Mong lãnh đạo giữ đúng lời thề!

05/04/2016 06:12
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Cử tri đặt niềm tin, mong muốn các lãnh đạo vừa trúng cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt giữ đúng lời thề...

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Trước mắt cần giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội

Trách nhiệm của các đồng chí mới nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi đất nước chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi các tân lãnh đạo phải cố gắng thật nhiều, mạnh dạn quyết liệt đổi mới.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang).
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang).

Theo tôi, vấn đề trước mắt chúng ta cần giải quyết đồng thời cũng là thách thức cho các tân lãnh đạo đó là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đây là hai nhiệm vụ song hành, mang tính chiến lược bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Theo đó, để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, cần tập trung vào việc giải quyết những bức xúc của người dân như vấn đề ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, vấn hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm...

Sự quan tâm chỉ đạo, xử lý các vấn đề nóng của xã hội hiện nay chính là cách tốt nhất để củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền.

Ngược lại, nếu việc nhỏ chúng ta không giải quyết được thì việc lớn khó mà hoàn thành.

Do đó, tôi đặt niềm tin vào các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước vừa được bầu sẽ quyết liệt trong việc giữ vững chủ quyền đất nước, xây dựng nên kinh tế thịnh vượng. Cử tri, nhân dân cả nước đang chờ đợi những kết quả tích cực mà các đồng chí mang lại.

Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV: Chúng ta cần quyết liệt hơn về vấn đề Biển Đông

Tôi đặc biệt quan tâm và kỳ vọng các tân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ đưa ra giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, trong tình hình Trung Quốc ngày càng leo thang ở Biển Đông.

Vấn đề đặt ra là, phải xem biển Đông (phạm vi chủ

Mong lãnh đạo giữ đúng lời thề! ảnh 2

7 nỗi lo lớn của dân tộc, lo cả ngoại xâm và nội xâm

quyền của Việt Nam) là vấn đề sống còn của dân tộc, xem nó như chính cơ thể, ngôi nhà của mình.

Có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Câu nói ấy suy rộng ra có nghĩa là, có đảm ổn định tình hình Biển Đông mới có điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Mất Biển Đông sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Trong khi đó, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa tỏ rõ thái độ đối với vấn đề này. Việt Nam không thể có bình yên nếu chúng ta nhân nhượng.

Do đó, bảo đảm an ninh lãnh thổ trên biển, đất liền là điều có ý nghĩa tiên quyết trong việc đảm bảo sự ổn định và sự trường tồn của chế độ.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh: Ngọc Quang).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh: Ngọc Quang).

Người xưa có câu, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lấy cái không thay đổi để đối phó với cái mạnh động.

Để giải quyết cho khôn khéo vấn đề Biển Đông, trước hết phải có lập trường vững chắc về chủ quyền đất quốc gia.

Phải bình tĩnh và sáng suốt để nắm lấy thời cơ, cũng như đưa ra những cách thức hành động phù hợp với những toan tính, mưu đồ của Trung Quốc.

Đó còn là thái độ quyết liệt, “tấn công” kẻ thù. "Tấn công" ở đây không phải là đánh nhau mà là dự báo tình hình, chủ động đối với những tình huống có thể xảy ra.

Mặt khác, tăng cường các biện pháp đấu tranh ngoại giao, đấu tranh tư tưởng... đặc biệt là toàn dân đoàn kết, dốc sức hỗ trợ hàng triệu ngư dân, để họ yên tâm bám biển.

Muốn nhận được sự hỗ trợ của người dân trong vấn đề chủ quyền cần công khai thông tin cụ thể cho người dân biết tình hình thực tế.

Mặt khác Quốc hội và các cơ quan có liên quan cần đưa ra nghị quyết, xác định vấn đề Biển Đông phải mang tính chiến lược chứ không thể nửa vời.

Do đó, đối với các tân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi kỳ vọng họ sẽ quyết liệt hơn nữa trong vấn đề chủ quyền quốc gia.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương: Mong lãnh đạo giữ đúng lời thề

Các đồng chí kế nhiệm nên nhìn thẳng vào sự thật, rút ra bài học kinh nghiệm từ những người đi trước, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức để đưa đất nước phát triển.

Vấn đề cốt yếu là lấy động lực bên trong để xử lý khó khăn do tác động bên ngoài. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Tôi lấy ví dụ, giải quyết vấn đề xâm nhập mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nước ở Tây Nguyên là do trước đây chúng ta chưa lường trước được hậu quả, tai họa đang đến gần.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: Ngọc Quang).
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: Ngọc Quang).

Do đó, người dân mong muốn các đồng chí lãnh đạo sẽ làm hết sức mình để có những sáng kiến, việc làm thiết thực để giải quyết những ảnh hưởng, tác động xấu từ môi trường. 

Tiếp đó, cần đặc biệt quan tâm vấn đề giặc nội xâm, ngoại xâm. Điều này đã từng có Đại biểu phản ánh tại Quốc hội, nhưng thái độ, cách nhìn nhận của chúng ta thì chưa rõ ràng. 

Tôi cho rằng, vấn đề giặc nội xâm, ngoại xâm không phải là vấn đề xa vời nữa mà nó đang hiện hữu trước mắt.

Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng cũng không phải có hòa bình bằng mọi giá.

Quan trọng là cần tính toán phương án xử lý phù hợp với đường lối chủ trương của Đàng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng của thời đại.

Đây là những thách thức, khó khăn mà các lãnh đạo mới phải đối diện. Để làm được những việc này, họ cần vạch cho mình lộ trình, kế hoạch cụ thể, lâu dài. 

Đặc biệt, cần huy động toàn sức mạnh của toàn dân tộc trong việc xử lý đại cục.

Tôi thiết tha, mong mỏi các tân lãnh đạo của chúng ta làm hết sức mình. Làm việc với tinh thần, động cơ như lời thề của các đồng chí trước Quốc dân đồng bào.

QUỐC TOẢN