Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy

27/09/2015 09:47
Trần Vũ
(GDVN) - Tôi cho rằng người thầy có lương tâm nghề nghiệp, có lòng tự trọng và có trách nhiệm đối với học trò, chắc chắn rằng không thể cho điểm tùy tiện.

LTS: Kỳ thi quốc gia đã qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có sơ kết, nhưng các thầy cô giáo vẫn chưa yên tâm.

Nhìn vào bảng thống kê điểm “liệt” trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, thầy Trần Vũ mạnh dạn đưa ra quan điểm về trách nhiệm của người thầy về con số đó. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Theo Quy chế thi THPT quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thì thí sinh có điểm bài thi từ 1 trở xuống sẽ không được công nhận tốt nghiệp THPT, đó là điểm “liệt”.

Số thí sinh bị điểm “liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 theo thống kê của Bộ GD&ĐT như sau: Môn Toán: 20.667, môn Ngữ Văn: 973, môn Vật lý: 260, môn Hóa học: 300, môn Sinh học: 300, môn Lịch sử: 1.083, môn Địa lý: 550, môn Ngoại ngữ: 175.  

Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy ảnh 1

165 ngàn em có điểm từ 0 đến 2, nghĩ về bệnh trầm kha của ngành giáo dục

(GDVN) - Tính theo tỷ lệ học sinh thi Tốt nghiệp THPT năm nay thì nước ta có hơn 17,3% học sinh đạt điểm 2.0 trở xuống.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao môn nào cũng có thí sinh bị điểm “liệt”? 
Bài thi bị điểm “liệt” có thể do thí sinh bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết lại được câu hỏi của đề thi hoặc có thể chỉ trả lời được một vài ý không trọn vẹn trong một câu hỏi của đề thi. Có thể nói thí sinh bị điểm “liệt”  là không đủ kiến thức để làm bài thi. 

Câu hỏi đặt ra tiếp theo:  Nhà trường và giáo viên bộ môn có biết học sinh của mình không đủ kiến thức hay không? Nếu biết thì tại sao vẫn để những học sinh như thế dự thi tốt nghiệp, để rồi bị điểm “liệt” ?

Theo tôi được biết, điểm kiểm tra của học sinh được nhà trường thực hiện theo hai hình thức: 

Kiểm tra tập trung: Phân chia kiểm tra học sinh như thi tốt nghiệp; gồm kiểm tra học kỳ lớp 12 các môn Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ theo đề của Sở GD&ĐT, kiểm tra học kỳ lớp 10+11 và kiểm tra 1 tiết lớp 10+11+12 theo đề kiểm tra của trường; nhà trường phân công giáo viên coi và chấm chéo bài kiểm tra.

Kiểm tra tại lớp: Bao gồm kiểm tra học kỳ và kiểm tra 1 tiết các môn còn lại;  kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút tất cả các môn của tất cả các khối lớp; giáo viên dạy ra đề kiểm tra, coi và chấm bài kiểm tra.

Với cách tổ chức coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra như thế, dễ thấy xảy ra ở loại hình kiểm tra viết tại lớp, có thể cả kiểm tra miệng, giáo viên dạy nếu như không có lòng tự trọng sẽ tìm cách “nâng đỡ” học sinh.  

Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy ảnh 2
Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy (Ảnh: dantri.com.vn)

Bởi lẽ điểm kiểm tra học kỳ và điểm kiểm tra 1 tiết theo hình thức kiểm tra tập trung, dù có bị điểm “liệt”, nhưng nếu điểm kiểm tra viết tại lớp không đúng thực chất (điểm quá cao so với điểm kiểm tra theo hình thức tập trung), thì điểm trung bình môn cả năm sẽ đạt từ 2,0 trở lên.  

Khi đó học sinh không bị xếp loại kém về học lực và được dự thi tốt nghiệp THPT (Theo Quy chế thi trung học phổ thông của Bộ GD&ĐT).

Mặc khác, nếu như giáo viên có học sinh xếp loại kém về học lực cuối năm phải ở lại lớp hoặc không được dự thi tốt nghiệp, thì chắc chắn sẽ không được xét các danh hiệu thi đua, bởi theo Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về  hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành GD&ĐT trong tiêu chuẩn chung có tiêu chí: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao” . 

Vì vậy, người thầy có thể sẽ tìm cách “nâng đỡ ” học sinh hoặc ví dụ như giáo viên dạy lớp có con hoặc cháu của Hiệu trưởng hoặc của các vị “quen thân” thì chắc chắn cũng khó lòng xếp loại kém về học lực con họ cuối năm. 

Người thầy nếu làm thế, thì hàng năm những học sinh đó đều được lên lớp, rồi “ngồi nhầm lớp” và dẫn đến hậu quả cuối cấp khi thi tốt nghiệp bị điểm “liệt”.

Như vậy việc giáo viên cho điểm kiểm tra không đúng thực chất do áp lực từ “chỉ tiêu thi đua” đã đăng ký đầu năm với nhà trường  hoặc do “tình cảm, nể nang” là nguyên nhân hàng đầu trong những nguyên nhân dẫn đến học sinh bị điểm “liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. 

Dù số lượng họ có thể không lớn trong ngành GD&ĐT, nhưng ít nhiều họ đã làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục học sinh, làm cho chất lượng học tập trong trường phổ thông bị lệch đi và  phụ huynh học sinh ảo tưởng về kết quả học tập của con em mình.

Tôi cho rằng người thầy có lương tâm nghề nghiệp, có lòng tự trọng và có trách nhiệm đối với học trò, chắc chắn rằng không thể cho điểm tùy tiện; còn ngược lại, xin để cho những người thầy làm công tác quản lý trong ngành GD&ĐT và dư luận xã hội có ý kiến.

Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy ảnh 3

Cảnh báo những hiểm họa chết người ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cảnh báo những nguy cơ từ tổ chức, thực hiện thi cử kèm giải pháp khắc phục. Trong đó, có cả nguy cơ...chết người.

Còn những người thầy làm công tác quản lý ở trường phổ thông (Hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn) biết hay không biết việc có giáo viên cho điểm kiểm tra viết tại lớp không đúng thực chất đều phải chịu trách nhiệm. 

Do họ chưa làm tròn chức năng quản lý chuyên môn mà ngành GD&ĐT tin tưởng giao phó, bởi hiện nay phần mềm quản lý trường học (vnEdu) mạng VNPT, được kết nối, họ phải dành thời gian lên mạng VNPT xem mục “quản lý sổ điểm”. 

Nếu họ cho rằng “không biết” thì cơ quan quản lý giáo dục cấp trên góp ý về năng lực quản lý của họ, còn nếu họ “biết” mà vẫn để cho giáo viên làm sai, thì cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nên xem xét lại họ. 

Trần Vũ