thống, bản thân ông cũng ngạc nhiên vì Bộ GD&ĐT trình quá nhanh.
Trước hết, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, việc xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải dựa trên 3 quan điểm, thứ nhất là Nghị quyết 29, thứ hai là tuân thủ các văn bản luật đã có, thứ ba là phải đảm bảo khắc phục được cơ cấu hệ thống, đáp ứng được nhu cầu kinh tế xã hội.
Ba quan điểm này có thể có mâu thuẫn, vì ngay ở quan điểm thứ hai “tuân thủ các văn bản luật”,nhưng thực tế các luật cũng còn nhiều hạn chế, nếu vừa làm đúng Nghị quyết và phải tuân thủ các Luật thì đó cũng là việc khó và mâu thuẫn, đây là vấn đề bao trùm và nếu cần thiết để làm cho cơ cấu tốt lên thì những luật nào có vấn đề cần phải sửa luật.
GS. Lâm Quang Thiệp trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung |
Cụ thể hơn, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, ngay ở luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã có nhiều ý kiến phản ứng. Theo nhận định của GS. Lâm Quang Thiệp, có lẽ vì có nhiều ý kiến ở Luật giáo dục nghề nghiệp nên mới có chỉ thị phải làm khung cơ cấu giáo dục quốc dân.
“Quốc hội thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp với tỷ lệ 55,13% số đại biểu tán thành, tôi nghĩ điều này chưa chín lắm. Khi Luật có vấn đề thì cần chỉnh sửa như thế nào đó để xây dựng mục tiêu hệ thống cho tốt” GS. Lâm Quang Thiệp cho biết.
GS. Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng, trong cơ cấu hệ thống vấn đề được đặt ra nhiều nhất từ trước đến nay là phân luồng. Phân luồng thế nào để tạo ra nguồn nhân lực cho tốt. Thực tế chúng ta đã đặt vấn đề phân phuồng mấy chục năm qua, nhưng không thực hiện được.
Hiện tại luồng vào đại học vẫn chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông, trong khi đó luồng giáo dục nghề nghiệp đáng nhẽ cần nhiều thì lại thiếu, cuối cùng đại học quá tải mà nhân lực lại thấp kém, không muốn nói nhân lực vào hạng thấp nhất trong khối Asean.
GS. Lâm Quang Thiệp bày tỏ, tập trung giải quyết vấn đề phân luồng là đúng, nhưng khi nhìn vào khung cơ cấu mà Bộ GD&ĐT trình chính phủ vừa qua dường như hiểu chưa đúng về phân luồng.
“Tại Nghị quyết 29 có nói “…trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”, câu này việc phân luồng sau THCS là một ý, định hướng nghề nghiệp ở THPT là một ý khác, tôi nghĩ hai khái niệm này khác nhau.
Sơ đồ phân luồng của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ. |
Trong khi tờ trình của Bộ GD&ĐT xem như định hướng là phân luồng, tôi nghĩ đó là không đúng, ít nhất là không đúng theo Nghị quyết 29” GS. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Lâm Quang Thiệp, trong sơ đồ phân luồng mà Bộ GD&ĐT trình chính phủ ở “Giáo dục bậc phổ thông” có nêu lên theo ba định hướng là “Định hướng chung”, “Định hướng kĩ thuật – công nghệ”, “Định hướng năng khiếu”, trong văn bản của Bộ nói đây là ba luồng, GS. Lâm Quang Thiệp khẳng định đó là hiểu sai, mà đây chỉ là các định hướng ở THPT.
“Đây là vấn đề rất quan trọng và không nên làm quá nhanh, tôi thấy Bộ trình sớm quá. Tôi cũng từng dự mộ hội thảo của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và tại đó có đưa ra sơ đồ phân luồng, tôi thấy sơ đồ đó hợp lí hơn, tôi không biết ở việc này Bộ GD&ĐT có tham khảo ý kiến của Hiệp hội không, tôi có hỏi người trong Hiệp hội thì họ bảo không tham khảo.
Trong khi trước đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ thị Bộ GD&ĐT, phía dạy nghề xây dựng khung cơ cấu xong phải đưa cho Hiệp hội có ý kiến” GS. Lâm Quang Thiệp băn khoăn.
Và sơ đồ đề xuất của ba Hiệp hội (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dcuj cho mọi người và Hội khuyến học Việt Nam. |
GS. Lâm Quang Thiệp khẳng định, mục đích để phân luồng theo đúng sơ đồ mà Bộ GD&ĐT đưa ra là không thể phân luồng được, vì nếu như nói ở bậc giáo dục phổ thông được chia thành ba luồng như trên thì đó là nhầm lẫn rất lớn. Luồng chỉ có hai luồng, một bên là giáo dục phổ thông, một bên là giáo dục nghề nghiệp.
Trình xét cơ cấu Hệ thống Giáo dục mới, Bộ Giáo dục rất...cẩn trọng(GDVN) - Phương án Bộ GD&ĐT đưa ra cũng cẩn trọng khi chưa cho học sinh học xong trung học cơ sở có thể vào học cao đẳng ngay như khuyến nghị của một số chuyên gia. |
Sơ đồ của Bộ không nhấn mạnh được phân luồng theo đúng nghĩa, do đó bài toán phân luồng ở sơ đồ này thực chất không được giải quyết.
“Bài toán phân luồng đã đặt ra mấy thập niên đến nay chưa giải quyết được, học sinh tốt nghiệp THPT vẫn vào đại học chứ ít ai vào học nghề. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rõ nhất là cơ cấu hệ thống của chúng ta làm chưa tốt, tâm lý xã hội chưa giải quyết được, vấn đề bằng cấp…
Muốn giải quyết được vấn đề này thì phải đầu tư, đầu tư nhiều cho các trường trung học nghề, để có những trường nghề thật tốt, để ra có thể làm việc được” GS. Lâm Quang Thiệp cho biết.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về tính mở trong khung cơ cấu của Bộ GD&ĐT, GS. Lâm Quang Thiệp cho biết, sơ đồ của Bộ không thể hiện được điều này, những mũi tên dường như không có ý nghĩa, không giải quyết được (không rõ ràng) vấn để mở và liên thông.
Bên cạnh đó, việc giảm thời gian đào tạo đại học, cao đẳng xuống còn 2-3 năm cũng được GS. Lâm Quang Thiệp góp ý Bộ nên xem xét kĩ hơn.