Giáo viên mà sợ làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy

23/04/2016 05:12
Trần Vũ
(GDVN) - Ngành giáo dục cần quy định chế độ giảm giờ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để họ an tâm công tác và không còn “sợ” nữa.

LTS: Vì sao hiện nay nhiều giáo viên lại ngại công việc này mặc dù được gần gũi học sinh và được học sinh quý mến? 

Với quan điểm của một người trong nghề, thầy giáo Trần Vũ cho rằng: Nếu giáo viên “sợ” làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy.

Trong bài viết này, thầy đưa ra quan điểm của mình về nỗi sợ hãi của giáo viên cũng như đưa ra biện pháp nhằm giảm tải cho thầy cô nhận công tác chủ nhiệm. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Những áp lực về sổ sách và thi đua hiện nay khiến nhiều giáo viên “sợ” làm chủ nhiệm lớp. Trong bài viết: “Giáo viên sợ làm chủ nhiệm lớp” đăng trên báo Dân trí ngày 20/3/2016 có đoạn:

Phần lớn giáo viên ngoài công việc giảng dạy thì còn phải kiêm nhiệm một số công việc khác như: phụ trách lao động, nề nếp…, nhưng công việc mà ai cũng e ngại đó là làm giáo viên chủ nhiệm một lớp”.

Lý do vì sao giáo viên lại “sợ” làm chủ nhiệm lớp? Tôi cho rằng, thầy cô giáo được dạy học là hạnh phúc, nếu dạy học mà không được làm chủ nhiệm mới là điều đáng buồn chứ. 

Nhớ lại những năm trước đây khi vẫn còn tồn tại loại hình trường phổ thông bán công, những ngày đầu thành lập hầu hết các trường bán công đều gặp khó khăn từ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động đến đội ngũ giáo viên và chất lượng học sinh. 

Do tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nên có trường, một giáo viên phải làm chủ nhiệm 2 lớp.

Là một giáo viên chủ nhiệm thì ngoài công việc hồ sơ sổ sách, tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức thì họ còn phải kiêm thêm nhiều công việc khác như thu các khoản phí như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, nhắc nhở học sinh nộp học phí…rồi tham gia dạy phổ cập, phụ đạo giúp học sinh. 

Giáo viên mà “sợ” làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy (Ảnh: thnamson.socson.edu.vn)
Giáo viên mà “sợ” làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy (Ảnh: thnamson.socson.edu.vn)

Học sinh trường bán công phần nhiều có học lực yếu kém nên có một bộ phận không nhỏ các em chán học, trốn học rồi bỏ học.

Khi gặp trường hợp như vậy buộc giáo viên chủ nhiệm phải đến gia đình từng học sinh để vận động bởi nếu học sinh không trở lại lớp thì giáo viên chủ nhiệm sẽ mất danh hiệu thi đua do không duy trì được sĩ số lớp. 

Ngoài ra, một bộ phận học sinh khác lại thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường, có hành vi bạo lực buộc giáo viên chủ nhiệm phải mời phụ huynh tới để trao đổi và phải đi dự họp Hội đồng kỷ luật học sinh. 

Giáo viên chủ nhiệm chịu nhiều áp lực từ phía học sinh, phụ huynh, lãnh đạo nhà trường, thanh tra ngành giáo dục và cả về thành tích thi đua qua tỷ lệ duy trì sĩ số, học sinh lên lớp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp…

Áp lực như vậy nhưng có giáo viên nào “than thân trách phận”, có giáo viên nào bỏ cuộc đâu. Họ vẫn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bằng chứng thông qua việc hàng năm có nhiều giáo viên đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”, “chiến sĩ thi đua” bởi họ tâm huyết với nghề, yêu thương học trò nên họ đứng vững với nghề nghiệp đã chọn. 

Giáo viên mà sợ làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy ảnh 2

Đừng nghĩ cứ đưa con đến trường là cha mẹ hoàn thành trách nhiệm!

(GDVN) - Với những học sinh hư, học sinh cá biệt thì giáo viên sẽ phải làm gì? Dùng lời ngọt ngào thì không có tác dụng. La mắng thì là vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vậy việc dạy và công tác chủ nhiệm của những giáo viên dạy vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo thì sao?

Trong bài viết “Cái tâm của thầy cô giáo vùng cao” đăng trên báo Nhân dân có đoạn: 

Một ngày như mọi ngày, cô Nguyễn Thị Sửu, giáo viên trường tiểu học số 1, xã Mường Tè, tỉnh Lai Châu đều vượt chục cây số xe đạp tới lớp. 

