Bất hợp lý trong việc tính tiền một ngày công lao động của giáo viên

23/03/2016 06:57
Phan Huyền
(GDVN) - Hiện nay, ngành giáo dục còn một số điều bất cập trong việc tính tiền một ngày công khiến đồng lương giáo viên vốn đã eo hẹp lại càng trở nên teo tóp hơn.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo tiểu học Phan Huyền, cô chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong ngành giáo dục với hy vọng trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Đồng cảm với bài viết “Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù”của tác giả Nguyễn Cao, tôi đưa ra một số điều bất cập còn tồn tại trong ngành Giáo dục như sau: 

Công tác đoàn thể không được tính tiết phụ trội

Giáo viên tiểu học mỗi tuần dạy 23 tiết, bậc trung học cơ sở là 19 tiết. Phần lớn các tiết dạy được rải đều trong tuần. 

Giáo viên phải miệt mài “ngày hai buổi tới trường” nên bao công việc hồ sơ sổ sách đều dồn vào buổi tối. 

Nhiều trường đã linh động sắp xếp thời khóa biểu để các thầy cô có thể được nghỉ từ 1 đến 2 buổi trong tuần. Nhưng đôi khi, giáo viên cũng phải dạy hỗ trợ khi Tổng phụ trách đi họp giao ban, Ban chấp hành công đoàn đi họp hay khi Chủ tịch công đoàn thường xuyên đi hội họp, đi tập huấn các chế độ chính sách mới. 

Tuy nhiên, người dạy thay sẽ không được tính tiền phụ trội. Bởi theo quy định, công tác đoàn thể giáo viên chỉ dạy tương trợ. Điều này đã gây khó khăn cho việc tìm người dạy thay. 

Bởi cả tuần, giáo viên chỉ được nghỉ một buổi để nghỉ ngơi, chăm lo việc nhà, chuẩn bị bài, chuẩn bị hồ sơ, đồ dùng dạy học nếu đi dạy thay thì sẽ không làm được những việc này. 

Bất hợp lý trong việc tính tiền một ngày công lao động của giáo viên (Ảnh: thanhnien.vn)
Bất hợp lý trong việc tính tiền một ngày công lao động của giáo viên (Ảnh: thanhnien.vn)

Cho nên, khi phải dạy thay nhiều giáo viên cũng không thấy vui vẻ gì. Người dạy thay không vui, người nhờ dạy cũng áy náy nhưng không thể để lớp không có giáo viên. 

Nhiều lần nhờ vả, một số thầy cô không muốn phải “mang ơn” nên thỏa thuận công việc theo kiểu: “Em dạy giúp chị lần này để chị đi họp, khi nào em có việc thì chị sẽ dạy thay cho em”. 

Một thầy giáo, chủ tịch công đoàn của một trường cấp 2 chia sẻ: “Mỗi khi đi họp là lại đau đầu tìm người dạy thế, giá có chế độ cho họ mình cũng đỡ khổ hơn”.

Bất hợp lý trong việc tính tiền một ngày công lao động


Giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông dạy cả ngày thứ 7, giáo viên tiểu học dạy 5 ngày/ tuần nhưng ngày thứ 7 thầy cô phải lên trường sinh hoạt chuyên môn như hội họp, dự giờ, học tập các chuyên đề, các phương pháp dạy học mới…Vậy tổng số ngày đi làm trong tháng của giáo viên là 24 +2 =26 ngày. 

Khác với các công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, các xã phường chỉ làm việc hết ngày thứ Sáu, tổng ngày làm việc trong tháng của họ là 20 + 2 = 22 ngày. 

Nhưng khi tính tiền lương để trừ vào các loại quỹ ở địa phương, họ đưa ra công thức tính theo kiểu cào bằng. Cụ thể: 1 ngày lương = (lương cơ bản x hệ số) - 9.5%BHXH : 22 ngày. 

Rõ ràng với cách tính trên là điều thiệt thòi và bất hợp lý cho giáo viên. Trong suốt một năm học, có đến gần chục lần trừ một ngày lương. 

Vì thế, số tiền chênh lệch giữa hai việc chia cho 26 ngày và 22 ngày không phải là ít. Đồng lương giáo viên vốn đã eo hẹp lại càng trở nên teo tóp hơn.

Phan Huyền