LTS: Tiếp nối bài trước, bên cạnh các nỗ lực quốc tế hoá của Nhà nước, bản thân một số đại học có viễn kiến xa trong cải cách và hội nhập quốc tế cũng đã bắt đầu thu được kết quả khả quan. Dẫn chứng của tác giả Phạm Hiệp dưới đây là một số ví dụ điển hình:
Đại học Quốc gia Hà Nội
Là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất cả nước, trong khoảng 10 năm vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có khá nhiều chương trình, dự án hướng tới mục tiêu quốc tế hoá.
Trong đó, tiêu biểu là Đề án Nhiệm vụ chiến lược khởi động từ năm 2007 có cách thức thực hiện tương tự Chương trình tiên tiến của Bộ GD&ĐT là một trong những đề án tiêu biểu.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng 16 chương trình đại học và 23 chương trình sau đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế vào 2020.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu quốc tế hoá.
Trong đó, thành tựu đáng chú ý nhất của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh liên quan đến nội dung đảm bảo chất lượng.
Hiện tại, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là thành viên của Hiệp hội CDIO (viêt tăt của Conceive – Design – Implement – Operate) – tổ chức do Đại học Brown, Mỹ khởi xướng, tập hợp các trường đại học sử dụng phương pháp CDIO trong xây dựng và phát triển chương trình.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh còn có 02 chương trình đạt chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology), một chuẩn đào tạo cho các ngành kỹ thuật và công nghệ uy tín bậc nhất thế giới và 21 chương trình đạt chuẩn AUN (ASEAN University Network).
Trường Đại học FPT
Là đại học tư thục non trẻ, nhưng ngay từ ngày thành lập, Trường Đại học FPT đã xác định quốc tế hoá là yếu tố làm nên sự khác biệt đối với các đại học khác.
Sinh viên nước ngoài tại Đại học FPT đón Tết. |
Điều này được thể hiện qua chính sách sử dụng giáo trình và thuê giảng viên ngoại quốc ngay từ ngày thành lập. Gần đây, đại học này có 2 thành tựu đáng chú ý liên quan đến sinh viên và đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, Trường Đại học FPT hiện thường xuyên có khoảng 200 sinh viên quốc tế đến từ 20 nước đang theo học các chương trình dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời, đây cũng là Đại học Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn 3/5 sao theo chuẩn đối sánh đại học QS ratings.
Trường Đại học Duy Tân
Là đại học ngoài công lập đầu tiên và lớn nhất miền trung. Những năm gần đây, Trường Đại học Duy Tân cho thấy quyết tâm quốc tế hoá toàn diện.
Hiện nay, Đại học Duy Tân là 01 trong 03 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là thành viên chính thưc của của CDIO (bên cạnh Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ĐH Bình Dương).
Quốc tế hoá giáo dục đại học Việt Nam, những nỗ lực từ trên xuống |
Bên cạnh đó, trường cũng là thành viên của PBL (project based learning) – một tổ chức chuyên về đào tạo thông qua dự án. Gần đây, trường đại học này đầu tư khá nhiều nguồn lực, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ về xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hướng tới mục tiêu công bố quốc tế.
Theo công bố của Nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam), trong 5 năm trở lại đây, đại học này đã có 130 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, đứng thứ 13 Việt Nam và còn xếp cao hơn cả Đại học Đà Nẵng, đại học lớn nhất ở khu vực miền Trung (xem bảng 1).
Tên trường | Số bài báo |
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh | 1172 |
Đại học Quốc gia Hà Nội | 1093 |
Đại học Bách khoa Hà Nội | 793 |
Đại học Sư phạm Hà Nội | 395 |
Đại học Y Hà Nội | 316 |
Đại học Cần Thơ | 309 |
Đại học Huế | 239 |
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh | 213 |
Đại học Vinh | 183 |
Đại học Tôn Đức Thắng | 183 |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam | 156 |
Đại học Thái Nguyên | 143 |
Đại học Duy Tân | 130 |
Đại học Y tế Công cộng | 127 |
Đại học Đà Nẵng | 121 |
Bảng 1: Top 15 trường ĐH Việt Nam có nhiều công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (giai đoạn 2011-2015). Nguồn: Scientometrics for Vietnam
*Lưu ý: số liệu tính đến 26/10/2015
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những đại học có nhiều đổi mới nhất tại Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây. Và các đổi mới đó chủ yếu xoay quanh các nội dung quốc tê hoá. Đầu 2015, trường đại học này trở thành đại học thứ 2 của Việt Nam đạt chuẩn 3/5 sao theo QS stars.
Về nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng có chính sách đầu tư đột phá tương tự cách làm của Trường Đại học Duy Tân.
Lời kết
Từ chỗ gần như chỉ có giao lưu với các nước trong khối XHCN trước những năm 1980 trở về trước, cho đến giai đoạn khó khăn và không có nhiều hoạt động giao lưu quốc tế đáng kể những năm 1990, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến và hội nhập với thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Điều đáng mừng, các nỗ lực quốc tế hoá này không chỉ đến từ nhà nước mà còn từ cả các trường đại học – trong đó có cả đại học tư. Điều này cho thấy quốc tế hoá đã trở thành nhu cầu thiết thực đối với một bộ phận của giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy vậy, những nỗ lực này mới chỉ ở bước “khởi động”; để giáo dục đại học Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với quốc tế, và thực sự trở thành mắt xích quan trọng đong góp vào sự phát triển bền vững của toàn xã hội thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Hy vọng tới đây, với việc Bộ GD&ĐT sẽ có Bộ trưởng mới, quốc tế hoá giáo dục đại học Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn tăng tốc.
Nội dung quốc tế hóa gồm: Cán bộ - giảng viên; Sinh viên; Chương trình- giáo án; Đảm bảo chất lượng
Nước /vùng lãnh thổ | Tên đề án | Thời gian | Cán bộ - giảng viên | Sinh viên | Chương trình – giáo trình | Đảm bảo chất lượng |
Đài Loan | Dự án xây dựng Đại học Đẳng cấp quốc tế và trung tâm nghiên cứu xuất sắc |
2009-nay | Đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; mời GS hàng đầu thế giới về làm việc | Thu hút sinh viên quốc tế | Dùng toàn bộ giáo trình của Mỹ | Có trường đại học lọt vào Top 50 thế giới trong 15-20 năm |
Trung Quốc | Dự án 985 | 1998 – nay; | Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm mới; mời GS hàng đầu thế giới về làm việc | Có trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế | ||
Hàn Quốc | Dự án ĐH đẳng cấp quốc tế | 2009 – nay | Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm mới; mời GS nước ngoài về làm việc | Có trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế | ||
Chiến lược phát triển GD ĐH đến 2023 | 2015 – nay | 200,000 sinh viên quốc tế đến 2023 | Mở chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh |
|||
Malaysia | Chiến lược phát triển GD ĐH giai đoạn 2015-2025 | 2015 – nay | Giữ chân và thu hút nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài nước | 250,000 sinh viên quốc tế đến 2025 | Chuẩn hoá các cơ sở GD ĐH theo QS |
Bảng 2: Một số chương trình, dự án quốc tế hoá giáo dục đại học ở một số nước/vùng lãnh thổ trong khu vực.