Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

06/04/2016 15:02
Ngọc Quang
(GDVN) - Sau khi bỏ phiếu kín, 418/487 đại biểu có mặt tán thành miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sáng mai (7/4), Quốc hội chính thức bầu Thủ tướng mới.

Thông tin này được ông Huỳnh Văn Tí (Đại biểu đoàn Bình Thuận) - Trưởng Ban kiểm phiếu công bố cách đây ít phút.

Theo đó, số đại biểu có mặt là 487 người. Số phiếu phát ra là 487, thu về 487 phiếu, tuy nhiên 1 phiếu không hợp lệ.

Kết quả bỏ phiếu, có 418 đại biểu tán thành miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (chiếm 84,61%).

Sáng 6/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tờ trình nêu rõ: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, ông Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nay do yêu cầu sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và công tác cán bộ, căn cứ:

Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng, điều 88 Hiến pháp, điều 11 Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Quốc hội đã thông qua quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ảnh: VGP.
Quốc hội đã thông qua quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ảnh: VGP.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ là người được đề cử để Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả thông tin về quá trình công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Từ tháng 11/1961 đến tháng 12/1976: Tham gia công tác chiến đấu trong Quân đội, làm liên lạc, văn thư, cứu thương, Y tá; học Bổ túc văn hóa cấp III và Khóa đào tạo Quân Y sỹ và Bổ túc chương trình Phẫu thuật ngoại khoa của Bác sỹ Quân y - Đảm nhiệm các nhiệm vụ:

Đội trưởng Đội phẫu thuật, Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y (Bí thư chi bộ Đảng). Được đề bạt các cấp bậc: Tiểu đội bậc trưởng; Trung đội bậc trưởng; Đại đội bậc phó; Đại đội bậc trưởng, thuộc Tỉnh đội - Tỉnh Rạch Giá.

Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ảnh 2

Ông Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển làm Phó Chủ tịch Quốc hội

Từ tháng 1-1977 đến tháng 9-1981: Học khóa Sỹ quan chỉ huy cấp Tiểu đoàn - Trung đoàn và đảm nhiệm các nhiệm vụ: Thượng úy - Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 207 (Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn);

Đại úy - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152 (Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn) chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Cam-pu-chia xóa bỏ chế độ diệt chủng;

Thiếu tá - Trưởng Ban cán bộ (Phó Bí thư Đảng ủy Phòng Chính trị). Thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

Từ tháng 10-1981 đến tháng 12-1994: Học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội) và đảm nhiệm các nhiệm vụ : Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang - Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang;

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang;

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh và Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9. Năm 1991- 1994 học Khóa Cử nhân Luật tại chức.

Từ tháng 01-1995 đến tháng 5-1996: Thứ trưởng Bộ Công an, Đảng ủy viên - Đảng ủy Công an Trung ương.

Từ tháng 6-1996 đến tháng 8-1997: Uỷ viên Bộ Chính trị và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng.

Từ tháng 9/1997 đến tháng 6/2006: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ. Được Thủ tướng Chính phủ phân công chỉ đạo khối Kinh tế tổng hợp, khối Kinh tế ngành và trực tiếp thực hiện các nhiệmvụ:

Chủ tịch Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia; Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên;

Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước; Trưởng Ban chỉ đạo Tiền lương Nhà nước;

Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Dự án Liên hợp hóa dầu Nghi Sơn, Xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia, Xây dựng nhà Quốc hội, Dự án Phóng vệ tinh VINASAT;

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tội phạm; Chủ tịch Hội đồng đặc xá Trung ương;Chủ tịch phân Ban hợp tác Việt - Lào; Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia;

Trưởng Ban chỉ đạo Qui hoạch phát triển vùng Thủ đô Hà Nội và các Vùng kinh tế trọng điểm. Và Trưởng Ban chỉ đạo một số công tác khác.

Năm 1998-1999, kiêm nhiệm nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.

Từ tháng 7-2006 đến nay: Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật và đảm nhiệm các nhiệm vụ:

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (đến tháng 1-2013); phụ trách Đảng ủy công an Trung ương (đến tháng 8-2011). Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; tham gia Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương;

Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương;Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Giáo dục; Chủ tịch Ủy ban quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ;

Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về phát triển Công nghiệp quốc phòng; Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về phát triển Công nghệ thông tin quốc gia;

Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo; Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Trưởng Tiểu ban xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) trình Đại hội XI của Đảng; Trưởng Tiểu ban xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) trình Đại hội XII của Đảng.

Ngọc Quang