LTS: Tiếp tục nói về mối quan hệ giữa gia đình - học sinh - nhà trường, trong bài viết này cô giáo Phan Tuyết nói về những áp lực từ thể xác tới tinh thần mà giáo viên đang phải trải qua trong mỗi buổi lên lớp.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Sau sự việc em Đỗ Lân Anh ở Thanh Hóa bị thầy giáo phạt roi vào mông và bị gia đình phụ huynh học sinh gây áp lực bằng cách đòi thầy phải bồi thường 200 triệu đồng mới bỏ qua khiến nhiều người băn khoăn rằng:
“Dựa vào đâu mà một sự việc chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh mà phụ huynh lại mặc cả với số tiền gấp vài chục lần mức lương của giáo viên như vậy?”
Câu trả lời được đáp ngay sau đó, do nhiều phụ huynh cho rằng thầy cô đã phạt học sinh thì dù nặng hay nhẹ, dù với bất cứ lý do gì thì khi sự việc đã bị phản ánh, báo chí lên tiếng thì giáo viên đó sẽ bị “thân bại danh liệt”.
“Lần sau còn dám đánh con tôi một roi thì không chỉ như thế này đâu” (Ảnh minh họa từ daidoanket.vn) |
Và thực tế, đã có nhiều thầy cô giáo lo sợ lâm vào cảnh bi đát đó nên để yên thân, không ảnh hưởng tới nhà trường thì đã “giải quyết” hậu quả bằng tiền.
Lợi dụng điểm yếu đó mà nhiều phụ huynh thậm chí ngay cả học sinh đã và đang dùng để đe dọa, khống chế nhiều thầy cô nếu giáo viên đó mắng, phạt hơi nghiêm khắc.
Oái oăm thay, khi cứ nói đến bạo hành học đường thì nhiều người nghĩ ngay đến việc thầy cô bạo hành học sinh. Nhưng ít tai ngờ, việc bạo hành đó đang diễn ra theo chiều ngược lại. Đó là thầy cô bị học trò, phụ huynh bạo hành.
Điều đáng nói là, những thầy cô này không dám chia sẻ cùng ai mà chỉ âm thầm chịu đựng nếu chuyện chưa được công khai. Bởi đơn giản, chẳng ai dám đứng lên bảo vệ họ.
Bạo hành về tinh thần
Hiện nay, một số học sinh cấp 2, cấp 3 chỉ cần không vừa lòng với thầy cô về điều gì thì ngay lập tức các em sẽ trút nỗi bực tức của mình lên mạng xã hội.
Học trò sẵn sàng dùng những từ ngữ thô thiển để xúc phạm, chửi mắng thầy cô của mình như “ông nọ, bà kia, bà cô già, lão già…” thậm chí còn cay nghiệt tới mức gọi là “thằng này, con nọ, mụ kia”.
Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!(GDVN) - Và thế là giáo viên giờ đây “có tiết thì vào lớp, hết giờ bước ra, học sinh muốn làm gì thì làm”... |
Đến khi sự việc bị phát hiện, nhà trường cũng chỉ nhắc nhở học trò, báo về cho phụ huynh thế là xong. Như vậy là được dăm ba hôm thì mọi chuyện đâu lại vào đó.
Ngoài ra, với một số học sinh không chú ý học bài, giờ môn này nhưng lấy vở bài tập môn khác ra làm, nói chuyện riêng, mất trật tự…mà bị thầy cô nhắc nhở thì các em sẵn sàng thách thức giáo viên bằng giọng: “Em thích làm thế đấy! Sao mà cô phải xoắn cả lên?”.
Học trò đã vậy, phụ huynh thì cũng chẳng kém. Cứ mỗi lần thấy bóng dáng vị phụ huynh ấy là cô Mai (giáo viên một trường Tiểu học) lại run lên.
Một hôm, cô Mai đang giảng bài, vị phụ huynh bước vào cửa lớp và xa xả rằng: “Cô dạy dỗ học sinh thế nào mà con tôi đi học về ngày nào cũng bị mất bút? Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, cô không yên với tôi đâu”.
Hay trường hợp của cô giáo Linh của một trường trung học cơ sở cũng vậy, cô bị phụ huynh mắng xa xả, Ban giám hiệu “thẩm vấn” vì tội “bỏ tiết dạy, đi ra ngoài, không giảng bài nên học sinh không làm được bài, để vở trắng”.
Nhưng thực tế là học sinh đó trốn tiết đi chơi nên khi bị cha mẹ truy vấn “sao không làm bài mà luôn để vở trắng?” thì em đó đã đổ hết tội lỗi lên cô giáo của mình.
Bạo hành về thể xác
Trước sự hỗn láo của một số học sinh, có thầy cô không thể kìm nén được nên đã trách mắng hay phạt vài roi vào mông, vào tay với mong muốn các em chăm ngoan hơn.
Thế nhưng ngay sau hôm đó không ít học sinh đã chặn đánh khiến giáo viên phải nhập viện thậm chí có em còn thuê “giang hồ” để dọa nạt, cảnh cáo thầy cô.
Phụ huynh nói một đằng làm một nẻo, giáo viên ngày càng sợ học sinh(GDVN) - Nghề giáo dần trở thành nghề “làm dâu trăm họ” khiến nhiều thầy cô chẳng còn tâm huyết để dạy dỗ bởi phải chịu áp lực quá lớn từ học sinh đến phụ huynh. |
Nhiều phụ huynh chặn ngoài cổng trường khi tan trường để lao vào tát cô giáo cùng lời hăm dọa: “Lần sau còn dám đánh con tôi một roi thì không chỉ như thế này đâu”.
Khi sự việc diễn ra, thường thì thầy cô không dám lên tiếng, không dám báo cáo với nhà trường hay chính quyền địa phương để được bảo vệ.
Bởi theo quy định của ngành, nếu như vậy là “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” vì xúc phạm học sinh và có thể danh dự cũng tiêu tan.
Nhiều giáo viên vẫn khuyên nhủ nhau rằng: “Muốn tránh bạo hành từ học sinh và phụ huynh thì mình cứ truyền đạt hết kiến thức bài học, em nào học thì học, không học thì thôi. Ngoan thì gia đình được nhờ, hư thì gia đình chịu. Tốt nhất đừng nên đụng chạm vào chúng”.
Điều này nghe thấy khá hợp lý nhưng với lương tâm của thầy cô chân chính thì liệu họ có làm ngơ như vậy được không?