LTS: Liên quan đến thông tin đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội thời gian qua, hôm nay tác giả Khương Duy - nghiên cứu sinh ngành Luật tại Đại học Bocconi, Milan, Italia mạnh dạn nêu quan điểm của mình về vấn đề này, tác giả chỉ rõ lý do vì sao khâu đào tạo là một quy trình khắt khe nhưng lại cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Những ngày qua, một trong những đề tài nóng nhất trên mặt báo là vấn đề đào tạo tiến sĩ. Thực chất, dư luận vốn “dị ứng” với việc Việt Nam có số lượng tiến sĩ đông đảo song rất nhiều tiến sĩ không làm trong các cơ sở đào tạo và số lượng công bố quốc tế rất thấp.
Cho nên, khi một số hình ảnh ghi lại các buổi bảo vệ luận án tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các tên đề tài lạ lùng được đưa lên mạng xã hội, dư luận như bị đổ thêm dầu vào lửa.
Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của các nghiên cứu sinh đã và đang trải qua quá trình đào tạo cùng các giáo sư đã và đang hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Việt Nam.
Đặc biệt, còn có luồng ý kiến từ các nhà khoa bảng nổi tiếng được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tất cả đã phần nào chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.
Bài viết này sẽ tiếp cận vấn đề từ một khía cạnh khác, đó là nghịch lý giữa quy trình đào tạo và chất lượng:
Nếu nói về quy trình đào tạo, dù có những điểm bất hợp lý (chẳng hạn, tên đề tài được cố định từ đầu, thậm chí đề cương cũng phải bảo vệ rất sớm, khi nghiên cứu sinh chưa thật sự hiểu rõ vấn đề), song phải khẳng định rằng về mặt hình thức, quy trình đào tạo tiến sỹ của Việt Nam rất khắt khe. Điều này đi ngược lại suy nghĩ của nhiều người nhưng đó là sự thật.
Nghịch lý tiến sĩ “đúng quy trình” ở Việt Nam (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Ngay từ khi thi tuyển, nghiên cứu sinh đã phải xác định tên đề tài và trình bày sơ bộ hướng nghiên cứu trước hội đồng tuyển sinh.
Sau khi đỗ, nghiên cứu sinh có thể phải học thêm một số môn chuyên sâu. Sau một thời gian, nghiên cứu sinh phải bảo vệ đề cương chi tiết.
Thông thường, trước khi viết luận án, nghiên cứu sinh phải viết ba chuyên đề và đưa ra lấy ý kiến trước một bộ môn chuyên môn, độc lập với hội đồng đánh giá luận án sau này.
Sau khi các chuyên đề đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh sẽ bắt tay vào viết luận án.
Luận án được bảo vệ kín trước một hội đồng khoa học. Đây là vòng quan trọng nhất, nghiên cứu sinh phải chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng cho đến khi đủ điều kiện bảo vệ chính thức.
"Nhiều tiến sĩ dở nên dân bức xúc là đúng"(GDVN) - Đó là nhận định của GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về thực trạng đào tạo tràn lan tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay. |
Trước khi bảo vệ chính thức, nghiên cứu sinh có thể phải gửi tóm tắt luận án cho các nhà khoa học cùng ngành để xin nhận xét.
Trải qua các bước này, luận án mới được đưa ra bảo vệ công khai trước một hội đồng gồm 5-7 giáo sư; chưa kể các cử tọa tham dự cũng có quyền đặt câu hỏi.
Sau khi bảo vệ công khai, nếu không có khiếu nại, tranh chấp gì về luận án, nghiên cứu sinh sẽ được công nhận học vị.
Chưa kể, trong quá trình đào tạo dài từ 3-4 năm thậm chí lâu hơn này, nghiên cứu sinh sẽ phải tham dự các sinh hoạt chuyên môn phục vụ nghiên cứu khác.
Trong khi đó, ở nhiều nước tiên tiến, quy trình không có nhiều ban bệ, hội đồng đến vậy. Về cơ bản, giáo sư hướng dẫn là người quyết định gần như toàn bộ việc nghiên cứu sinh có đạt học vị không.
Các hội đồng chấm luận án thường chỉ gồm 3-5 giáo sư, có thể gồm cả giáo sư hướng dẫn, điều trái ngược với Việt Nam.
Tại Úc, việc bảo vệ trước hội đồng gần như không còn được tổ chức, luận án được chấm và nhận xét được gửi lại cho cơ sở đào tạo.
Một số cơ sở đào tạo tuyển nghiên cứu sinh tham gia một dự án nghiên cứu của giáo sư và sẽ được cấp bằng. Xu hướng thay việc viết luận án bằng 2-3 bài báo quốc tế cũng đang được áp dụng. Nói không quá, nếu so sánh về hình thức thì quy trình đào tạo tiến sỹ của Việt Nam thuộc hàng khắt khe nhất nhì thế giới.
Công bằng mà nói, không phải tất cả tiến sĩ đào tạo trong nước đều kém và ngược lại. Song, mặt bằng chung chất lượng đào tạo trong nước thua xa đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học xã hội. Vậy vì sao một quy trình khắt khe như thế lại cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng?
