Quốc tế hoá giáo dục đại học Việt Nam, những nỗ lực từ trên xuống

16/02/2016 08:15
Phạm Hiệp
(GDVN) - Quốc tế hoá giáo dục đại học là xu thế của thế giới. Vậy giáo dục đại học Việt Nam đang có được gì, đang làm gì để tiến tới quốc tế hóa sâu rộng hơn?

LTS: Quốc tế hoá giáo dục đại học là yêu cầu thiết yếu đối với mỗi quốc gia, mỗi trường đại học trong thời đại ngày nay. 

Nhiều ý kiến thậm chí còn nhấn mạnh rằng, nếu chính phủ các nước và lãnh đạo các trường đại học không tự chủ động quốc tế hoá, thì bản thân nỗ lực quốc tế hoá của các nước, các trường khác sẽ “cuốn phăng” họ đi. 

Vậy, giáo dục đại học Việt Nam đã và đang phản ứng và có hành động như thế nào trước xu thế không thể đảo ngược này? 

Tòa soạn xin được giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Hiệp, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan.

Bài 1: Những nỗ lực từ trên xuống 

Về nội dung, có thể chia quốc tế hoá giáo dục đại học thành các nội dung chính: 

1: cán bộ - giảng viên; 2: sinh viên; 3: chương trình – giáo trình và 4: đảm bảo chất lượng; trong đó nội dung cuối cùng lại bao chùm ba nội dung đầu tiên. 
Về chủ thể, có thể chia thành 2 chủ thể chính của giáo dục đại học là: (A) nhà nước: từ trên xuống và (B) bản thân các trường: từ dưới lên (xem hình 1). 

Trong nội dung bài viết gồm 2 phần này, chúng ta cùng thử điểm qua tình hình quốc tế hoá giáo dục đại học ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây theo các nội dung kể trên:

HÌnh 1: Nội dung và chủ thể của quốc tế hoá giáo dục đại học.
HÌnh 1: Nội dung và chủ thể của quốc tế hoá giáo dục đại học.

Mặc dù chưa bao giờ có một chương trình riêng biệt với tiêu đề bao gồm chính xác 3 chữ “quốc tế hoá”, nhưng ta có thể dễ dàng tìm thấy mục tiêu này thể hiện trong nhiều đề án, chính sách của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan. Dưới đây là một số “nỗ lực” tiêu biểu nhất: 

Đề án 322 và 911 

Đề án 322 khởi động từ năm 2000 với có hoạt động chính là gửi sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ sang các nước tiên tiến học sau đại học, với kỳ vọng họ sẽ trở về và trở thành đội ngũ cán bộ, nhà khoa học trình độ quốc tế trong tương lai. 

Đề án 911 ra đời năm 2012, có thể tạm coi là bước tiếp nối của Đề án 322 (kết thúc cùng năm) nhưng thu hẹp phạm vi đối tượng chỉ là giảng viên các trường đại học. 

Riêng đề án 322, theo thống kê của Bộ GD&ĐT trong 12 năm đã cử 4.600 người đi học; tính đến thời điểm 2012, đã có hơn 3.000 người trở về. 

Về mặt bản chất, Đề án 322 hay 911 đều nhắm tới nội dung quốc tế hoá đội ngũ giảng viên (tương lai). Cách làm đã được khá nhiều nước, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan áp dụng trước đó.  

Dự án TRIG 

TRIG (Traning and Research Improvement Grantt) là dự án từ nguồn vay vốn của  World Bank nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu tại một số trường đại học Việt Nam, thực hiện tại một số trường đại học Việt Nam trong giai đoạn 2002-2012. 

Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh Xuân Trung
Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh Xuân Trung

Về bản chất, cũng giống như 322 hay 911, TRIG nhắm đến nội dung quốc tế hoá số (1): đội ngũ cán bộ-giảng viên. 

Tuy vậy, thay vì nhắm đến đội ngũ cán bộ-giảng viên “tương lai” như 322 hay 911, dự án TRIG, thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước; các chương trình tài trợ nghiên cứu, triển khai nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ - giảng viên “hiện tại”. 

Chương trình tiên tiến

Chương trình tiên tiến do Bộ GD&ĐT chủ trì bắt đầu từ 2007 và kết thúc 2015 nhắm chủ yếu đến nội dung quốc tế hóa số 3 (chương trình – giáo trình) và có liên quan nội dung số 2 (sinh viên). 

Theo đó, 30 chương trình đào tạo tại 9 trường đại học trong cả nước sẽ được nhận tài trợ của Bộ GD&ĐT nhằm cải tổ chương trình giáo trình với sự hỗ trợ của một trường dối tác đên từ một nước tiên tiến. 

Cũng theo chương trình này, giảng viên là giáo sư từ trường đối tác sẽ sang Việt Nam giảng dạy một số môn và ở chiều ngược lại, giảng viên Việt Nam sẽ được gửi sang trường đôi tác để nâng cao năng lực. 

Dự án Đại học xuât sắc 

Dự án đại học xuất sắc có mục tiêu rõ ràng liên quan đến nội dung quốc tế hoá số 4 (đảm bảo chất lượng) và có liên quan đến nội dung số 3 (chương trình – giáo trình). 

Theo đó, Nhà nước đầu tư thành lập mới hoặc nâng cấp một số trường đại học nghiên cứu với sự hỗ trợ về chuyên môn (bao gồm chương trình, giáo trình, giảng viên) của một số nước tiên tiến. 

Quá trình vận hành của các trường được kỳ vọng là theo các chuẩn mực quôc tế với hy vọng đến 2020, sẽ có ít nhất một trường được lọt vào Top 200 thế giới. 

Cho đến nay, đã có 4 trường được thành lập theo Dự án này bao gồm Đại học Việt Đức, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là Đại học Việt Pháp), Đại học Việt Nga (Nâng cấp từ Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn) và Đại học Việt Nhật. 

Còn tiếp...

Phạm Hiệp