Cách đây ít phút, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ.
Ông Huỳnh Văn Tí (Đại biểu Đoàn Bình Thuận) – Trưởng ban kiểm phiếu cho biết, tổng số đại biểu là 494, số đại biểu có mặt 490, số phiếu phát ra 490, số phiếu thu về 490. Số phiếu hợp lệ 490 và số phiếu không hợp lệ là 0.
Kết quả, có phiếu 446 (chiếm 90,28 % tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành bầu ông Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Số phiếu không đồng ý là 44 (chiếm 8,91% tổng số đại biểu).
Nga sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ trước Quốc hội.
Chiều qua (6/4), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, sau khi Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người duy nhất được đề cử.
Tờ trình nêu rõ, căn cứ Điều 88 Hiến pháp, Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết số 01 ngày 12/3/2016 của BCH Trung ương Đảng, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trân trọng trình Quốc hội xem xét bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. ảnh: VGP. |
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954. Quê quán: Quảng Nam. Học vị: Cử nhân.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII. Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII. Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.
Quá trình công tác cụ thể của ông Nguyễn Xuân Phúc như sau:
Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Từ 1973-1978: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; Bí thư chi đoàn.
Từ 1978-1979: Cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng.
Từ 1980-1993: Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng;
Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa 1, 2. Học quản lý hành chính nhà nước tại Học viên Hành chính Quốc gia.
Từ 1993 – 1996: Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Từ 1997 – 2001: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam: Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 6.
Từ 2001 – 2004: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 1999 – 2004); Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
Từ 2004 – 2006: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 2004-2009); đại biểu HĐND tỉnh khóa 7; Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI; Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Quảng Nam.
Từ 3/2006-5/2006: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Từ 6/2006 – 8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
Từ 8/2007 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội Đảng toàn Quốc thứ XII vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Sau đó, ông được Ban chấp hành Trung ương XII bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Theo tờ trình mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình ra Quốc hội chiều 6/4