Chỉ có thể lý giải rằng quy trình ấy chính là một con dao hai lưỡi. Một quy trình có nhiều hội đồng, nhiều vòng bảo vệ dường như không còn là vấn đề thủ tục nữa mà đã trở thành một tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Năm nay, "Lò sản xuất tiến sĩ" muốn đào tạo 1.600 thạc sĩ(GDVN) - Như vậy, ngoài Tiến sĩ, Thạc sĩ cũng là trình độ mà Học viện Khoa học xã hội rất khoái đào tạo. Có góc nhìn nào khác về Học viện này và cách đào tạo không? |
Việc vượt qua quy trình đó trở thành bằng chứng của việc đạt chất lượng. Song vì chỉ có quy trình khắt khe mà thiếu nhiều yếu tố khác nên sản phẩm cuối cùng chỉ là các tiến sỹ “đúng quy trình”.
Các yếu tố còn thiếu đó, đáng tiếc lại là linh hồn của quá trình đào tạo tiến sĩ. Đơn cử như việc nghiên cứu sinh ở Việt Nam được đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm trong khi tại đa số các nước tiên tiến, nghiên cứu sinh phải làm việc toàn thời gian.
Một số cơ sở đào tạo buộc nghiên cứu sinh phải có mặt tại phòng thí nghiệm và văn phòng theo giờ hành chính để làm việc.
Ngoài ra, tuy quy trình của Việt Nam có nhiều ban bệ, hội đồng, song nhiều giáo sư đã thừa nhận rằng không phải giáo sư hướng dẫn và thành viên hội đồng nào cũng có chuyên môn về đề tài.
Hơn nữa, hội đồng thường cả nể, duy tình, có thể góp ý gay gắt nhưng rồi vẫn qua. Do đó, quy trình tuy trùng trùng điệp điệp nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Trái lại, ở các nước tiên tiến, người ta không có quy trình khắt khe nhưng yêu cầu trong quá trình làm nghiên cứu sinh rất cao và việc đánh giá luận án rất công tâm.
Có thể nói, khi không thể dựa dẫm vào quy trình, người ta chỉ có thể dựa vào năng lực và thành quả.
Đơn cử, việc một số cơ sở đào tạo không yêu cầu viết luận án mà chỉ đòi hỏi bài báo quốc tế thoạt nghe thì dễ dàng song thực tế đây là nhiệm vụ cực kỳ khó, thậm chí còn khó hơn cả luận án.
Để có thể đăng bài trên tạp chí uy tín, người hướng dẫn và nghiên cứu sinh phải nỗ lực và sáng tạo thật sự bởi lẽ các bài viết này có mức độ công khai hơn nhiều so với luận án.
Một thiếu sót rất lớn khiến quy trình của Việt Nam bị vô hiệu là ngoại ngữ. Thành thật mà nói ít có đội ngũ học thuật của quốc gia nào kém ngoại ngữ như Việt Nam.
Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ"(GDVN) - Chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh. |
Trước kia các giáo sư của chúng ta thông thạo tiếng Pháp và sau này là tiếng Nga. Nhưng sự chuyển đổi sang tiếng Anh khiến chúng ta bị lỡ một nhịp dài bởi nhiều giáo sư, đầu ngành không sử dụng được ngôn ngữ quốc tế này.
Làm sao để một giáo sư không biết tiếng Anh hướng dẫn và đánh giá các luận án về kinh tế, thương mại trong một bối cảnh toàn cầu hóa?
Hay đáng ngại hơn là câu chuyện mới đây về một giáo sư chỉ có bằng C tiếng Anh nhưng lại hướng dẫn nghiên cứu sinh về ngôn ngữ học đối chiếu, và đề tài bàn về cách dịch thuật câu bị động sang tiếng Việt.
Khoa học tự nhiên của Việt Nam gần với thế giới hơn so với khoa học xã hội bởi lẽ ngôn ngữ không phải vấn đề quá lớn. Rào cản ngôn ngữ khiến khoa học xã hội của Việt Nam rất lạc hậu cả về nội dung và phương pháp.
Ở Việt Nam nhiều khi hội đồng và nghiên cứu sinh tưởng rằng đề tài rất mới mẻ nhưng thật ra không có gì mới. Cảm giác chung của các nghiên cứu sinh ở lĩnh vực khoa học xã hội khi ra môi trường quốc tế là nỗi hoang mang vì lĩnh vực nào cũng đã có người khai phá rồi, khoảng trống nghiên cứu rất ít.
Việc cập nhật tình hình nghiên cứu thật sự quá sức ngay cả với nhiều giáo sư hướng dẫn, nhất là khi ngoại ngữ hạn chế. Yếu ngoại ngữ khiến luận án không đạt chất lượng, nghiên cứu sinh không có công bố quốc tế khi làm nghiên cứu sinh và sau này khi đã thành tiến sỹ, việc tiếp tục phát triển nghiên cứu cũng rất hạn chế. Việc cho rằng Việt Nam có chuẩn mực riêng chỉ là sự bao biện.
Tóm lại, trước đây khi truyền thông chưa phát triển, việc đào tạo ở trình độ bậc cao nhất giống như một ngôi đền thiêng mà người thường chỉ dám đứng từ xa nhìn vào và ngưỡng mộ.
Nhưng hiện nay ngôi đền ấy đang dần được giải thiêng. Sự giải thiêng đó là cần thiết để việc đào tạo tiến sỹ thật sự chuyển mình, hòa nhập với dòng chảy chung của quốc tế.