Nghi vấn hồ sơ xin cấp phép hãng bay Vietstar Airlines sai luật

31/03/2016 09:43
Mai Anh
(GDVN) - Thay vì nộp văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng, Vietstar Airlines đưa ra báo cáo tài chính đã kiểm toán để thay thế...

Sau khi Lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam bác bỏ thông tin Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines (vừa được Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) không phải là đơn vị kinh tế thuộc quân chủng, từ chiều ngày 30/3, website chính thức của công ty này bất ngờ không truy cập được. 

Đến sáng nay (31/3/2016), trang web vietstarairlines.net đã hoạt động trở lại, tuy nhiên phần giới thiệu về công ty trước đó: "Vietstar Airlines là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng" đã được đơn vị này thay thế bằng: "Vietstar Airlines là doanh nghiệp Cổ Phần liên doanh, liên kết với Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó Công ty sửa chữa máy bay A41 là cổ đông của Công ty".

Trước sự bất nhất về thông tin của Vietstar Airlines, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên T.Ư Đảng khóa 6 cho rằng: Đây là hành động lợi dụng uy tín của quân đội.

Bộ Quốc phòng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần cho thẩm tra làm rõ vấn đề lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm việc sai trái hoặc danh nghĩa Bộ Quốc phòng để đánh bóng tên tuổi nhằm thu hút nhà đầu tư, thu hút hành khách.

Mặt khác, không chỉ mập mờ về danh nghĩa, vấn đề vốn góp để thành lập hãng hàng không mới của Vietstar Airlines trong kiến nghị gửi Chính phủ của Bộ Giao thông vận tải còn nhiều điểm chưa được làm rõ.

Hồ sơ xin cấp phép sai luật?

Để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines phải đáp ứng 5 điều kiện gồm: Ngành nghề kinh doanh; phương án đảm bảo tàu bay khai thác; tổ chức bộ máy; vốn; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.

Nhưng nếu thẩm định kỹ, trong 5 điều kiện này, điều kiện nguồn vốn của Vietstar Airlines lại không thể hiện minh bạch.

Vietstar Airlines thiếu văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - Ảnh minh họa/Nguồn Báo Giao thông vận tải.
Vietstar Airlines thiếu văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - Ảnh minh họa/Nguồn Báo Giao thông vận tải.

Cụ thể, trong Hồ sơ cấp phép, thay vì nộp văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, Vietstar Airlines đã thay thế bằng Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015. 

Trong khi đó, Điều 9 – Nghị định 30/2013/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải có nguồn vốn (tiền mặt) được xác định bằng văn bản bởi tổ chức tín dụng hoặc nguồn vốn bằng tài sản, bất động sản phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

Nghi vấn hồ sơ xin cấp phép hãng bay Vietstar Airlines sai luật ảnh 2

Có hay không Vietstar Airlines mạo danh Bộ Quốc phòng?

(GDVN) - “Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng cần cho kiểm tra lại ngay, tránh sự việc như công ty đa cấp Liên kết Việt...", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.

Nghi vấn hồ sơ xin cấp phép hãng bay Vietstar Airlines sai luật ảnh 3

Ai đứng sau hãng hàng không mới vừa được đề nghị cấp phép?

(GDVN) - Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines.

Lý giải điều này, Vietstar Airlines cho rằng, đơn vị được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, đã hoạt động từ năm 2011, việc phong tỏa tài khoản để xác nhận vốn theo quy định là không thực hiện được, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015 của Vietstar Airlines cho biết, hiện vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Thế nhưng, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho rằng hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP “về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”.

Nói cách khác, theo Bộ Giao thông vận tải, Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của Vietstar Airlines có thể thay thế được văn bản xác nhận vốn của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau".

Thứ nhất, trong Nghị đinh 30 quy định: Doanh nghiệp xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải có nguồn vốn (tiền mặt) được xác định bằng văn bản bởi tổ chức tín dụng hoặc nguồn vốn bằng tài sản, bất động sản phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản... không thể thay thế bằng một văn bản hoặc giấy tờ khác. 

