LTS: Dư luận đang quan tâm tới chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội, nhân câu chuyện này, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Đánh giá về sự việc như báo chí phản ánh vừa qua, bà Phụng cho biết, thực ra, quản lý đào tạo đối với tất cả các cơ sở đào tạo tiến sĩ đều phải theo quy chế chung.
Bên cạnh đánh giá chuyên môn, có thể còn có “đánh giá của xã hội” theo một khía cạnh khác. Tuy nhiên, không phải cứ đề tài nào bị xã hội phản đối thì không nghiên cứu hoặc không cho bảo vệ luận án nữa.
Theo bà Phụng, Nếu đề tài cần thiết thì vẫn phải nghiên cứu, nhưng ngược lại phải làm cho xã hội hiểu nó cần thiết như thế nào. Vì vậy, khi cơ sở đào tạo đưa thông tin lên mạng phải phân tích kĩ sự cần thiết của đề tài, mục đích nghiên cứu đề tài.
Nếu viết về lý do nghiên cứu đề tài có sức thuyết phục hơn và những người quan tâm đọc nó một cách nghiêm túc thì có thể sẽ thay đổi cảm nhận xã hội.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài được đặt ở đâu trong các đề tài kiểu như của Học viện Khoa học Xã hội, bà Nguyễn Thị kim Phụng cho rằng, quy chế quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học- Bộ GD&ĐT. Ảnh Phụ nữ |
Hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.
Trong quy chế có quy định về tiêu chí của luận án và trong bản nhận xét của những người đánh giá luận án cũng phải đề cập đến các vấn đề này.
Bà Phụng cũng cho biết thêm, sự đánh giá đối với đề tài luận án có thể chia thành đánh giá xã hội và đánh giá chuyên môn.
“Chúng ta nên tiếp nhận những đánh giá đó ở những góc độ khác nhau. Yêu cầu của Quy chế đối với luận án là yêu cầu chung cho hàng trăm ngành nên mang tính định tính, khó có thể có định lượng chung cho tất cả các ngành nên cần phải có chuyên môn của từng ngành đánh giá.
Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GD&ĐT, quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ"(GDVN) - Chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh. |
Một trong các quy định đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo là để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo” bà Phụng cho biết.
Với số lượng đề tài được bảo vệ thành công ở Học viện Khoa học Xã hội trong thời gian qua là rất lớn, dư luận đặt ra liệu có quy định gì về khống chế để đảm bảo chất lượng theo đúng năng lực của học viện?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin rằng, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Chỉ tiêu của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu, nếu tính bình quân cho 17 cơ sở đào tạo thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn.
Theo quy định, 1 tiến sĩ trong cùng một thời gian được hướng dẫn không quá 3 nghiên cứu sinh, 1 phó giáo sư thì không quá 4 và giáo sư không quá 5. Nếu tính trên số giảng viên hiện có thì Học viện cũng không vượt chỉ tiêu.
“Đánh giá chất lượng không thể căn cứ vào số luận án được tổ chức bảo vệ trong một thời gian mà phải trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng (giảng viên, cơ sở vật chất…) và giá trị khoa học, tính hữu ích của đề tài luận án.
Đào tạo một tiến sĩ trung bình phải 3-4 năm tính từ lúc tuyển sinh đến khi bảo vệ luận án; đó là chưa kể trong quá trình đào tạo còn có người dừng, người chậm. Và nếu như cứ sử dụng 17 cơ sở đào tạo như trước đây để đào tạo số tiến sĩ đó thì chắc chắn cảm nhận xã hội sẽ không như thế” lãnh đạo Vụ Đại học cho biết.
Như thông tin bà Phụng cho biết thì Học viện Khoa học Xã hội không sai, nhưng tại sao vẫn tạo cho dư luận bất an về chất lượng đào tạo ở Học viện này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thẳng thắn, có thể do chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam còn chưa được như ở các nước phát triển.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sĩ vừa là vấn đề vừa cần thiết, vừa là vấn đề khó khăn trong điều kiện khả năng đầu tư cho đào tạo và mức học phí của nghiên cứu sinh đều còn ở mức hạn chế…
Tuy nhiên, bà Phụng cho rằng, trong điều kiện của mình, cơ quan quản lý và các cơ sở đạo tạo sẽ phải quyết tâm thực hiện nâng cao hơn nữa chất lượng trong thời gian tới để ngày càng đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Căn cứ nào để đánh giá một đề tài tiến sĩ tốt? Đầu tiên cơ sở đào tạo phải đưa ra hướng cần thiết nghiên cứu hoặc người học quan tâm tới đề tài nào thì có thể đăng ký và được cơ sở đào tạo chấp nhận. |