Hai mươi ba năm đã qua, mái tóc xanh giờ đã điểm bạc, cùng với đó là bao thế hệ học sinh ở nơi nghèo khó này đã được cô dạy dỗ. Vốn là người miền xuôi, nhưng với cái tâm của người thầy và bản năng của người phụ nữ đã khiến cô ở lại mảnh đất này để dạy cái chữ cho các em…

Các thầy cô giáo miền xuôi lên Lai Châu dạy gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ là thiếu thốn cơ sở vật chất mà còn phải học phong tục tập quán, học tiếng của người dân tộc, hiểu tâm tư của các em nhỏ
..”

Còn bài viết “Đến nơi thầy cô "mật phục" rước học sinh tới trường” trên báo Giáo dục và thời đại lại có thông tin: 

Do đặc thù là học sinh vùng cao nên việc duy trì sĩ số của trường là rất khó khăn. Khắc phục tình trạng này, thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn cùng nhiều thầy cô khác tình nguyện làm xe ôm đưa các em đến trường. 

Sau mỗi buổi học, các thầy cô tập hợp những em học sinh vắng mặt báo lên Ban Giám hiệu nhà trường. Sau khi có danh sách, tùy vào địa bàn mình phụ trách mà các thầy cô đến đón các em quay lại trường…. 

Khó khăn của những giáo viên vùng sâu khó mà tả hết. Học sinh ở đây cũng cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô, xem nhà trường như ngôi nhà thứ 2, xem thầy cô như là 1 thành viên của gia đình mình….

Biết khó khăn, vất vả nhưng không một ai kêu khổ vì chúng tôi đã xác định việc gieo chữ ở vùng xa thì phải chấp nhận hi sinh. Đối với chúng tôi, bao khổ cực, thiệt thòi mấy cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc quá rồi
”. 

Rồi đến báo Bình Dương có bài viết “Gieo chữ ở Trường Sa” đã nêu: 

Có đến Trường Sa, sống và thấy được cái khó khăn, thiếu thốn của các thầy giáo trẻ đang độ tuổi 24, 25 mới hiểu được cái tâm, cái nghĩa của người thầy mang chữ đi gieo ở đảo xa. 

Ở tuổi ấy, sự khó khăn, khắc nghiệt của nghề có thể đã đánh gục ý chí, đẩy người đi xa nghề của những giáo viên ở đất liền, vốn đầy đủ tiện nghi, vật chất.  

Nhưng ở Trường Sa, cái khó khăn, thiếu thốn của việc gieo chữ được đổi lại bằng niềm tin yêu học trò, sự kiên trì, nhẫn nại của tấm lòng sắt đá nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc
”. 

Giáo viên mà sợ làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy ảnh 3

Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi"

(GDVN) - Nếu mỗi giáo viên hôm nay có cách ứng xử đúng mực với học sinh thì nghề giáo không đến nỗi “bạc như vôi” như suy nghĩ của một số giáo viên.

Chỉ qua vài câu chuyện đó thôi cũng đủ thấy công tác chủ nhiệm, nhiệm vụ của giáo viên vùng khó khăn gấp nhiều lần so với giáo viên ở thành thị nhưng họ hoàn toàn không ca thán điều gì. 

Cho nên, tôi cho rằng, công tác chủ nhiệm lớp không phải là nhiệm vụ “gian nan” nhất của người giáo viên bởi nếu người thầy có yêu thương học trò thì mới làm tốt công tác chủ nhiệm, còn nếu giáo viên mà “sợ” làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy. 

Bởi lẽ, “công tác chủ nhiệm lớp mặc dù chịu nhiều vất vả, áp lực. Nhưng không phải là không có niềm vui, dù chỉ là về mặt tinh thần. 

Tuy nhiên để có được những niềm vui dù nhỏ bé đó, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm  lớp ngoài các kĩ năng được đào tạo thì còn phải có tâm với học sinh lớp mình phụ trách. 

Có như vậy mới có thể tạo ra được những tình cảm tốt đẹp về tình thầy trò. Mà đây chính là điều đọng mãi trong lòng bao thế hệ học trò, dù mai này có ra đời thì các em vẫn luôn
”. (bài viết “Cái được của người làm công tác chủ nhiệm lớp” đăng trên báo Dân trí). 

Mà hiện nay ở các trường phổ thông không phải tất cả các giáo viên đều được làm công tác chủ nhiệm bởi tỷ lệ giáo viên/lớp đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT nên chỉ những giáo viên có kinh nghiệm giáo dục, có uy tín thì mới được lựa chọn làm công tác chủ nhiệm lớp nhằm thực hiện mục tiêu, kế hoạch giáo dục của nhà trường. 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, làm giáo viên chủ nhiệm sẽ vất vả hơn nên Hiệu trưởng không nên phân công những giáo viên lớn tuổi làm công tác chủ nhiệm, trong nội dung thi đua thì nhà trường cần xây dựng điểm chuẩn riêng cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm. 

Hơn nữa, ngành giáo dục cần quy định chế độ giảm giờ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để họ an tâm công tác và không còn “sợ” nữa. 

Trần Vũ