Ngày 3/2, Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia 2016 chính thức đã có đề cập đến thông tin về cấu trúc đề thi.
Theo đó, đề thi ra theo hướng đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh, nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nội dung lớp 12, và tăng cường câu hỏi mở, đảm bảo tính phân hóa, giúp xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Đề thi kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ tiếp tục đặt ra yêu cầu ở 2 mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, dự kiến tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và nâng cao 40% để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh.
Dự kiến 40% kiến thức nâng cao trong đề thi THPT Quốc gia 2016 (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Nếu so với năm 2015, trong đề thi năm 2016 thì 40% câu hỏi ở mức độ nâng cao sẽ tăng cường hơn câu hỏi ở mức vận dụng, câu hỏi gắn với thực tiễn, đòi hỏi năng lực tốt hơn ở thí sinh phải biết vận dụng kiến thức liên môn và xã hội thực tiễn nhằm giúp các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả để tuyển sinh hiệu quả..
Năm 2016, việc tổ chức coi, chấm thi vẫn như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng tham gia coi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD&ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi Đại học.
Các Sở GD&ĐT và trường Đại học chủ trì cụm thi công bố kết quả thi, tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được thực hiện như năm 2015: Kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa năm 2016 để thí sinh và các trường hình dung cụ thể hơn về cách thức ra đề chính thức năm nay.