Lãnh đạo giáo dục nhiều nơi chỉ biết đến hai từ “kỷ luật”

26/03/2016 07:35
Phan Tuyết
(GDVN) - Hình thức kỷ luật sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chắc chắn vết thương lòng sẽ còn đau đớn mãi trong kí ức nhiều thầy cô và học trò sau mỗi lần "kỷ luật".

LTS: Nhìn nhận sau nhiều vụ việc thầy cô phạt học sinh nhưng khi bị dư luận lên tiếng thì Ban giám hiệu, lãnh đạo giáo dục sở tại chỉ biết áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với giáo viên đó. 

Thử hỏi, nhà trường là nơi dạy trò biết yêu thương, vậy cớ sao giữa đồng nghiệp lại không có sự đồng cảm, chia sẻ?

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chỉ rõ điều này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trước thông tin trường tiểu học Quỳnh Thắng A, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhận được clip với độ dài gần một phút ghi cảnh thầy Nguyễn Như Tưởng, giáo viên dạy môn Thủ Công tại lớp 2A trong giờ học gục trên bàn được một nam sinh lên thoa dầu, nhổ tóc bạc. 

Nhà trường sẽ dựa trên Thông tư 27 về xử lý vi phạm đối với công chức  để xem xét kỷ luật thầy giáo để học sinh nhổ tóc bạc trong giờ học, đã có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc trò nhổ tóc bạc cho thầy trong giờ học chỉ nên nhắc nhở để giáo viên rút kinh nghiệm, trường hợp trong giờ dạy mà thầy cô bị đau đầu, bị cảm thì nên xuống phòng y tế để nằm, không nên gục trên bàn để học sinh chăm sóc như vậy. 

Nếu áp dụng hình thức kỷ luật thầy Tưởng là chưa phù hợp bởi mục đích của giáo dục là dạy học trò tình yêu thương. Nếu kỷ luật thầy chẳng khác nào bảo học trò thôi yêu thương ông bà, bố mẹ, thầy cô…

Cảnh thầy Nguyễn Như Tưởng, giáo viên dạy môn Thủ Công tại lớp 2A trong giờ học gục trên bàn được một nam sinh lên thoa dầu, nhổ tóc bạc (Ảnh cắt từ clip)
Cảnh thầy Nguyễn Như Tưởng, giáo viên dạy môn Thủ Công tại lớp 2A trong giờ học gục trên bàn được một nam sinh lên thoa dầu, nhổ tóc bạc (Ảnh cắt từ clip)

Theo trình bày của thầy giáo, khi dạy còn 5 phút nữa là hết giờ, thầy bị đau đầu nên học sinh lên thoa dầu và thấy tóc thầy bị bạc em đã tình nguyện đứng nhổ.

Thực tế, chuyện thầy cô bị bệnh ngay trên lớp hay việc nhờ học sinh thoa dầu mà không thể xuống phòng y tế nằm nghỉ cũng chẳng có gì lạ. 

Bởi nếu thầy cô ra khỏi lớp, không có giáo viên dạy thay, các em học sinh nhỏ sẽ ồn ào và mất trật tự. Đã có không ít chuyện vắng giáo viên, các em đã đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.

Hình ảnh thầy giáo nằm gục trên bàn, học sinh đứng nhổ tóc sâu cũng chẳng lấy gì làm đẹp. Nhưng trước khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng cần có việc điều tra cho thấu đáo. 

Hơn ai hết, giáo viên, Ban giám hiệu trong trường sẽ là người hiểu về giáo viên của mình rõ nhất.

Nếu thầy là một nhà giáo mẫu mực, hết lòng với công việc dạy dỗ học sinh thì sự việc xảy ra hôm ấy chắc chắn có lý do chính đáng. Ngược lại, thầy là người bê trễ, không gương mẫu, chuyện sẽ đi một hướng khác.

Lãnh đạo giáo dục nhiều nơi chỉ biết đến hai từ “kỷ luật” ảnh 2

Giáo viên thì không có quyền ngôn luận?

(GDVN) - Dù là giáo viên nhưng họ cũng là một công dân, cũng có quyền được tiếp cận với thông tin và được quyền tự do ngôn luận.

 
Chuyện hiệu trưởng trường tiểu học Quỳnh Thắng A trả lời sẽ xem xét hình thức kỉ luật thầy giáo làm việc riêng trong giờ dạy cũng chẳng có gì bất ngờ. 

Bởi chẳng riêng gì thầy Hiệu trưởng ấy, mà còn rất nhiều những vị Hiệu trưởng trong ngành giáo dục, chỉ biết áp dụng hai từ “kỷ luật” đối với giáo viên khi có bất kể việc gì xảy ra làm xôn xao dư luận mà không hề nhìn nhận, xem xét sự việc một cách thấu tình đạt lý. 

Điển hình nhất là trong giờ học sáng thứ hai (ngày 22/2), nam sinh lớp 8A Đỗ Lân Anh nói chuyện trong giờ học, thầy Học nhiều lần nhắc nhở, nhưng em không trật tự. Thầy Học đã phạt em đứng ở bục giảng, Lân Anh vẫn đùa nghịch nên bị đưa xuống phòng hiệu trưởng xử lý.

Lúc này, thầy hiệu trưởng không có ở phòng (do đau mắt nên nghỉ), thầy Học dùng gậy đánh vào mông Lân Anh. Nam sinh đưa tay ra đỡ dẫn đến việc bị chấn thương. 

Sự việc mới xảy ra hai ngày thì hội đồng nhà trường đã họp gấp và quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy thầy Học ngay lập tức.

Hay việc một giáo viên ở trường tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh bị buộc thôi việc vì đã mắng học sinh là “ngu như bò”, một thầy giáo ở Hậu Giang đã cắt dép 7 học sinh khi các em không tuân theo quy định của nhà trường đã khiến thầy giáo không chỉ bị kỷ luật cảnh cáo toàn ngành còn phải đền cho 7 học sinh mỗi em 200 nghìn đồng để mua dép mới. 

Hình thức kỷ luật này khiến nhiều học sinh đắc chí vì thầy bị “trừng phạt”, chỉ các thầy cô trong nghề mới hiểu lý do khiến thầy giáo đó hành động mạnh tay như vậy.

Bởi hiện nay, nhiều học sinh không chỉ xem thường nội quy trường lớp mà đôi khi còn tỏ ra thách thức thầy cô

Sau vụ việc gây ồn ào dư luận, để chấn an và khẳng định mình không đồng tình với những việc làm “sai trái” ấy của thầy cô thì Ban giám hiệu của nhiều trường cũng như lãnh đạo Phòng, Sở GD&ĐT nơi đó thường thẳng tay kỷ luật giáo viên ở mức cao nhất. 

Chứ chưa thấy nơi nào Ban giám hiệu, lãnh đạo giáo dục sở tại cảm thông, chia sẻ, động viên để giáo viên có điểm tựa về tinh thần, vượt qua cú vấp ngã, rút ra bài học xương máu để hoàn thiện bản thân. 

Hình thức kỷ luật sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chắc chắn vết thương lòng sẽ còn đau đớn mãi.

Phan Tuyết