LTS: Nhiều thầy cô đang bất lực trước trò hư; các phương pháp giáo dục có tính chất răn đe của thầy cô lúc nào cũng có nguy cơ bị dư luận, phụ huynh chỉ trích, lên án.
Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết đưa ra so sánh cách giáo dục học sinh thời xưa và nay để lý giải việc thầy cô thời nay đang bất lực với chính học trò của mình.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thời chúng tôi đi học, học trò sợ thầy cô giáo một phép nhất là hôm nào ai mắc lỗi hoặc không thuộc bài.
Vào giờ học, khi thấy thầy cô cầm cuốn sổ điểm để gọi tên kiểm tra bài cũ, học trò nào cũng run bần bật, tim đập liên hồi kể cả học sinh đã học bài thì cũng hồi hộp vì sợ đứng lên trước lớp mà quên hết bài, còn bạn nào chưa học thì “hồn bay phách lạc”.
Khi không thuộc bài mà bị gọi lên bảng thì ngoài việc có một điểm 0 trong sổ thì học sinh còn bị thầy cô phạt bằng cách quỳ trên bảng cả tiết đó, thậm chí bị phạt roi đến tím bầm cả mông.
Thầy cô thời nay đang bất lực trước học trò (Ảnh: news.zing.vn) |
Nhưng khi về nhà, chẳng ai dám hé miệng nói với cha mẹ vì để lộ việc không học bài thì sẽ bị cha mẹ phạt nặng hơn.
Vì không có nơi nào để bấu víu nên buộc chúng tôi phải cố gắng học tập để không mắc lỗi. Cứ như thế học sinh thời đó chăm chỉ và ngoan ngoãn hơn học trò thời nay rất nhiều.
Còn hiện nay, chuyện học sinh vô lễ, hỗn láo với thầy cô là chuyện thường xảy ra ở trường học. Nhiều thầy cô là chủ đề bàn tán của học sinh vào lúc rảnh rỗi, giờ ra chơi.
Tình cờ nghe được một vài câu trong những cuộc đối thoại giữa các học sinh rằng: “Bà ấy già rồi mà vẫn chưa lấy chồng” hay “Dữ như bà la sát thế thì ma nào rước”.
Thậm chí, những cô cậu học trò còn nói: “Hôm nay bà ấy vào lớp tao dạy mà mặc bộ đồ đỏ trông phát gớm” hay “Thằng cha ấy ác lắm, không thuộc bài là ăn ngay con 0, không cho nợ hôm sau gỡ đâu”….
Thầy giáo đành phải 'bất lực' với học trò hư?Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng, tỷ lệ trẻ hư đang tăng lên và tất nhiên là kéo theo tỷ lệ phạm tội tuổi thành niên. |
Lúc đầu mới nghe, tôi cứ nghĩ các em đang nói về một ai đó chứ không hề nghĩ rằng, học trò đang nói về giáo viên chúng tôi.
Nói xấu sau lưng thầy cô dù sao cũng là những học sinh còn biết sợ bởi có những em còn ngang nhiên thách thức, chửi thầy cô khi bị giáo viên nhắc nhở.
Khi gặp những học sinh như thế thì phần lớn giáo viên tự dặn lòng rằng: “Phải bình tĩnh, không được nổi nóng” và đành lờ đi như chưa nghe thấy gì, phải cố dạy cho hết tiết, cùng lắm là báo cáo lên giám hiệu nhà trường.
Đó chỉ là một vài ví dụ thể hiện sự bất lực của thầy cô trước sự ngỗ ngược, vô lễ của học trò nhưng nếu không làm thế thì thầy cô có thể làm gì?
Mặc dù, một số hình phạt vẫn đang được áp dụng trong trường học những không còn hiệu quả như: chép phạt, viết bản kiểm điểm, hạ hạnh kiểm. Còn mời phụ huynh thì nhiều cha mẹ phủi trách nhiệm: “Giáo dục, dạy dỗ học trò là việc của nhà trường”.
Nếu nên tên học trò trước cờ hay nặng lời quát mắng để cảnh cáo thì bị cho là: “Thầy cô đang xúc phạm học sinh vì bêu riếu các em giữa chốn đông người”.
Phạt roi thì bị coi là “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” vì đã xúc phạm thân thể học sinh…
Đến mức, ngay cả trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên cũng luôn được cấp trên nhắc nhở trước rằng: “Không được nêu khuyết điểm của học sinh trong cuộc họp, nếu cần thiết thì gặp từng phụ huynh để trao đổi”.
Nhưng khổ nỗi, nhiều bậc phụ huynh không muốn nghe điều không tốt về con mình nên khi giáo viên có nhã ý gặp trao đổi riêng thì họ lấy lý do để bỏ về. Cứ như vậy, không có sự hợp tác của gia đình dần khiến những học trò này càng ngày càng hư.
Vậy giải pháp an toàn nhất mà giáo viên rỉ tai nhau thực hiện để bản thân không bị “tai bay vạ gió” đó là khoanh vùng học sinh theo cách “mackeno” (mặc kệ nó) để được yên thân.
Đừng nghĩ cứ đưa con đến trường là cha mẹ hoàn thành trách nhiệm!(GDVN) - Với những học sinh hư, học sinh cá biệt thì giáo viên sẽ phải làm gì? Dùng lời ngọt ngào thì không có tác dụng. La mắng thì là vi phạm đạo đức nhà giáo. |
Giáo viên không dám mạo hiểm hy sinh tương lai của mình chỉ vì cái roi quất vào tay, vào mông những học trò chưa ngoan, những học sinh không chịu học hành.
Dẫu biết rằng, một roi vào tay hay vào mông học trò không phải là cái đánh của sự ghét bỏ, hằn học học trò mà đó là cái đánh của tình thương, của lương tâm và trách nhiệm của những người giáo viên chân chính.
Sự nghiêm khắc ấy với mong muốn học trò sẽ ngoan hơn, thức tỉnh được hành vi lệch chuẩn mà nhiều em đang mắc phải.
Tiếc thay, giáo viên thời nay chỉ được phép dùng tấm lòng bao dung, những biện pháp dạy dỗ mềm dẻo như nhắc nhở, khuyên nhủ, cảm hóa… nhưng điều này lại không có tác dụng nhiều với những học sinh chưa ngoan.
Những “công cụ” giáo dục học sinh hiệu quả ngày xưa thì nay đã bị “tước đoạt” hết.
Thầy cô thời nay hoàn toàn bất lực trong việc dạy dỗ học sinh chính vì những phản ứng thái quá của phụ huynh và dư luận.