“Nghị định quy định như vậy thì doanh nghiệp buộc phải đưa ra văn bản xác nhận vốn mà không thể thay thế bằng văn bản, giấy tờ khác”, LS.Tuấn nhấn mạnh.

Thứ hai, dòng tiền của doanh nghiệp luôn chạy, lúc dòng tiền ở tài sản cố định, tài sản lưu động lúc thì ở các dự án. Vì thế yêu cầu doanh nghiệp phải có xác nhận vốn của tổ chức tín dụng để chứng minh nguồn vốn có sẵn, đảm bảo thực hiện được dự án cấp phép.

Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau" - Ảnh: H.Lực.
Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau" - Ảnh: H.Lực.

Trong vấn đề của Vietstar Airlines, theo LS Trương Anh Tuấn, báo cáo tài chính chứng minh doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tức có tiền, nhưng dòng tiền đó đang nằm tài sản doanh nghiệp, nằm ở các dự án… chứ không phải tiền mặt.

Nếu muốn có văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng hoặc văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản ra tiền mặt, Vietstar Airlines buộc phải phong tỏa tài sản để xác nhận vốn.

Dù việc phong tỏa tài sản để xác nhận vốn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng yêu cầu này hợp lý để đảm bảo Vietstar Airlines có đủ vốn đầu tư cho máy bay và các chi phí cho kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo LS Tuấn, nói nôm na trường hợp của Vietstar Airlines cũng giống như một cá nhân cần 50 triệu đồng đầu tư dự án, trong khi anh này đang có chiếc xe máy trị giá 60 triệu đồng. Nếu muốn có 50 triệu đồng tiền mặt thì phải bán xe máy, bán xe máy rồi sẽ không có phương tiện đi làm.

Nếu không yêu cầu Vietstar Airlines có văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng chéo vốn. Có nghĩa cùng đồng vốn nhưng sử dụng cho nhiều dự án.

Không có cơ sở pháp lý

Đồng quan điểm này, LS Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) cho rằng: Điều 19 Thông tư 26/2009/TT-BGTVT quy định văn bản xác nhận vốn pháp định.

Theo đó tại Khoản 2, điều 19 thông tư trên, doanh nghiệp đang hoạt động hàng không có thể sử dụng báo cáo tài chính của Doanh nghiệp có kiểm toán tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép. Tuy nhiên, đây là quy định trước đây vì Thông tư  26/2009/TT-BGTVT đã bị bãi bỏ từ ngày 1/3/2015. 

Mặt khác theo quy định tại Điều 8, Nghị Định 30/2013/NĐ-CP thì Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không có Khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Phần vốn này phải được xác nhận bằng văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng hoặc văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

“Ngoài ra, văn bản trên không hề quy định về việc Doanh nghiệp đang hoạt động có thể sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp có kiểm toán tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép. Do vậy, việc thay thế văn bản xác nhận vốn bằng báo cáo tài chính như trường hợp Vietstar Airlines là không có cơ sở pháp lý”, LS. Trương Anh Tú cho biết.

Ở góc nhìn tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, giữa báo cáo tài chính và văn bản xác nhận vốn, rõ ràng văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng đáng tin cậy hơn, thể hiện rõ hơn năng lực vốn của doanh nghiệp.

“Văn bản xác nhận vốn thể hiện doanh nghiệp có tiền mặt sẵn có trong tài khoản, có thể chủ động trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dự án mới. Còn báo cáo tài chính thể hiện phần tải sản của doanh nghiệp nhưng tài sản đó muốn được xác nhận giá trị phải thông qua cơ quan định giá để quy đổi tài sản ra tiền mặt. Do đó muốn chứng minh nguồn vốn doanh nghiệp phải định giá tài sản”, TS. Hiếu cho biết.

Ngay trong trường hợp có văn bản cơ quan định giá để quy đổi tài sản ra tiền mặt, TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn khẳng định, văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đáng tín cậy hơn.

Mai Anh