Trăm dâu đổ đầu... giáo viên chủ nhiệm

25/04/2016 06:12
Đỗ Quyên
(GDVN) - Việc học sinh bỏ học giữa chừng dù giáo viên cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ nhưng Nhà trường chỉ biết quy trách nhiệm do giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt.

LTS: Hiện nay ở nhiều vùng quê nghèo, một số phụ huynh không thiết tha với việc cho con đi học mà thay vào đó họ muốn con cái trở thành lao động chính trong gia đình ngay từ khi các em còn nhỏ. 

Học sinh bỏ học giữa chừng đang trở thành một gánh nặng đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm bởi nó là tiêu chí để xếp loại thi đua giáo viên. 

Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên thẳng thắn chỉ ra thực tế phũ phàng đối với giáo viên chủ nhiệm lớp. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đã lâu mới có dịp gặp cô bạn đồng nghiệp dạy cấp 2, chưa kịp hỏi han điều gì, bạn tôi đã giãi bày nỗi buồn: “Đang buồn đây, cuối năm rồi mà lớp tôi chủ nhiệm còn có 2 học sinh nghỉ học. Một trong hai học sinh ấy lại là học sinh giỏi mới tiếc chứ. 

Dù tôi đã đi mòn đường vào nhà phụ huynh để vận động mà cũng không thuyết phục được
”. 

Không thuyết phục được bởi gia đình nhất quyết để con cái họ nghỉ học để đi biển, thậm chí khi giáo viên tới vận động thì phụ huynh thẳng thừng nói:

Gia đình tôi giờ cần tìm bạn để đi biển, nó (học sinh nam lớp 7) cũng lớn rồi, có học ra trường cũng đi làm cu li, thà nghỉ ngay từ bây giờ cho đỡ phí tiền, uổng công”. 

Mỗi khi lớp có học sinh bỏ học thì giáo viên vô cùng mệt mỏi và vất vả (Ảnh: vtv.vn)
Mỗi khi lớp có học sinh bỏ học thì giáo viên vô cùng mệt mỏi và vất vả (Ảnh: vtv.vn)

Rồi chị dẫn chứng cho bạn tôi rằng, sát nhà chị có 2 cô bé tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm giờ cũng đi may và đi bán hàng ở siêu thị. Và một số học xong Đại học thì giờ cũng lại ở nhà đi biển với gia đình…

Sau khi cô giáo khuyên răn đủ điều thì phụ huynh hỏi rằng: “Cô có đảm bảo con tôi học ra trường là có việc để làm không?”. Câu hỏi ấy khiến cô giáo “không biết trả lời thế nào”. 

Bởi hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm nên một số phụ huynh ở những vùng quê nghèo cũng không tha thiết gì với việc cho con đi học. 

Thậm chí, có em mới chỉ học lớp 6 mà cha mẹ đã khuyến khích cho ở nhà để đi biển, học lớp 9 thì đi xây, phụ hồ…

Thương học sinh vì học hành dang dở, phải trở thành lao động chính trong gia đình ở độ tuổi còn nhỏ, thương chính bản thân mình vì sẽ bị cấp trên khép vào “tội”: Làm công tác chủ nhiệm không tốt. 

Đây là tâm trạng lo lắng chung của tất cả thầy cô giáo chủ nhiệm ở các trường. 

Bởi lẽ, nhiều trường học hiện nay vì sợ học sinh nghỉ nhiều nên đã đưa quy định “duy trì sĩ số” làm tiêu chí để xếp loại giáo viên.

Trăm dâu đổ đầu... giáo viên chủ nhiệm ảnh 2

Giáo viên mà sợ làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy

(GDVN) - Ngành giáo dục cần quy định chế độ giảm giờ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để họ an tâm công tác và không còn “sợ” nữa.

 
Rõ ràng, trong năm học thầy cô nào cũng hoàn thành tốt công việc giảng dạy của mình nhưng nếu lớp chủ nhiệm có 1 học sinh bỏ học giữa chừng thì giáo viên ấy bị khống chế về việc xếp loại thi đua cuối năm. 

Chính vì vậy, mỗi khi lớp có học sinh bỏ học thì giáo viên vô cùng mệt mỏi và vất vả từ gọi điện thoại, đến tận nhà để khuyên nhủ nhưng nhiều phụ huynh không nghe máy hoặc thấy thầy cô tới thì núp ở trong nhà, không tiếp….

Nhiều gia đình còn đưa lý do: “Nhà tôi nghèo không có đủ tiền đóng học phí, không có tiền mua sách vở…” nên không ít giáo viên cùng nhà trường đáp ứng yêu cầu này của phụ huynh để mong các em được trở lại lớp. 

Việc học sinh bỏ học giữa chừng có nhiều nguyên nhân như gia đình khó khăn, học quá yếu không theo kịp chương trình, phụ huynh cho rằng học mà thất nghiệp thì không cần học…nên giáo viên cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ trong khả năng của mình nhưng Nhà trường lại chỉ biết quy trách nhiệm cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt nên học sinh mới bỏ học và căn cứ vào đó để xếp loại thi đua

Thử hỏi, đã công bằng với giáo viên chủ nhiệm hay chưa?

Đỗ Quyên