Trẻ hay già không quan trọng, cái tâm người thầy mới thực sự đáng quý

27/02/2016 07:05
Phan Tuyết
(GDVN) - Có nhiều giáo viên dù đã lớn tuổi nhưng lại luôn tiên phong trong mọi hoạt động của trường, của lớp khiến thế hệ giáo viên trẻ nhìn vào phải nể phục.

LTS: Dù ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, ở thời kỳ nào và thế hệ nào, chữ Tâm luôn được coi trọng. Ta thường nghe và cũng thường nói: "Làm việc gì cũng phải có tâm". Vậy cái Tâm trong ngành giáo dục sẽ nằm ở đâu?

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết sẽ chỉ ra điều đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đọc bài “Đầu năm nói chuyện "thầy già”” của tác giả Nguyễn Cao đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/2, tôi cũng vô cùng đồng cảm với những suy nghĩ, những dẫn chứng mà thầy đưa ra. 

Quả thực, ở các trường học hiện nay, vẫn còn không ít những giáo viên lớn tuổi không thể theo kịp với sự đổi mới hiện nay trong giáo dục chứ chưa cần nói đến việc phải biết về máy tính để thiết kế bài dạy, soạn bài giảng điện tử, nhận xét đánh giá học sinh trên hệ thống VnEdu, gửi mail... Vì không theo kịp nên họ có sức ì trong công việc rất lớn, luôn thụ động trong dạy và học. 

Trẻ hay già không quan trọng, cái tâm người thầy mới thực sự đáng quý ảnh 1
Trẻ hay già không quan trọng, cái tâm người thầy mới thực sự đáng quý (Ảnh: Giáo dục và thời đại)

Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều giáo viên dù đã lớn tuổi nhưng lại luôn tiên phong trong mọi hoạt động của trường, của lớp khiến thế hệ giáo viên trẻ nhìn vào phải nể phục. 

Nhiều giáo viên gần bước sang cái tuổi 50 mà không hề vắng mặt ở bất cứ cuộc thi nào từ hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh… và tham gia một cách nhiệt tình, đỗ đạt với kết quả cao. 

Trong quá trình giảng dạy thì những bậc cao niên đó luôn hết mình vì học sinh. Do có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp lại thêm lòng kiên nhẫn với những học sinh chưa ngoan, họ ứng xử khéo léo, tế nhị nên học trò ngày càng tiến bộ khác hẳn với sự nóng vội, hiếu thắng của nhiều thầy cô giáo trẻ.

Trẻ hay già không quan trọng, cái tâm người thầy mới thực sự đáng quý ảnh 2

Đầu năm nói chuyện “thầy già”

(GDVN) - Ai rồi cũng sẽ già theo tháng năm nhưng cái già phải đồng nghĩa với sự gương mẫu, sự khát khao cống hiến mới được mọi người tôn kính, cảm phục.

 
Họ chính là cánh tay đắc lực của Ban giám hiệu nhà trường, dù lớn tuổi nhưng họ luôn là “cố vấn” về chuyên môn, về kỹ năng công nghệ thông tin cho nhiều giáo viên trẻ. 

Trong khi, giáo viên trẻ không phải ai cũng chịu tìm tòi, học hỏi mà đổi lại nhiều người mới ra trường, kinh nghiệm đứng lớp chưa có, kỹ năng giảng dạy chưa nhiều nhưng luôn tự hào vì mình có bằng cấp này, bằng cấp nọ, luôn bỏ qua những lời góp ý đầy tâm huyết của các đồng nghiệp đi trước. 

Mãn nguyện vì cầm trên tay vài tấm bằng, một số thầy cô giáo trẻ chỉ say sưa với những cuộc vui khác và luôn từ chối những nhiệm vụ nhà trường giao với lý do: “Em không quen việc này” “Em còn ít kinh nghiệm” hay “Em đang trong thời gian phải học hỏi các thầy cô đi trước”...

Thực tế cho thấy, chuyện “già” hay “trẻ” không quan trọng bằng tinh thần học hỏi, sự chủ động, sáng tạo và cái tâm của người thầy với nghề. 

Phan Tuyết