Nghi vấn 9.000 lít xăng máy bay dùng trong quân đội tuồn ra ngoài tiêu thụ

05/04/2016 07:01
Mai Anh
(GDVN) - Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Hưng Yên đang xác minh làm rõ nguồn gốc gần 9.000 lít chất lỏng nghi xăng máy bay vừa bị bắt giữ.

Xăng máy bay dùng trong quân đội đưa ra ngoài tiêu thụ?

Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) Quốc gia cho biết, ngày 4/3/2016, từ tin báo của quần chúng nhân dân cùng với thông tin từ Văn phòng thường trực về hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường;

Đội Quản lý thị trường số 9 (Chi cụ Quản lý thị trường Hưng Yên) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra hành chính xe ô tô mang biển kiểm soát 29C-391.61 dừng đỗ tại Trạm soát vé số 1, Quốc lộ 5A và phát hiện trên xe đang vận chuyển 8.815 lít chất lỏng, nghi là xăng, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.

Chiếc xe chở chất lỏng nghi xăng bị bắt giữ - ảnh do BCĐ 389 Hưng Yên cung cấp.
Chiếc xe chở chất lỏng nghi xăng bị bắt giữ - ảnh do BCĐ 389 Hưng Yên cung cấp.

Khi kiểm tra, bồn chứa của chiếc xe trên có 3 khoang chứa nhưng lượng hàng lại của 2 chủ hàng khác nhau.

Lái xe kiêm chủ hàng của khoang số 1 chứa 4.610 lít chất lỏng là ông Trần Mạnh Tiến (sinh năm 1971), trú tại xã Sơn Cầm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Chủ hàng của 4.205 lít xăng còn lại của ông Đặng Minh Tâm (sinh năm 1973), trú tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.

Theo lời khai ban đầu của 2 người này, họ đều thừa nhận số chất lỏng nghi là xăng nói trên là hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài về. Số chất lỏng trên mua của người dân không rõ tên tuổi, địa chỉ.

Cụ thể, trong biên bản làm việc ngày 4/3/2016, ông Trần Mạnh Tiến trình bày: Chiếc xe ô tô xi téc 29C-391.61 do ông Tiến điều khiển thuộc Công ty CP Thiết bị xăng dầu Minh Đức (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Nghi vấn 9.000 lít xăng máy bay dùng trong quân đội tuồn ra ngoài tiêu thụ ảnh 2

Bắt buôn lậu phải đăng báo ngay, không để xảy ra "chạy chọt"

(GDVN) - Địa phương nào có tình hình buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Nghi vấn 9.000 lít xăng máy bay dùng trong quân đội tuồn ra ngoài tiêu thụ ảnh 3

Ô tô đổ xăng A95 không chạy được, Petrolimex lý giải thiếu trách nhiệm

(GDVN) - Người có trách nhiệm của Petrolimex lý giải, có thể do chất lượng xăng trong nước không tương thích với động cơ của các loại xe đời mới.

“Trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội đến bãi đất trống cạnh Quốc lộ 5A, do trời tối nên tôi không xác định được thuộc địa phận tỉnh nào, có chiếc ô tô đang đỗ gần đó, lái xe là người đàn ông trung niên không rõ tên tuổi địa chỉ vẫy tôi lại bảo đang có khoảng gần 9.000 lít xăng mua từ Hải Phòng nhưng nay gia đình có việc nên cần bán gấp với giá rẻ (9.000 đồng/lít).

Anh ta cũng nói số xăng trên không có hóa đơn chứng từ. Tôi biết đây hàng hóa vi phạm pháp luật nhưng do ham rẻ tôi vẫn mua với mục đích bán lại kiếm lời”, lời khai của ông Trần Mạnh Tiến trong biên bản làm việc.

Cũng theo trình bày của ông Tiến khi nhận được lời mời mua số xăng không rõ nguồn gốc do không mang đủ tiền nên ông Tiến đã gọi điện cho bạn là ông Đặng Minh Tâm cùng mua số xăng dầu trên.

Số tiền ông Tiến và ông Tâm dùng để mua số xăng trên là hơn 79 triệu đồng, đang khi ông Tiến liên hệ nơi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, làm việc.

Chưa xác định được chất lỏng là gì

Trước lời khai các đối tượng liên quan, để đảm bảo an toàn cháy nổ, chiếc ô tô chở gần 9.000 lít chất lỏng được đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 9 để bảo quản.

Nhằm làm rõ thành phần chất lỏng, ngày 9/3/2016 Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hưng Yên đã gửi mẫu chất lỏng đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 ((thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) để giám định.

Ngày 10/3/2016, trong chứng thư giám định của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 nêu rõ: Không xác định được trị số ốc tan của mẫu và không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu này vào buồng đốt.

Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 1, trị số ốc tan (kích nổ động cơ) và hàm lượng chì trong số chất lỏng, nghi là xăng này không phù hợp với mức yêu cầu đối với các quy định về kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN.

Trở lại vấn đề xử lý đối tượng liên quan việc vận chuyển mua bán gần 9.000 lít chất lỏng nghi xăng, trong báo cáo gửi BCĐ 389 Quốc gia, BCĐ 389 Hưng Yên cho biết hành vi của ông Trần Mạnh Tiến và Đặng Minh Tâm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm.

Theo BCĐ 389 Hưng Yên, ông Tiến và ông Tâm đã vi phạm Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, kinh doanh, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về vụ vận chuyển gần 9.000 lít chất lỏng nghi là xăng máy bay nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng ban thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã có văn bản chỉ đạo BCĐ 389 Hưng Yên.

Trong văn bản nêu rõ: “Để đảm bảo thận trọng, khách quan, chính xác trong quá trình điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, tránh bỏ lọt tội phạm, tiếp tay bao che cho tội phạm, BCĐ 389 Quốc gia đề nghị BCĐ 389 tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp các đơn vị, cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, kết luận chính xác, khách quan và đề xuất xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật".

Mai Anh