LTS: Thời gian qua, đề mở liên tiếp được giáo viên áp dụng sáng tạo trong các bộ đề từ kiểm tra trên lớp đến kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, còn ý kiến băn khoăn.
Với tư cách là một giáo viên nhiều năm dạy ở trường THPT, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về xu hướng đề thi hiện nay.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT có chỉ thị Bộ không in ấn, phát hành Tài liệu hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia, các tài liệu hướng dẫn ôn tập đang lưu hành trên thị trường, là do các cá nhân thuộc Vụ, Cục, Nhà xuất bản Giáo dục, các Nhà xuất bản khác tự hợp tác, xuất bản, không liên quan gì đến bộ phận chuyên môn của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT quyết định không ban hành cấu trúc đề thi để chống tình trạng học sinh học lệch, học tủ, luyện thi tràn lan.
Đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT lại thêm, không đưa ra đề thi minh họa nhưng khẳng định xu hướng của đề thi theo hướng đánh giá năng lực thí sinh tăng cường câu hỏi mở, gắn với thực tiễn.
Có thể nói, ba “không” của Bộ GD&ĐT đưa ra trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gần nhất, được dư luận xã hội, nhiều thầy cô giáo bậc THPT đồng tình, ủng hộ.
Đề thi mở, thời sự gây khó dễ cho học sinh vùng khó khăn (Ảnh: qdnd.vn) |
Không in ấn, phát hành Tài liệu hướng dẫn ôn tập thi quốc gia, học sinh đỡ nhiễu loạn về nội dung, kiến thức, đỡ tốn kém về việc mua thêm tài liệu ôn tập.
Không có cấu trúc đề thi, không đưa ra đề thi minh họa giúp giáo viên, học sinh bớt lộn xộn, ngộ nhận, xa rời, lệch lạc cách ôn tập, cách thi hiện hành.
Sách giáo khoa chuẩn kiến thức, kỹ năng cùng với hướng dẫn ôn tập các môn văn hóa là những công cụ thiết dụng để học sinh ôn tập, giáo viên định hướng.
Ngày 7/4/2016, trả lời báo chí, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu rõ:
“Về cơ bản kỳ thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2015. Đề thi sẽ gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, giảm tỷ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng.
Đối với các môn khoa học xã hội, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của đất nước”.
Đồng thời, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi. Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tham khảo những đề thi năm trước để biết cách xử lý”.
Đề thi Quốc gia 2016 dự kiến có 40% kiến thức nâng cao(GDVN) - Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi THPT Quốc gia 2016 dự kiến có tỉ lệ 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức liên môn và xã hội. |
Nhận được thông tin này, một học sinh lớp 12 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) cho biết:
“Em dự định đăng ký tuyển sinh theo khối C nên em sẽ chú trọng các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý hơn.
Từ định hướng của Bộ GD&ĐT về đề thi năm nay nên em và các bạn dần hình thành thói quen đọc báo, nghe bản tin thời sự, lướt web để tìm kiếm những sự kiện nổi bật vì bất cứ vấn đề nào cũng có thể được đề cập trong đề thi sắp tới”.
Mấy năm gần đây, do đề thi ra ở dạng mở nên vấn đề thời sự, nhân vật nổi tiếng, bộ phim ấn tượng…hiện diện khá nhiều trong các đề thi, đề kiểm tra của các trường phổ thông.
Ví dụ, Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” – phim truyền hình Hàn Quốc đang rất nổi tiếng hiện nay đã đi vào đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh dành cho học sinh lớp 10 trường THPT Yên Hòa (Hà Nội).
Hay sự ra đi của Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường Trần Lập để lại nhiều tiếc thương cho người hâm mộ. Và câu chuyện của "người thắp lửa" đã một nữa được nhắc lại trong đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 5/4.
Nhiều thầy cô giáo từng đánh giá cao cách ra đề mở vì nó vừa mang tính thời sự, mới mẻ vừa tạo được hứng phấn, hấp dẫn nhất định đối với thí sinh khi làm bài.
Tuy nhiên, không ít giáo viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi thí sinh phải tiếp cận với những vấn đề mà bản thân chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều.
Thầy giáo chỉ cách làm bài thi môn Địa lý đạt điểm cao(GDVN) - Việc giành điểm cao ở môn Địa là điều không khó nhưng để làm được thì thí sinh cần phải có phương pháp học và bám sát vào cấu trúc đề thi. |
Thầy Bùi Thế Giới, dạy môn Ngữ văn, Hiệu trưởng, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nêu quan điểm:
“Đề mở, tính thời sự thì chỉ phù hợp với những học sinh thường xuyên xem thời sự, đam mê phim này, ngưỡng mộ ca sỹ kia…phù hợp với học sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển tương đối.
Còn học sinh ở trường chúng tôi thuộc huyện miền núi xa xôi nhất tỉnh Quảng Ngãi, 90 % là con em đồng bào dân tộc thiểu số, diện hộ nghèo chiếm 70%, lo ăn, lo mặc chưa đủ thì lấy đâu ra tivi để xem mà biết thời sự, phim này, nhân vật kia.
Năm 2007, trường tôi “nổi tiếng” cả nước vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức 0%.
Khi điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, khả năng học tập còn nhiều hạn chế thì đề thi mở quả là một thách thức không nhỏ cho học sinh chúng tôi”.
Rõ ràng, đề thi mở, những kiến thức thực tiễn ở đề kiểm tra, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một xu thế tất yếu nhưng vấn đề đặt ra là, cách định hướng, ôn tập sẽ được giáo viên triển khai như thế nào để học sinh làm bài tốt.
Bởi, một bài văn nghị luận hay và đạt điểm cao không phải chỉ dừng lại ở việc đúng hay không đúng so với đáp án mà quan trọng là thí sinh đưa ra được quan điểm riêng của mình về vấn đề đó.
Kể cả môn Lịch sử hay Địa lý cũng cần phương pháp, kỹ năng để giải quyết các câu hỏi mang tính chất phân tích, tổng hợp cao thì bài làm mới đầy đủ và đạt kết quả cao.
Cho nên, đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giáo viên phải là người bổ khuyết kiến thức cho các em. Trong mỗi giờ học, giáo viên cần lồng ghép các vấn đề thời sự để lấy ý kiến học sinh, định hướng làm bài.